| Hotline: 0983.970.780

Thoát nạn nhờ... ho

Thứ Ba 10/11/2020 , 09:43 (GMT+7)

Anh Long và các ngư dân quá quen mặt với từng chiếc tàu tuần tra, với những tên lính mắt híp, tay chống nạnh, tay chỉ chỏ...

Tàu cá anh Long bình an trở về nhờ thuyền trưởng 'mắc chứng' ho khan

Tàu cá anh Long bình an trở về nhờ thuyền trưởng “mắc chứng” ho khan

“Ra ngoài này làm gì, ra ngoài này làm gì…?”, tên lính phiên dịch Trung Quốc nói giọng thô lỗ và thị uy bằng chiếc gậy đập mạnh bộp… bộp vào thành tàu của ngư dân. Nhưng rồi bỗng dưng tiếng nói của hắn nhỏ dần, mọi cử động giống như ốc sên thụt vào vỏ. Lý do là trên tàu có ngư dân… ho sặc kéo dài.

Mưu sinh vùng nóng

Buổi chiều tà, bãi biển xóm Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trở nên vắng vẻ. Đây là một làng biển nằm biệt lập với các xóm lân cận.

Không gian yên bình đã giúp ngư dân Bùi Văn Long có thời gian ngồi chống cằm và nghĩ ra kế sách làm sao cho chuyến biển ra Hoàng Sa, trở về an toàn.

“Mùa biển năm nay nó (tàu tuần tra Trung Quốc) đuổi quá, điều khác biệt lần này ở Hoàng Sa, đó là không thấy tàu hải cảnh loại nhỏ, mà toàn tàu lớn, có cả tàu quân sự vây ráp, bám theo tàu cá của ngư dân”, anh Long kể lại bằng chất giọng đầy nghiêm trọng.

Anh Long và các ngư dân quá quen mặt với từng chiếc tàu tuần tra, với những tên lính mắt híp, tay chống nạnh, tay chỉ chỏ, tên phiên dịch thì sốt sắng, luôn miệng hỏi “tại sao ra đây đánh cá…? Về Việt Nam”.

Chiếc tàu cá quá bé nhỏ và ngư dân sợ nhất là bị bọn lính lôi tàu về đảo rồi tịch thu, hoặc sang tàu xúc hết cá, chặt phá lưới. Còn nỗi sợ trước con tàu ngáo ộp và to xác thì không, ai cũng quen và không sợ hãi. Ngư dân nào cũng khẳng định “chỉ sợ tụi nó lấy cá, đổ nước vô phi dầu”.

Những ngày bám biển Hoàng Sa vừa qua, các ngư dân truyền đi thông tin nóng hổi về việc nhiều tàu cá bị rượt đuổi, sau đó tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân Trần Hồng Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm.

Đó là thời gian chiếc tàu cá của anh Long cũng đang xuôi ngược gần khu vực cụm Lưỡi Liềm. Cụm Lưỡi Liềm còn có tên goi là nhóm Nguyệt Thiền, là nơi từng diễn ra cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Khu vực này, Trung Quốc đồn trú trên các đảo Đá Hải Sâm, Quang Ảnh. Thỉnh thoảng những chiếc tàu tuần tra lượn qua khu vực đảo Đá Lồi, là nơi tàu của anh Long đang neo trú.

Trong những ngày căng thẳng đó, tàu cá của anh Long đi lặn ban đêm, còn ban ngày tìm những gò san hô, đảo ngầm để đưa tàu đi sâu vào vùng nước cạn chỉ còn 2m.

Vào bãi cạn là phương pháp chống tiếp cận của ngư dân đi Hoàng Sa có nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên phải tính toán kỹ mực nước lúc thủy triều rút để tàu cá khỏi mắc cạn. Nhiều ngày neo tàu ở vùng san hô nước cạn tại khu vực đảo Đá Lồi, anh Long và các ngư dân ngủ ngon.

Bình tĩnh giáp mặt

Tháng 11, phiên biển của năm 2020 gần kết thúc, anh Long ngồi điểm lại suốt một năm trời mưu sinh ở Hoàng Sa và đã thoát nạn bao nhiêu lần. Tôi khẩn khoản mong anh chia sẻ vài chiêu nhỏ để phổ biến cho bà con làng chài, anh suy nghĩ hồi lâu rồi mới bật mí một về một chuyến biển may mắn.

Đó là phiên biển cuối tháng 3 vừa qua, các ngư dân chạm mặt con ngáo ộp là tàu tuần tra Trung Quốc to và dài đến khoảng 70m. Con tàu này như sói săn mồi, luôn quần đảo ở bãi cạn mà chiếc tàu nhỏ đang thả neo. Vì không tiếp cận được tàu cá của anh Long, nên bọn lính trên tàu thả chiếc ca nô bay để áp sát.

Tàu Trung Quốc rút lui khi biết ngư dân Việt Nam ho

Tàu Trung Quốc rút lui khi biết ngư dân Việt Nam ho

Anh Long ngồi đếm trên ca nô có 6 tên lính. Bọn lính xông đến tàu của anh Long với bộ dạng hùng hổ, trên tay cầm theo dùi cui, gậy, tên nào cũng bịt mặt bằng khẩu trang màu trắng. Anh Long kể lại, vài ngư dân đi bạn lo sợ và nói “coi chừng nó mà lên tàu là có chuyện, nó thu hết máy móc, chúc cá, dắt tàu ra khỏi bãi ngầm rồi lôi về đảo; nếu nó tiếp cận quá gần anh em ngư dân thì khi về bờ thì sẽ bị cách ly 14 ngày, bỏ lỡ một phiên biển”.

Chiếc ca nô chỉ kè sát và không có tên lính nào dám lên. Tên phiên dịch có dáng người thấp, nói giọng lơ lớ, hắn hét lên “ra đây làm gì? ra đây làm gì?”. Hắn nói dứt câu thì thị uy, dọa nạt các ngư dân bằng cây dùi cui đập ầm ầm vào thành chiếc tàu gỗ nhỏ bé.

Anh Long đi ra đi vào ca bin, mắt nhìn lên trời, không thèm nhìn xuống chiếc ca nô, khuôn mặt bình thản như không nhìn thấy ai. Thấy ông thuyền trưởng của Việt Nam gan quá lớn, mặc bọn lính Trung Quốc càng la hét và phất tay về phía trước. Tới lúc đó thì anh Long mới vô ca bin giật lái cho tàu chạy. Con tàu lắc đít, văng nước lên ca nô của bọn lính. Chiếc ca nô này không rời bỏ muc tiêu mà tiếp tục bám riết tàu, áp sát và cập mạn gần hơn.

Đến lúc này anh Long mới hiểu ra, tên phiên dịch ra hiệu là mở nắp hầm để cướp cá. Nó định xúc hết cá rồi chặt phá đồ đạc trên tàu. Quá nguy hiểm. Trong cơn gió lạnh của Hoàng Sa vào buổi sáng, anh Long húng hắng ho khan rồi ra boong nhấc thùng cá lật nghiêng rồi ra hiệu - Ê, không có gì hết, tàu bọn tao chưa có gì đâu.

Anh Long là người có thâm niên nhiều năm bám biển Hoàng Sa. Những năm trước đây, anh chấp nhận nhọc nhằn, rủi ro, khi chọn cách bám biển Hoàng Sa bằng chiếc thuyền rất nhỏ, dài chừng 15m, trong khi các tàu cá khác là 19 - 21m.

“Nhờ đi tàu nhỏ nên nó không để ý, suốt 6 năm liên tục chưa từng bị bắt giữ, mãi đến thời điểm cách đây khoảng 4 năm thì nó bắt đầu nghi ngờ và tới khống chế tàu, chặt phá dây hơi. Sau chuyến biển đó, giai đoạn yên bình xem như kết thúc”, anh Long nhớ lại.

Đuổi ngáo ộp bằng mẹo

Anh Long cố kìm nén cảm xúc, khuôn mặt tỉnh bơ như người vô cảm để không bị bắt nạt. Khi mọi thứ dồn nén lên cao, anh bỗng bật ra tiếng ho khan. Đúng lúc đó, anh nhìn thấy tên phiên dịch có dáng người béo, lùn có động tác rất giống một tên hề trên sân khấu. Nó đột nhiên lùi lại, người muốn ngã ngữa ra sau. Cú ho của anh có thể còn mạnh hơn cả chiếc gậy trên tay tên này đã đập ầm ầm vào thành tàu trước đó.

Khi tới tiếp cận ngư dân, tên lính phiên dịch đeo khẩu trang ngang mũi, nhưng khi thấy anh Long tiếp tục ho thêm vài cái nữa và miệng chúi về hướng thùng cá (không có cá) thì hắn vội vã kéo khẩu trang trùm lên tận mắt, đến nỗi hở cả miệng đầy răng vàng khè, cả người co rúm lại như đỉa bị rắc vôi.

Bọn lính kéo ga máy, rú lên lõm bõm “găn răn bing dú…!” (có vi rút), sau đó lùi ca nô lại, phất tay ra hiệu “cút, cút, đi, đi…!”. Ánh mắt nhìn vào thùng cá trên tàu ngư dân Việt Nam như cọp háu đói của bọn lính đến lúc đó đều đồng loạt cụp xuống. Anh Long đánh thuyền chạy về hướng đảo Bạch Quy để tiếp tục đánh cá cho hết phiên biển.

Số tàu cá của anh Long chắc chắn được bọn lính lưu trong hồ sơ theo dõi. Vì 2 ngày sau, có đến 3 tàu tuần tra đến vây bọc, bọn lính đứng ở xa quan sát, rồi sau đó các tàu bất ngờ bỏ đi. Ngày tàu cá của anh trở về đất liền với 3 hầm hải sản đầy nhóc, tàu Trung Quốc 4005 bám theo suốt đêm và bật đèn tín hiệu như xe cấp cứu phát ra âm thanh óe óe.

Đợt dịch Covid-19 đầu năm trôi qua, anh Long và các ngư dân vẫn mạnh khỏe, tiếp tục ra Hoàng Sa bám biển trong những ngày này. Anh cho biết, “hễ nó tới cướp nữa thì mình lại ho, thời điểm này, chỉ ho thì mới đuổi được bọn cướp cá bỏ chạy, còn nếu không là nó lấy cho bằng sạch”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.