| Hotline: 0983.970.780

Thời chúng tôi làm báo

Thứ Hai 21/06/2010 , 14:15 (GMT+7)

Chia sẻ của những người làm báo sau đây cho thấy, nếu nói thêm một lần nữa về sự vất vả, nguy hiểm của nghề này sẽ là thừa. Mỗi thời làm báo có cái khó riêng; tuy vậy có một điều không bao giờ thay đổi, muốn trở thành một nhà báo giỏi phải dấn thân, lòng trong, mắt sáng…

Chia sẻ của những người làm báo sau đây cho thấy, nếu nói thêm một lần nữa về sự vất vả, nguy hiểm của nghề này sẽ là thừa. Mỗi thời làm báo có cái khó riêng; tuy vậy có một điều không bao giờ thay đổi, muốn trở thành một nhà báo giỏi phải dấn thân, lòng trong, mắt sáng…

Nhà báo Phạm Huy Hoàn (thứ 2 từ phải sang) bên lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí

Nhà báo Phạm Huy Hoàn: Quy tụ những người giỏi hơn mình

Hiếm có cơ quan báo chí nào đào tạo cho làng báo nhiều Tổng biên tập như tờ Lao động và những cây bút cự phách. Nguyên Tổng biên tập báo Lao động Phạm Huy Hoàn chia sẻ một vài bí quyết, câu chuyện thời ông làm báo. 

Ông là một nhà báo thành danh và là nhà quản lý báo chí giỏi, theo ông mấu chốt để  xây dựng một tờ báo mạnh nằm ở khâu nào?

Tôi  chưa bao giờ dám nhận mình là người thành đạt trong sự nghiệp báo chí. Với gần 30 năm trưởng thành từ một phóng viên được đào tạo vào từng vị trí  khác nhau trong tòa soạn, rồi trở thành TBT báo Lao động, tôi luôn biết ơn các thế hệ đàn anh đi trước đã tạo nền móng cho từng bước phát triển của  báo. Đó là các vị Tổng biên tập tiền nhiệm mà tôi luôn coi là những người anh và người thầy của mình.

Tôi  cho rằng mấu chốt thành công là tập hợp được những nhà báo giỏi hơn mình từ nhiều thành phần xã hội; mạnh dạn ứng dụng công nghệ làm báo tiên tiến. Chính họ cùng với tập thể cán bộ, phóng viên của báo đã góp phần đưa báo Lao động trở thành một trong những tờ báo hàng đầu trong thời kỳ đất nước đổi mới. Tôi đã được các vị tiền nhiệm cử đi học chính trị ở Viện Dimitrov – Bungari, sau đó học quản lý báo chí ở Đức - Pháp, và được thực tập nghề báo ở một vài nước châu Âu, nên cũng có thêm điều kiện nâng cao kiến thức áp dụng các phương thức quản lý  báo chí hiện đại vào báo Lao động. Đến năm 1996, báo Lao động được báo Courrier International  bình chọn là một trong 200 tờ báo nổi tiếng thế giới. 

Có thể ai cũng biết và nói được là phải tập hợp những cây bút giỏi, uy tín, nhưng để tập hợp được thì sòng phẳng mà nói là không đơn giản. Hy vọng, ông không giấu bí quyết của mình... 

(Cười). Theo tôi, việc quy tụ và phát huy hết khả năng của các cây bút giỏi luôn đòi hỏi ở một người lãnh đạo có đức khiêm tốn trong cách ứng xử và biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để tài năng của họ phát sáng.

Tôi được nghe rằng, ông sẵn sàng nghe cấp dưới phê bình. Nay xin hỏi lại ông, chuyện thực hư thế nào?

Muốn quản lý tốt thì phải chịu lắng nghe, để nghe được những ý kiến giúp mình quản lý tốt thì phải chịu chia sẻ, khiêm tốn.

 Xin hỏi thật ông rằng: Báo Lao động thời ông làm TBT là một tờ báo có sức chiến đấu mãnh liệt và không chỉ có tờ Lao động, nhiều tờ báo khác cũng vậy. Nhưng bây giờ thì có tờ còn giữ được, có tờ sức chiến đấu bị giảm sút. Với kinh nghiệm của mình, ông có thể chỉ ra những nguyên nhân? 

Nói về sức chiến đấu của báo Lao động, tôi muốn lưu ý thành công của báo Lao động thời kỳ tôi là TBT là sự hài hòa giữa "xây" và "chống". Các bài  viết chống tiêu cực luôn được TBT  cân nhắc xem xét và nhắc phóng viên phải viết từ cái tâm trong sáng, không được lợi dụng chống tiêu cực để "thương mại hóa" báo chí.  Ban biên tập, tại các cuộc giao ban nghiệp vụ hàng ngày luôn nhắc anh  chị em phóng viên về những thông tin chống tiêu cực phải được cân nhắc với ý thức  trách  nhiệm xã hội. Trách nhiệm báo chí là hướng dẫn dư luận thì chính nhà báo phải luôn là người phải nghiêm chỉnh thực thi pháp luật. Thành công của một tờ báo phụ thuộc vào sự tin cậy của bạn đọc dành cho tờ báo đó. Sự tin cậy đó được hình thành từ năng lực đạo đức của người cầm bút thể hiện trong từng bài viết và trong giao tiếp ứng xử của người làm báo.

Tôi muốn được nhắc tới một thành công khác của báo Lao động một thời, đó là các hoạt động xã hội như: tổ chức Cuộc thi Trí tuệ VN; tổ chức Quỹ Tấm lòng Vàng để  giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, các vùng bị thiên tai, tổ chức ngày hội việc làm...

Tôi cho rằng một số  báo có dấu hiệu  giảm sút  do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan của từng báo, có thể  nội dung chưa hài hòa được "xây" và "chống"  như tôi nêu trên. Có thể họ chưa theo kịp được chiều hướng phát triển báo chí hiện đại  trước xu thế phát triển nhanh chóng của  báo điện tử. Thực tế  trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều báo in  mạnh một thời cũng đang phải  tính tới việc phát triển sang báo mạng

Thực tế hiện nay, có tờ báo phải có sức chiến đấu mới “sống” được nhưng có tờ chỉ cần bình bình thôi cũng “sống” được, thậm chí “sống” khỏe; tương tự, nhà báo bây giờ cũng vậy, có rất nhiều nhà báo “sống” được bằng chuyên môn, bằng những bài viết có tầm nhưng cũng có những nhà báo “sống” được không cần chuyên môn tốt. Ông nhận định gì về vấn đề này? 

Về sức sống của  một tờ báo, lẽ thông thường  cần hiểu là "có thực mới vực được đạo". Vì vậy, mỗi báo có cách  tìm  nguồn tài chính  của mình. Nhưng theo tôi nếu có nguồn tài chính ổn định từ chính sức mạnh nghiệp vụ của những người cầm bút  thi tờ báo mới phát triển bền vững được. Muốn phát triển báo tốt trên nền  móng của nghiệp vụ báo chí vững vàng, chúng ta luôn cần nhà quản lý giỏi và  đội ngũ những nhà báo giỏi. 

Theo ông, báo chí Việt Nam với số lượng tờ báo và người cầm bút khá lớn đã chuyên nghiệp chưa? 

Về vấn đề này tôi cho rằng cần tìm ra định nghĩa báo chí chuyên nghiệp ở nước ta là gì. Còn báo chí nước ta chuyên nghiệp chưa? Nhà báo lão thành Hữu Thọ còn đặt câu hỏi chuyên nghiệp chưa? Rồi thì ở mức nào? Khác với thế giới ra sao? Thì tôi cho rằng chúng ta cần có thời gian để đánh giá.

NNVN là một trong những tờ báo có đội ngũ phóng viên có tuổi đời trung bình trẻ nhất hiện nay, ông có thể cho các nhà báo trẻ, trong đó có các nhà báo trẻ báo NNVN một lời khuyên chân thành không? 

Tôi chỉ xin nói ngắn gọn một câu của Nhà bão lão thành Hữu Thọ là: “Tâm sáng, bút sắc”. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

VŨ MINH VIỆT (thực hiện) 

Nhà báo Lê Thọ Bình

Nhà báo Lê Thọ Bình (Phó TBT Báo điện tử VTC News): Thể hiện trách nhiệm hơn nữa với người dân

Thông thường thì khi mới vào nghề, phóng viên nào cũng thích các bài viết của mình được ghi nhận, được đánh giá cáo, đặc biệt là có tiếng vang đối với xã hội. Những bài viết về mảng kinh tế, xã hội, nhất là các phóng sự điều tra về các vụ tham nhũng, vụ án kinh tế thường dễ gây được sự chú ý của dư luận xã hội hơn. Vì vậy các phóng viên trẻ có thiên hướng thích viết về các vấn đề kinh tế, xã hội cũng là điều dễ hiểu. Còn các báo, nhất là báo in, muốn bán được nhiều cũng phải chạy theo các câu chuyện có thiên hướng giật gân, ly kỳ, câu khách.

Nói như vậy không đồng nhất với việc cho rằng các báo, đặc biệt là các phóng viên trẻ ít quan tâm đến lĩnh vực “tam nông”. Tôi cũng từng biết có những phóng viên còn khá trẻ nhưng rất đam mê tác nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và có những loạt bài điều tra rất hay, thậm chí được giải thưởng cao của Hội Nhà báo Việt Nam về đề tài này. Tuy nhiên theo tôi, sự quan tâm của giới báo chí nói chung, các phóng viên trẻ nói riêng, đến những vấn đề của nông nghiệp là chưa đủ. Hiện nay, những vấn đề cấp bách về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn rất nhiều. Để giải quyết vấn đề này không ai khác chính là các Tổng biên tập của các báo. Vì vậy, cần lắm các nhà báo chúng ta, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan báo chí, hãy thể hiện trách nhiệm hơn nữa trước người nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt gạo nuôi sống chúng ta hàng ngày!

Trong cuộc đời hai chục năm làm báo chuyên nghiệp của mình, tôi viết không ít về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Có không ít những kỷ niệm sâu sắc về lĩnh vực này. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong dịp đi làm chuyên đề về những bài học lịch sử về phong trào “khoán hộ”, tình cờ tôi phát hiện ra ông Lê Xuân Thiết, người cùng thời với ông Kim Ngọc (nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc). Ông Kim Ngọc được coi là một trong những người có công lớn trong phong trào khoán hộ.

Ông Lê Xuân Thiết là người Huế. Tốt nghiệp Trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Kiép (Ucraina), ông Thiết được điều về làm tại Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Thời bấy giờ ở Vĩnh Phúc dấy lên phong trào “khoán hộ”. Sau nhiều tháng trời đi thực tế, ông Thiết đã cho ra đời một luận án dài 72 trang viết tay giấy khổ A4, mà nội dung được gói gọn như sau: “Cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ nông dân. Ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy. Nông dân được quyền bán cái mình làm ra ở đâu đắt nhất và mua cái mình cần ở đâu rẻ nhất. Bỏ ngăn sông cấm chợ” (Đây là những quan điểm mà sau này được coi là rất tiến bộ). “Học thuyết” này được đánh giá rất cao. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau đó “khoán hộ” bị dẹp bỏ. Vì vẫn khăng khăng bảo vệ cái học thuyết của mình, cuộc đời ông Thiết đã đi từ bi kịch này đến bi kịch khác. Khi tôi tìm được ông thì ông đang làm nghề bán vé số tại Huế, không nhà cửa, bị vợ con ruồng bỏ.

Sau khi bài viết được đăng tải nhiều doanh nghiệp tại TP. HCM đã mời ông vào làm việc. Tuy nhiên niềm vui lớn nhất đến với ông là ông đã được đoàn tụ với vợ con. Cậu con trai, trước đây thường né tránh khi được hỏi về cha, nay hết sức tự hào vì cha: “Thì ra cha mình không phải người thừa mà là một tài năng không gặp thời mà thôi”.

Khi nhắc lại chuyện này tôi không nghĩ rằng cái “học thuyết” khoán hộ (mà Lê Xuân Thiết đã phải đánh đổi bằng cả cuộc đời mình) lại có chút ảnh hưởng gì tới chính sách khoán hộ mà chúng ta thực hiện sau này, nhưng có điều tôi biết chắc chắn rằng chân lý sẽ khó bề được sáng tỏ nếu không có sự hy sinh của những con người như ông Thiết. 

 
Nhà báo Binh Nguyên
Nhà báo Binh Nguyên (báo Sài Gòn Tiếp Thị): Đừng đòi hỏi quá sớm 

Tôi đến với nghề báo từ năm 1986, năm đất nước mới bắt đầu đổi mới, mở cửa. Lớp phóng viên trẻ chúng tôi khi đó ai cũng hăm hở dấn thân vào công việc trong khó khăn chồng chất mà không gợn một chút băn khoăn. Thời đó chúng tôi đi viết, tiền nhuận bút còn chưa có hoặc có không đáng kể chứ đừng nói công tác phí như bây giờ. Chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè, người quen tại những nơi mình đến. Tôi đi mà không hề suy nghĩ tính toán, ấy là bởi tôi có sự đam mê. Tôi nhận ra rằng mình sinh ra chính là để viết phóng sự, là để cho những chuyến đi lang bạt kỳ hồ.

Tôi đã một mình tìm đến vùng đất nha phiến Tam giác vàng, lần theo con đường tìm ra Đà Lạt của Bác sĩ Yersin, ra vịnh Bái Tử Long đối mặt với bọn thổ phỉ than, lặn câu cá mập ở đảo Phú Qúy, lang thang trên những rẻo đường biên giới Đông Dương, đi Trung Quốc, Thái Lan, Nam Phi, Trân Châu Cảng. Khám phá đỉnh Phanxipăng, Liang Bian, Bạch Mã, Thất Sơn, Hymalaya… Vô vàn những kiến thức, những điều hay, mới lạ tôi đã thu được trong những chuyến đi như thế.

Muốn có những phóng sự hay thì phải đi, đi và đi. Phóng sự không thể dạy ở giảng đường đại học mà phải bản thân mỗi người tự học ở trường đời, ở những chuyến đi trải nghiệm thực tế để quan sát, để cảm nhận. Chất phóng sự nằm ở những góc khuất của sự kiện. Khi quan sát, mỗi người sẽ có cảm nhận về sự kiện đó theo cách nhìn riêng, kiến thức riêng của mình. Chính vì vậy cùng một sự kiện nhưng tôi viết theo cách của tôi, người khác lại viết theo cách riêng hoàn toàn khác, có thể hay hơn hoặc không bằng. Bước đường vào nghề viết phóng sự của mỗi người mỗi khác, không có trong giáo trình, trong sách vở, không hề có một cẩm nang nào về phóng sự. Cho nên hãy đi và cảm nhận để có những phóng sự thật sự.

Nghề báo là một nghề vô cùng khắc nghiệt. Đến với nghề báo là phải xác định sẽ làm việc liên tục bảy ngày trong tuần, xa nhà thường xuyên. Có thể phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm đến tính mạng. Chuyến đi dài một tháng khám phá sông Đà của chúng tôi vừa rồi là một ví dụ, chúng tôi đã vượt gần 400 km đường sông bằng 8 loại phương tiện đường thủy, từ tàu, ghe, xuồng, đến bè… bắt đầu từ ngã ba Hồng Đà ở Phú Thọ lên đến biên giới Việt – Trung. Phải vượt qua hàng chục thác cao, nước chảy xiết, bụi nước tung trắng xóa mới cảm thấy mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ. Chuyến đi ấy chúng tôi cũng không ít lần đối mặt giữa sự sống và cái chết, không ít lần tôi phải run sợ trước tiếng gào thét của thác nước. Nhưng rồi mọi chuyện đã qua, tôi một lần nữa bằng lòng với chính bản thân mình.

Bây giờ nhìn lại thấy lớp phóng viên trẻ sao “hư” quá. Kinh tế thị trường đã biến họ thành những người thích hưởng thụ, đòi hỏi quá sớm. Họ không chịu bỏ thời gian, công sức đầu tư vốn sống từ cuộc sống thực tế. Không có nhiều những tay viết phóng sự chấp nhận dấn thân cho những tác phẩm báo chí thật sự. Rất nhiều phóng viên dù có thâm niên nhưng đạo đức nghề thì lại không có. Họ coi báo chí là phương tiện để kiếm tiền, để làm giàu. Động cơ đến với nghề báo của họ bây giờ khác xa chúng tôi ngày xưa. 

Sinh viên Đặng Tài
Sinh viên Đặng Tài (Khoa Báo chí, Đại học Huế): Đôi lúc thấy hoang mang

Có một thực tế là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí nhưng ra trường lại không theo nghề. Ngay cả trong lớp học của tôi cũng thế, số sinh viên quyết tâm theo nghề không nhiều. Chỉ riêng trong trường, hằng năm có cả trăm sinh viên báo chí tốt nghiệp nhưng số có được việc làm ở một cơ quan báo chí chính thống vẫn còn quá ít ỏi. Mỗi người có lý do riêng nhưng phần lớn là vì họ thấy con đường mình chọn quá gian nan. Nghề báo xưa nay vẫn được nhìn nhận là nghề nguy hiểm.

Mà sự thật, trước ngưỡng cửa vào nghề tôi thấy nhiều chuyện hoang mang. Hôm nay nhà báo bị đánh nơi này, mai lại nghe bị hành hung nơi khác. Còn chuyện bị đe dọa thì không đếm xuể. Thậm chí nhiều nhà báo còn vướng vào vòng lao lý. Nhưng với riêng bản thân tôi cũng đã hình dung được những khó khăn đó khi chọn nghề báo để theo. Ước mơ là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Để trở thành một nhà báo chân chính, trụ lại với nghề không phải là điều dễ dàng nhưng tôi tin vào bản thân mình. Tôi hiểu sự cạnh tranh khốc liệt trong nghề báo, nhưng chính yếu tố đó làm cho tôi cảm thấy thú vị và cố gắng thể hiện mình.

Với nghề, dù chưa thực sự bước vào nhưng tôi có niềm tin vào chân lý mà báo chí mang lại cũng như tin vào đam mê và nhiệt huyết của mình. Quê tôi ở một vùng đất nghèo ở một tỉnh miền Trung, bây giờ bảo cầm tấm bằng đại học về quê xin việc gần như là điều không thể. Cơ chế chạy chọt này nọ, mà nhà tôi làm nông thì đào đâu ra tiền. Tôi chọn nghề báo một phần cũng vì suy nghĩ, môi trường ấy nếu mình phấn đấu sẽ được bù đắp xứng đáng. Mình có điều kiện để thể hiện hết năng lực bản thân. Nói thế không phải vì không có nghề gì mới đi làm báo. Tôi theo nghề báo 90% là vì đam mê với nghiệp cầm bút.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất