Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa tiến hành can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhân Đ.Q (sinh năm 1942, ngụ Vũng Tàu) bị phình động mạch chủ bụng dưới thận, dọa vỡ.
Qua khai thác bệnh sử được biết, ông Q. có tiền sử tăng huyết áp. Những ngày gần đây, ông Q. thường có triệu chứng đau bụng, buồn nôn nên đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện ông bị phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận có kích thước 58mm, kèm huyết khối thành và có nguy cơ vỡ cần được can thiệp để bảo toàn tính mạng.
Ngay lập tức, ông Q. được các bác sĩ nhanh chóng ổn định huyết áp nhằm giảm nguy cơ vỡ phình và hội chẩn để đưa ra kế hoạch điều trị cho người bệnh. Bên cạnh đó, kết quả CT mạch vành cho thấy, có tổn thương hẹp hai nhánh động mạch vành lớn (50-70%).
Đánh giá nguy cơ của vỡ phình động mạch chủ cao, các bác sĩ quyết định can thiệp thiệp đặt stent graft động mạch chủ bụng và dùng thuốc phòng ngừa tình trạng thiếu máu, nhồi máu cơ tim cho người bệnh.
Sau khi can thiệp đặt stent graft động mạch chủ, dòng máu chảy thông suốt trong lòng stent tưới máu cho hai chi dưới, khối phình bị cách ly, không có dòng chảy vào túi phình, không dò. Người bệnh phục hồi nhanh và được xuất viện sau 3 ngày điều trị.
ThS.BS Lương Công Hiếu, Khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, bệnh nhân lớn tuổi có khối phình lớn, huyết áp cao khó kiểm soát, nếu không can thiệp kịp thời dễ xảy ra biến chứng vỡ, mất máu và tử vong. Bên cạnh đó, người bệnh có nguy cơ thiếu máu, nhồi máu cơ tim.
“Tỉ lệ tử vong và biến chứng cao nếu phẫu thuật mở, vì vậy, các bác sĩ quyết định tiến hành can thiệp nội mạch đặt stent graft động mach chủ bụng cho người bệnh”, bác sĩ Công Hiếu cho hay.
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, trước đây giải pháp cho những ca bị phình động mạch chủ là phẫu thuật mổ hở với nhiều nguy cơ có thể xảy ra như chảy máu, nhiễm khuẩn, nằm hồi sức sau mổ lâu và tỷ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên hiện nay, kỹ thuật đặt stent graft đã tạo sự khác biệt rất lớn, thời gian hậu phẫu ngắn, người bệnh hồi phục nhanh, sớm tái hòa nhập cuộc sống.
Phình động mạch chủ là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao khi có biến chứng vỡ khối phình. Bệnh hay gặp ở những người trên 60 tuổi có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ, có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu…
Tuy nhiên, phần lớn người bệnh gần như không có triệu chứng hay gặp phải biểu hiện như cảm giác khối đập trong bụng, đau đầu dữ dội lưng dưới, đau bụng, buồn nôn, cảm giác đầy bụng liên tục hoặc chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng. Chính vì thế, bác sĩ Hiếu khuyến cáo, người dân nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm khi khối phình chưa vỡ.