| Hotline: 0983.970.780

Thời sự ở ĐBSCL: Lái lúa vỡ nợ

Thứ Năm 08/04/2010 , 10:01 (GMT+7)

Hàng chục lái lúa tại Long An, Tiền Giang bỗng rơi vào cảnh tán gia bại sản với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng. Vụ vỡ nợ lớn này đã làm rúng động làng kinh doanh nông sản phía Nam.

Hàng chục lái lúa tại Long An, Tiền Giang bỗng rơi vào cảnh tán gia bại sản với số tiền lên tới cả chục tỷ đồng. Vụ vỡ nợ lớn này đã làm rúng động làng kinh doanh nông sản phía Nam.

LẤY LÒNG TIN BẰNG “CHIÊU” TĂNG GIÁ

Công an TP Tân An và huyện Tân Trụ (Long An) liên tiếp mấy ngày qua đã nhận được đơn của hàng chục “lái lúa” (ngụ Long An và Tiền Giang) tố cáo một “lái gạo” đã lừa chiếm đoạt gần 13 tỉ đồng của họ. Trùm thu mua gạo có dấu hiệu lừa đảo là bà Trần Thị Thu Hà (ngụ tỉnh Tiền Giang). Thông qua đầu mối chính là ông Lượng Ngọc Minh, một thương lái ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, bà Hà đã tổ chức thu gom hàng loạt gạo của các “lái lúa”.

Ban đầu, bà Hà thu mua và chi trả sòng phẳng với giá cao hơn những thương lái khác từ 200-300 đồng/kg, đồng thời tạo thuận lợi cho người bán bằng cách giao tài xế trực tiếp đem xe đến NM nhận hàng mà không cần có mặt. Việc làm này đã nhanh chóng lấy được niềm tin của người bán và kế hoạch lừa đảo cũng được chuẩn bị chu đáo. Đầu tháng 3/2010, sau khi gom một lượng gạo khổng lồ từ các NM xay xát, bà Hà bỗng dưng biến mất với số tiền…ký nợ lên tới gần 13 tỷ đồng của các “lái lúa” tại cả chục xã trải dài khắp hai tỉnh Long An và Tiền Giang. 

Gương mặt thất thần của các “lái lúa” khi bỗng dưng rơi cảnh… vỡ nợ!

Trao đổi với NNVN trong nước mắt, chị Đặng Thị Nâu (ấp Bình An, xã Bình Lãng, Tân Trụ, Long An) cho biết, do tin tưởng bà Hà là “đại gia” làm ăn sòng phẳng, nên ngày 1/3/2010 chị dành toàn bộ vốn liếng gần 100 triệu đồng của gia đình cộng trên 120 triệu đồng vay nợ ngân hàng, người quen để thu mua lúa xay xát và giao 520 bao gạo (50 kg/bao) trị giá 220 triệu đồng cho bà Hà, đến giờ chưa nhận được đồng nào và cũng chẳng biết tìm người mua ở đâu. Tương tự, chị Lê Thị Thu Hà (ngụ ấp Bình An) trong hai ngày 1/3 và 2/3/2010 đã giao cho bà Hà 224 bao gạo Tài nguyên trị giá 112 triệu đồng, giờ cũng chỉ biết ngồi khóc đỏ mắt.

Bi kịch hơn là trường hợp của chị Đặng Thị Mến (ấp Thanh Phong) bị lừa mất hơn 800 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này chị Mến vay nợ ngân hàng và nhiều cá nhân, sau khi mất trắng bị chủ nợ đòi gắt quá đâm ra hoảng loạn, liên tục khóc ngất nhiều ngày. Gia đình chị Mến đã phải họp bàn bán toàn bộ mảnh đất của bố mẹ giúp chị chi trả một phần số nợ từ “trên trời rơi xuống”.

CHẾT VÌ MUA BÁN KHÔNG HỢP ĐỒNG

Để gom được số tiền lớn trên một cách dễ dàng, đối tượng Trần Thị Thu Hà đã lợi dụng thành công sơ hở trong giao dịch kinh doanh mua bán kiểu “truyền thống” của các lái lúa để lừa đảo. Cụ thể, các lái lúa sau khi thu mua lúa của nông dân liền đem đến các NM như Công Tâm, Công Bình (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ), Huỳnh Đức (thị trấn Tân Trụ), Phước Lợi, Tấn Hưng (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ)… để xay xát. Sau đó thông qua đầu mối là ông Lượng Ngọc Minh cùng giao dịch điện thoại với bà Hà để bán gạo. 

Riêng tại nhà máy Phước Lợi (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) đã có hơn chục “lái lúa” bị lừa mất 9,6 tỷ đồng

Sau khi bị CA huyện Tân Trụ “từ chối” giải quyết, các lái lúa đã kéo nhau đã kéo đến kho chứa lúa của bà Hà ở cầu Long Định, TP Mỹ Tho, Tiền Giang trình báo với CA tỉnh này. Tuy nhiên, CA Tiền Giang cũng chưa có động thái hỗ trợ cho các vì cho rằng vụ việc xảy ra ở tỉnh…Long An!

Điều đáng nói, trong suốt quá trình từ khi giao dịch đến khi xe tải đến lấy hàng, không có bất kỳ hợp đồng nào được ký kết (tất cả chỉ là lòng tin). Các lái lúa cho biết, cách giao dịch này đã tồn tại ở ĐBSCL hàng chục năm nay, ai cũng làm thế và đã trở thành thói quen không ai nghi ngờ gì. Chỉ duy nhất khi xe tải đến chở gạo đi, “lái lúa” có làm biên nhận theo kiểu giấy tay và tài xế ký nhận rồi cứ thế “dông” thẳng.

Bà Chín Lợi - chủ NM xay xát Phước Lợi, nơi có số người bị lừa nhiều nhất cho biết, chỉ trong một tuần đầu tháng 3 đã có trên chục “lái lúa” xay xát tại Phước Lợi bị lừa số tiền lên đến 9,6 tỷ đồng. Người nhẹ nhất cũng trên 100 triệu đồng, còn nặng nhất là trường hợp của ông Nguyễn Văn Ai (ngụ xã Nhơn Thành Trung, TP.Tân An, Long An) bị lừa mất trên 1,7 tỷ đồng. “Suốt 22 năm Phước Lợi hoạt động, chúng tôi vẫn mua bán theo kiểu tín chấp không hợp đồng, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện lừa đảo lớn như thế này” – bà Chín nói. Hiện các NM xay xát hoạt động chủ yếu dựa vào các lái lúa, giờ nhiều lái lúa tán gia bại sản vì bị lừa đảo khiến NM xay xát và nông dân bán lúa trong vùng lao đao. 

CHÂN DUNG TRÙM LỪA ĐẢO

Theo tìm hiểu của NNVN, đối tượng lừa đảo có tên giao dịch là Phạm Thị Hoàng (tên thật là Trần Thị Thu Hà, SN1967, ngụ phường 2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Đặc biệt, đối tượng này đã từng bị CA Tiền Giang khởi tố về tội lừa đảo và đã chấp hành xong hình phạt.

Trước khi xảy ra vụ lừa đảo ngoạn mục này, bà Hà thường xuất hiện tại các NM xay xát với xe hơi đời mới, tự xưng là doanh nhân có vốn làm ăn lớn chuyên thu mua gạo XK. Bà này cũng thường xuyên có mặt tại chùa Long Hoà (xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) để cúng tế và đóng góp tiền công đức. Sau khi tạo được hình ảnh hào nhoáng, bà Hà đã làm quen với ông Lượng Ngọc Minh (tức Hai Bậm) để làm đầu mối thu gom gạo với giá cao hơn hẳn giá thị trường. Ông Minh vốn chỉ là “lái lúa”, nhưng khi được bà Hà hứa hẹn cho nhiều quyền lợi đã đứng ra tổ chức “phi vụ” làm ăn lớn này.

Bản thân ông Minh cũng bỏ ra số tiền tới 3 tỷ đồng để giao hàng nghìn bao gạo cho bà Hà, đồng thời giới thiệu hàng chục lái lúa khác sập bẫy theo. Theo ông Trần Anh Thuận – Phó Trưởng CA xã Bình Lãng, ông Minh quê gốc vốn ở đây và đã hoạt động “lái lúa” hàng chục năm. Nhưng khi vụ lừa đảo xảy ra, công an tìm hiểu mới biết ông Minh đã chuyển hộ khẩu về huyện Vĩnh Hưng (Long An) và hiện giờ không ai biết ông này đang ở đâu.

Trong khi đó, công an huyện Tân Trụ cho biết, cũng đã nhận được đơn trình báo bị lừa đảo của gần chục người. Tuy nhiên, do hồ sơ mua bán không có, không rõ ràng nên công an huyện đã hướng dẫn các đương sự liên hệ TAND huyện để giải quyết về mặt dân sự. Trong trường hợp toà giải quyết nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo sẽ chuyển hồ sơ, đến lúc đó công an huyện sẽ thụ lý theo đúng quy định pháp luật.

Thiên Lý 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.