| Hotline: 0983.970.780

Thời chúng tôi làm nông nghiệp

Thứ Sáu 12/11/2010 , 10:09 (GMT+7)

Những kỉ niệm, dấu ấn trong suốt chặng đường gắn bó, chỉ đạo ngành nông nghiệp với ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT, nguyên Bộ trưởng Bộ NN- CNTP trong câu chuyện ông kể với chúng tôi vẫn còn tươi mới.

Thời kỳ chống Pháp, nông thôn thường xuyên bị địch càn quét, giết trâu bò, bắn giết người cấy hái nên nông nghiệp khốn đốn, ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Đến sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nông nghiệp cũng vẫn rất khó khăn. Chúng ta chưa có điện, hệ thống thủy lợi không có mấy, bơm nước, máy kéo cũng không mà toàn sức người, gàu giai ra đồng.

Năm 1963, tôi làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình, canh tác nông nghiệp vẫn còn thiếu thốn đến mức phân bón không có, nông dân phải bắt cua đồng nhét vào gốc lúa làm phân. Một thời gian sau, đã có ít phân đạm lại bị đồn thổi là rắc phân đạm dễ bị…cùi hủi khiến ai cũng sợ. Khi người ta đã hết sợ phân đạm, đã dám bón phân rồi cũng chỉ có một lượng cung ứng cực ít. Nông dân phải dùng vồ đập đất ải cho thật nhỏ, thật nhuyễn như cám đem đất ấy ngào với nước, trộn thêm một ít phân đạm rồi quẩy thúng “phân” đó ra đồng. Mỗi gốc rạ được dúi một ít phân như người ta rắc mì chính vào món ăn vậy.

Chiến tranh chống Mỹ, khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” ở Thái Bình đã có cuộc cách mạng 5 tấn thóc trên một héc ta. Sở dĩ có cái đó vì chúng tôi đã cho rà soát các HTX trong toàn tỉnh xem chỗ nào được 5 tấn chưa và được biết chỉ có HTX Tân Phong của Chủ nhiệm Quế (sau này được phong Anh hùng) là đạt được. Vì sao lại đạt được?

 Chúng tôi nghiền ngẫm những nguyên nhân của nó để đúc kết, lấy đó ra làm gương cho các nơi khác học tập. Một cuộc cách mạng 5 tấn nổ ra. Cách mạng trên tất cả các phương diện. Trước đó chúng ta dùng toàn giống địa phương, nhưng Thái Bình đã dám nhập giống Mộc Tuyền của TQ về áp dụng. Còn nhớ, hồi đó nông dân khi cấy quen dúi sâu, khi thấy cây mạ bị ống đã kêu ầm lên rằng…giống dởm khiến chúng tôi phải động viên tinh thần mãi.

Sau này Thái Bình khi áp dụng giống Nông nghiệp tám-một giống mới cũng bị dân phản đối dữ dội vì cây lúa mọc lên như cái mác chọc lên trời chứ không xòa thân ra kín ruộng như giống địa phương. Nông dân lo ngay ngáy sợ mất mùa, sợ hỏng ăn. Chuyện xôn xao toàn tỉnh khiến Tỉnh ủy cũng phải đi xuống thực tế xem "lúa má ông Trìu" thế nào. Chuyện còn bay về tận Trung ương khiến ông Đỗ Mười lúc làm Phó Chủ tịch HĐBT nửa đêm còn gọi điện cho tôi bảo: “Này, cậu xem chuyện đưa cái giống lúa mới về thế nào chứ để mất mùa, dân đói ai cứu được”. Tôi mới đùa lại ông rằng: “Người leo cây không lo còn người dưới đất lại lo. Các anh cứ yên tâm” rồi mới giải thích cho ông yên tâm.

Khâu thủy lợi, chúng tôi tổ chức thành những đội thủy lợi cơm nắm từ nhà mà hàng vạn người miệt mài nạo vét kênh cấp một, cấp hai, cấp ba, đại thủy nông, trung thủy nông, tiểu thủy nông, năm nào cũng mấy chục ngày lao động. Công tác trừ sâu hồi đó đã có những chiến dịch rầm rộ như vợt sâu gai, sâu đục thân, bẫy đèn, chống vàng lụi. Để khắc phục sự khan hiếm của phân hóa học, có phong trào nhà nhà, người người làm bèo hoa dâu, trồng điền thanh làm phân xanh, phân bắc.

Đồng đất Thái Bình vốn chua, phải cải tạo bằng vôi nên sinh ra phong trào nung vôi. Ở Quỳnh Phụ có Phủ Dực tương truyền xưa Trần Hưng Đạo hành quân qua, voi của ông bị sa lầy chết, dân mới tạc con voi đá để thờ, hồi đó có người cũng nhăm nhăm đòi…nung vôi. Chùa Keo có thành giếng bằng đá rất độc đáo cũng rơi vào tầm ngắm nung vôi. Rồi hàng loạt kè đá ở đê cũng bị toan tính đưa vào lò nốt.

 Biết tin, tôi ra sức ngăn cản mới xong. Để lo có vôi, đích thân tôi phải sang Hải Phòng xin một quả núi đá để nung vôi rồi xuống Ninh Bình cũng với mục đích như vậy. Chúng tôi còn cho đóng một loạt xà lan để chở đá các nơi về, nung rồi rải trắng cánh đồng chống chua. Nhờ những cố gắng đó, Thái Bình được mùa to, năng suất 5 tấn rồi 6 tấn không phải chỉ một hai HTX mà trên toàn tỉnh, ở diện tích hàng vạn héc ta.

Hồi ấy, Thái Bình có rất nhiều khẩu hiệu như “Đẩy sóng ra xa, kéo chân trời lại gần”, cứ ba năm lại quai đê, lấn biển. Trước tiên là trồng sú vẹt, sau trồng cói cải tạo đất rồi dần dần mới trồng lúa. Khẩu hiệu “Chín tháng cho người, ba tháng cho chăn nuôi” là chín tháng trồng lúa ngắn ngày còn lại 3 tháng làm vụ đông ngô, khoai, rau màu phục vụ chăn nuôi. Dân số đông nên Thái Bình còn sinh ra khẩu hiệu “Đất nước ta giàu đẹp, đâu cũng là quê hương” để động viên người đi kinh tế mới.

Nông dân lao động cật lực mà tối thiểu mười ba, tối đa mười bảy cân thóc tiêu chuẩn trong một tháng. Lý luận của chúng ta là chi phí, tích lũy rồi mới chia cho người lao động trong khi đáng lẽ phải là chi phí, công rồi còn đâu mới tích lũy. Do đó có chuyện nghịch lý là mất mùa, nông dân đói nhưng HTX vẫn có tích lũy thành ra dần dần dân chán, ra đồng bón phân thì chỉ rải ở góc ruộng cho nhàn, đi cào lúa có khi chẳng có cào mà chỉ mỗi cái cán, cứ đánh kẻng đi rồi lại đánh kẻng về như bây giờ trên ti vi họ dựng thành phim “Bí thư Tỉnh ủy” ấy.

 Lúc tôi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, khi có chuyện một số địa phương “khoán chui”, ý của tôi muốn giao khoán cho người lao động thậm chí giao năm khâu ba khâu sau phải nhượng bộ, đi vòng nói khoán cho nhóm lao động, tám khâu (cày, bừa, nước, phân…) chỉ khoán ba khâu còn năm khâu HTX vẫn làm. Nhưng hồi đó trình bày trước lãnh đạo Ban Nông nghiệp của Bộ phê phán chuyện khoán kinh lắm, tôi làm 5 trang bác lại hết nên Ban Bí thư ra chỉ thị số 20 cho làm thí điểm khoán.

Khi làm thí điểm, tôi xuống Hải Phòng - nơi xảy ra vụ bắt chủ nhiệm HTX và ngẫm nghĩ xem nguyên nhân tại sao rồi viết bài kêu gọi lợi ích người lao động phải được đưa lên đầu tiên, sau đó lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước. Quan điểm của tôi đưa ra như vậy là trái với nghị quyết của Đảng về phân phối (trước tiên lợi ích của nhà nước, sau lợi ích tập thể cuối cùng mới đến lợi ích người lao động) khiến tất cả xôn xao lên.

Tôi thấy cần phải tổng kết lại khoán hộ nên mở cuộc họp ở Hải Phòng. Ngày giờ đã định sẵn rồi nhưng trên gọi tôi đến bảo có hoãn được không. “Không hoãn được, đã triệu tập rồi, đây là chỉ thị của Ban Bí thư tôi cần tổng kết lại”- tôi khẳng định. Hội nghị còn mời nhiều lãnh đạo cấp cao đến nhưng không ai xuống cuối cùng đành mời anh Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách mảng dân vận đến ông ấy bảo: “Cậu xỏ lá tớ, cậu biết tớ không tán thành còn mời”.

Hội nghị Hải Phòng diễn ra khá căng thẳng, đúng lúc đó, trên gửi dự thảo của Chỉ thị 100 xuống hỏi ý kiến của tôi. May quá, tôi mới giơ dự thảo đó ra trước toàn thể đại biểu động viên anh em rằng trên sắp ra chỉ thị cho khoán. Nghe thấy vậy cả hội nghị vỗ tay rầm trời. Chỉ thị 100 đã đẩy phong trào nông nghiệp lên ầm ầm, người lao động hết sức phấn khởi nhưng cũng chỉ một thời gian sau nó đã bộc lộ hạn chế và được thay thế bằng Chỉ thị 10 hay khoán mười, giao ruộng đất cho từng hộ gia đình. Một cơ hội mới cho nền nông nghiệp nước nhà, cơ hội đổi đời của triệu triệu nông dân được bắt đầu từ đó.

* Tác giả là nguyên Phó Chủ tịch HĐBT, nguyên Bộ trưởng Bộ NN - CNTP

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất