| Hotline: 0983.970.780

Thoát được nghèo thì cũng trắng tay

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:08 (GMT+7)

Trở thành công dân Thủ đô nhưng những nông dân xứ Mường dường như khó bắt kịp những đổi thay chóng vánh.

Trở thành công dân Thủ đô nhưng những nông dân xứ Mường dường như khó bắt kịp những đổi thay chóng vánh. Họ ngây thơ, chất phác trước cơn bão, cơn sốt đất cuồng quay để rồi phải gánh chịu không ít những thiệt thòi.

>> Chuyện buồn xứ Mường ở Thủ đô

10 ngàn đồng/tháng vẫn không được nghèo

Thôn Trại Mới 1 xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) nằm sát đường cao tốc Láng – Hòa Lạc kéo dài. Sở dĩ phải gọi là Trại Mới 1 vì sau khi sát nhập về Thạch Thất, dân số tăng đông quá nên Trại Mới tách làm hai. Tiến Xuân cũng là xã gần trung tâm nhất trong số những xã thuộc xứ Mường ở Hà Nội. Nhưng sự gần gũi phố phường ấy đôi khi không chỉ có may mắn và thuận lợi, ngược lại, bi kịch có phần nhiều hơn.

Chỉ trong vòng hai năm, thôn Trại Mới 1 có tốc độ thoát nghèo nhanh chóng mặt. Cả thôn có 120 hộ dân, trước khi về Hà Nội thì phần lớn số ấy thuộc hộ nghèo. Hai năm trước vẫn đang còn 32 hộ, vậy mà bây giờ chỉ còn lại 4 hộ mà thôi. Vào Trại Mới 1 có cảm giác như ngôi làng này chỉ toàn người già. Cũng phải thôi, bởi người có sức đã bỏ đi làm thuê hết. Trưởng thôn Quách Minh Tâm thống kê: Trại Mới 1 có hơn 400 khẩu nhưng chỉ được 15 ha đất lúa. Đất rừng thì có, nhưng là trước đây, còn bây giờ đã bán hết, chẳng còn một tấc nào. Mà số ruộng ít ỏi còn lại cũng bị bán tráo lung tung hết cả nên dân chẳng có nghề nghiệp gì.


Hết bán đất rừng sang bán ruộng để thoát nghèo

Hoàn cảnh ấy nên không thể trách chuyện giàu nghèo ở Trại Mới 1 có quá nhiều bất cập. Trưởng thôn Tâm kể rằng, là công dân Thủ đô hẳn hoi đấy, nhưng có những gia đình mỗi tháng không thể kiếm nổi 10 ngàn đồng, hầu như chẳng có gì được gọi là thu nhập cả. Nhưng khối nhà như thế lại không cho nghèo. Lý do? Ông không có thu nhập nhưng con cháu ông chắc là phải có chứ. Cho dù con cái có lập gia đình, tách hộ ra ở riêng rồi nhưng nếu ông bà vẫn còn tồn tại được, sống được thì ai cho ông bà nghèo.

Tôi đã gặp chủ nhân của một trong những gia đình “không ai cho nghèo” ấy. Đấy là bà Thảo. Nhà ông bà có tận 7 đứa con, nhưng tất cả đều đã ra cửa ra nhà hết. Mỗi tội, đứa nào cũng là nông dân, không lương không lậu nên bà tự nhận mình là lao động chính dù đã ngoài 60 tuổi rồi, không phụ thuộc vào ai hết. Hai ông bà sống dựa vào 4 sào ruộng. Trước còn có thêm hai sào đất đồi nhưng phải bán cho người ta vì túng bấn, vì không có sức để làm. Bà bảo “nhà tôi không xét được hộ nghèo bởi vì không đói, nhưng mà cũng chẳng no”. Cũng vì cái đận bán đất ấy mà gia đình bà thoát được nghèo, thôn giảm đi được một chỉ tiêu.

Chuyện bán đất, bán ruộng thoát nghèo gần như là điều kiện bắt buộc, là con đường duy nhất ở Trại Mới. Ngay như nhà trưởng thôn Tâm, nếu chỉ nhìn qua thì có thể gọi là khá giả. Nhà hai tầng, bàn ghế sang trọng, xe máy mới… Nhưng vị trưởng thôn này thừa nhận, những thứ ấy, không bán hết đất đồi cho người ta thì không làm nổi.

“Nông thôn bây giờ, nếu có việc thì phải vay, không vay thì bán ruộng. Như đứa con dâu nhà tôi đấy, nuôi hai đứa đại học, hai vợ chồng nó đi làm thuê cật lực mà không đủ để nuôi con”. Ông Tâm cũng giải thích thêm rằng, nguyên nhân bà bà con trong thôn bán ruộng nhiều chủ yếu là do đám cưới. Dù đã có nghị quyết chính quyền quy định mỗi đám cưới 50 mâm, nhưng mà ở quê, bà con làng xóm, họ hàng hai bên, đâu thể ấn định số cỗ, số bàn. “Đám cưới theo nếp sống mới, làm khoảng 50 mâm. Thể nào cũng âm chừng 30-40 triệu. Có cặp vợ chồng cưới nhau, sinh hai mặt con rồi mà vẫn chưa trả hết nợ. Kêu trời kêu đất, chả làm gì ra được, tiền đi làm thuê không đủ thì phải bán ruộng đi mà trả nợ thôi. Còn như cái họ nhà tôi đây, ăn đi ăn lại phải đến 300 mâm ấy chứ. 50 mâm thì ai ăn ai nhịn, chẳng lẽ không mời người ta à? Giá cả thực phẩm bây giờ, nông thôn thôi mà mỗi mâm cũng phải 500 ngàn. Thử hỏi, không bán ruộng đất thì lấy đâu ra”.

À ra thế, đám cưới bán ruộng, con đi học bán ruộng, làm nhà làm cửa cũng bán ruộng. Nghe ông trưởng thôn nói những chuyện tưởng chừng như bi đát ấy với giọng rất bình thản, như thể không còn cách nào khác thì mới biết, những con số thống kê lý tưởng về tốc độ thoát nghèo chưa hẳn đã phản ánh hết cuộc sống người dân.

Đã nghèo còn gặp dự án treo

Nghèo phải bán ruộng, bán đất đi để rồi phải đi bán sức lao động ở các chợ người là bi kịch của nhiều nông dân ở xã Tiến Xuân. Tất nhiên là họ có lỗi, nhưng có thể bi kịch ấy sẽ không đến với họ nếu không có hàng loạt dự án treo đổ bộ, không có những kẻ ôm tiền đùn cho một vài người đi mua ruộng của bà con để chờ đền bù.

Người ta đã gọi Tiến Xuân là xã có nhiều dự án treo nhất cả nước, đâu chừng 25-30 gì đấy. Đồn thổi quy hoạch, nhập nhằng quản lý khiến nông dân quay cuồng trong muôn vàn thông tin về ruộng đất của mình. Không biết tự bao giờ, ở thôn Trại Mới 1 xuất hiện nghề đi gom ruộng đất của người dân cho các đại gia. Nghề mà trưởng thôn Tâm bảo là hơi lạ vì: “Có dự án vào người ta trả tiền cho những thằng mua nhưng những thằng đã bán rồi thì làm gì có tiền nữa”.


Bán hết đất rừng, nông dân quay ra đi làm thuê

Còn ông T, một nông dân trong thôn đang còn giữ ruộng lại nghĩ khác. Ông xin được giấu tên vì gần nhà mình có tới hai người làm đầu mối thu gom ruộng, chỉ điểm cho các đại gia. Giọng cay đắng, ông nói với tôi rằng: Họ có tiền, biết dân cần tiền nên cứ bơm cho một số người trong thôn làm đầu mối. Những người này nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, nhà nào túng bấn, nhà nào có con đi học đại học, sắp đám cưới, cần bán ruộng là đến “hỏi thăm” ngay. Họ có trách nhiệm đứng ra mua ruộng của bà con, chờ đến lúc nào có dự án đền bù thì đứng ra nhận tiền rồi trả lại cho các “nhà đầu tư” kia. Thành thử, tiếng là người trong thôn bán qua bán lại cho nhau, nhưng thực chất đều là do các đầu nậu về đây thu gom cả. Chỉ riêng thôn Trại Mới 1 thôi mà đã có 3-4 ông làm “đại lý thu mua ruộng đất” rồi.

Chúng tôi định bụng mang chuyện bán ruộng đất và cuộc sống người dân Trại Mới 1 ra hỏi lãnh đạo xã Tiến Xuân. Nhưng khi đăng ký làm việc với UBND xã thì ông Bùi Văn Tình, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã bảo là chán báo chí lắm rồi, không làm việc, khi nào có vụ án hoặc khởi tố thì mới làm. Hỏi sang chuyện xây dựng NTM, người đứng đầu xã Tiến Xuân bảo rằng: Không cần phải xây dựng. Lãnh đạo như thế, chả trách người dân cứ bán ruộng đất để thoát nghèo.

Sở dĩ cái nghề làm “đại lý” ấy sống được là vì ruộng đất ở Trại Mới 1 khá dễ bán. Còn lý do dễ bán là nhờ đất ruộng vùng này rơi vào các dự án quy hoạch treo. Nghe nói đây được quy hoạch để xây dựng Đại học dân lập Hòa Bình, rồi thì Khu đô thị Đông Tiến Xuân…

Cũng có thời điểm giá ruộng được thổi lên 60-70 triệu đồng một sào, nhưng hầu hết những thông tin ấy nông dân chỉ biết chạy theo thôi chứ không nắm rõ thực hư ra sao cả. Đến lúc dự án gần như tan nát, những lời đồn thổi cứ tiếp tục để bán ruộng, bán đất chứ thực chất chẳng biết có lấy ruộng của bà con nữa hay không.

Cũng vì nhiễu thông tin như thế nên nhà ông T mới không bán ruộng, chứ thực tế gia đình ông cũng bí lắm rồi. Dù có suy nghĩ, có hiểu biết đến đâu thì gia đình ông cũng không thể đi ngược quy luật: Không bán đất thì không làm được gì.

“Chi phí bây giờ lớn quá. Không cho con ăn học không được, cho con ăn học thì chết. Công nhân viên chức còn có lương, còn nông dân chỉ biết trông vào mấy sào ruộng. Cả thôn này chỉ có khoảng 5 gia đình ổn định vì họ có nghề nghiệp. Còn lại, cần tiền đều phải đi vay. Mà đi vay lãi người ta phải nhìn xem thử gia đình ông có gì không. Nhìn đi nhìn lại thì không có gì ngoài ruộng đất cả. Đến như mua xe máy Tàu vài triệu cũng phải làm cái lễ “rửa xe kẻo nó bẩn”, trong xóm, trong làng, đi tong con lợn 40-50 cân ngay. Bán ruộng để thoát nghèo. Bán xong rồi, tiền không giữ được, cứ véo dần dần, sớm muộn gì cũng tái nghèo thôi”, ông T bảo. (Hết)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm