| Hotline: 0983.970.780

Thời của thánh thần

Thứ Tư 17/03/2021 , 10:30 (GMT+7)

Việc xây đền chùa của các doanh nghiệp không ngoài việc kinh doanh. Kinh doanh thần phật là siêu lợi nhuận, mỗi mùa lễ hội nhiều ngôi chùa thu vài tấn tiền...

Được tin nghệ sĩ Phạm Trần Loắng vừa có chuyến ngao du đến các chùa Ba Vàng, chùa Tam Chúc, Bái Đính… cầu an, cầu phúc trở về làng, phóng viên lá cải vội đến tìm hiểu vì sao trong ngày đầu tiên mở cửa chùa Tam Chúc đã đông nghịt mấy ngàn người, chen lấn, xô đẩy nhau đến nghẹt thở, có người bị xô ngã giẫm đạp suýt chết, mất hết cả đồ cúng tế, tiền bạc, điện thoại… An lành, may mắn chẳng thấy đâu đã bươu đầu sứt trán.

Phóng viên lá cải: Xin ông cho biết vì sao chùa Tam Chúc lại đông du khách đến trong ngày đầu năm mở cửa, phải chăng họ đến để cầu an, cầu phúc hay cầu tài và giàu sang?

Phạm Trần Loắng: Du khách đến chùa Tam Chúc đầu năm nay đông đột biến chưa từng thấy. Phải chăng ngôi chùa này linh thiêng hay sự kỳ diệu nào đó mà người ta không thể giải thích nổi, điều đó tùy thuộc vào mỗi người. Một câu hỏi đặt ra ngôi chùa này có phải là ngôi chùa có lịch sử văn hóa gắn với văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân? Theo một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì chùa Tam Chúc được một doanh xây dựng cả chục ngàn tỷ đồng, bởi vị trí chỗ đó đẹp…

Phóng viên lá cải: Xin được cắt lời ông, chùa do các doanh nghiệp xây dựng và chùa do người dân xây dựng thì khác nhau ở chỗ nào?

Phạm Trần Loắng: Chùa do doanh nghiệp xây dựng thì to lớn và hoành tráng, kiến trúc hổ lốn khác xa với kiến trúc truyền thống của người Việt Nam. Vào những ngôi chùa đó không có chút yếu tố tâm linh, tất cả đều lòe loẹt tràn ngập vật chất từ các pho tượng phật đến các mâm lễ của du khách. Phật vốn chay tịnh, phật pháp dạy con người chớ sân si, đằng này các mâm lễ nào gà luộc, lợn quay cả con cùng với tiền vàng và đô la, tiền thật rải khắp nơi trong các hòm gọi là giọt dầu, công đức… Như vậy đến chùa không phải để cầu an, cầu phúc mà để cầu thực, cầu danh, cầu tài.

Phóng viên lá cải: Trong cuộc phỏng vấn trước, ông đã nói về việc bảo vệ văn hóa truyền thống khi ra tranh cử đại biểu Quốc hội, ông nghĩ gì về những ngôi chùa như thế?

Phạm Trần Loắng: (Ngán ngẩm) Đó là nỗi lo không của riêng tôi trước sự suy thoái văn hóa. Một thứ văn hóa trọng thực đang lên ngôi và phát triển tràn lan thì đó là hiểm họa cho dân tộc. Văn hóa gì mà trà đạp lên nhau, lấy đồng tiền để làm thước đo cho sự thành kính?

Câu chuyện của làng tôi hẳn anh chưa biết, khi đúc chuông chùa các cụ trong làng mở cuộc quyên góp, ai có nhiều thì góp nhiều, ai có ít thì góp ít. Một người hành khất đi qua đã góp vào một trinh, thấy một trinh bé quá chẳng đáng gì người giữ sổ vứt đồng trinh xuống ao chùa. Chuông chùa đúc mãi không thành. Phật mới hiện lên bảo: Chuông không đúc được do thiếu đồng trinh của người hành khất. Người làng tôi phải tát cạn ao tìm cho được đồng trinh thì việc đúc chuông mới thành. Như vậy, có thể hiểu chuông chùa được đúc lên do lòng thành của tất cả mọi người…

Phóng viên lá cải: Vậy thưa ông, những ngôi chùa do doanh nghiệp xây dựng có đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân hay vì lý do nào khác?

Phạm Trần Loắng: Doanh nghiệp không phải là tổ chức từ thiện. Việc xây đền chùa của các doanh nghiệp không ngoài việc kinh doanh. Kinh doanh thần phật là siêu lợi nhuận, mỗi mùa lễ hội nhiều ngôi chùa thu vài tấn tiền, thử hỏi họ bán gì mà thu nhiều tiền như thế?

Phóng viên lá cải: Xin ông cho ví dụ?

Phạm Trần Loắng: Thì chúng ta đang nói về ngôi chùa Tam Chúc ngoài ra còn nhiều ngôi chùa khác có bàn tay của doanh nghiệp và các vị tai to mặt lớn. Nếu anh lên Sa Pa thì thấy một số ngôi chùa xây dựng trên dãy núi Hoàng Liên đủ hiểu.

Phóng viên lá cải: Vì sao chùa chiền ngày nay nở rộ như vậy, thưa ông?

Phạm Trần Loắng: Đó là thời của thánh thần...

Lời bàn: Khi niềm tin bị mất thì người ta tin vào thánh thần.

Xem thêm
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho người mẫu tạo bằng trí tuệ nhân tạo

Cuộc thi Nhà sáng tạo AI Thế giới của Fanvue nơi các 'thí sinh' được tạo bằng máy tính sẽ tranh tài dựa trên vẻ đẹp và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Hơn 1.400 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV

13 đoàn với 1.468 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.