| Hotline: 0983.970.780

Thời thiếu nữ và sông Trèm Trẹm

Thứ Sáu 02/05/2014 , 07:35 (GMT+7)

Sông Trẹm thuộc loại sông để nhớ, ở màu nước không đâu như thế. Đó là màu lục thủy sậm, gần với màu xanh ve chai.

Từ căn cứ của Tỉnh ủy Cần Thơ náu ở Phụng Hiệp, mất gần một tuần lễ đường giao liên, tôi mới đặt chân tới U Minh Thượng. Nếu được như chim thì chúng tôi chỉ mất khoảng vài giờ vừa bay vừa ngao du. Nhưng đây là con người, lại là người kháng chiến, chỉ có sức trẻ, đôi chân trần với ba lô trên lưng.

Ban ngày tránh máy bay, tránh đồn bốt, tránh đối phương đổ quân chặn đường, chúng tôi đi bộ, xuyên đêm, âm thầm, hộc tốc. Cơ man kênh rạch và những cánh đồng bỏ hoang dày bịt cỏ, không biết bao nhiêu cầu khỉ có lúc phải bò như sên.

Những cái tên Trèm Trẹm, Tân Bằng, Cán Gáo, Cái Tàu…vang vọng từ khi tôi còn chưa lên cứ, thời má tôi, cô tôi, chị tôi từng đến đây vào mùa chụp đìa để mua cá làm mắm. Ấy là những năm chưa có Đồng Khởi và chiến tranh chưa leo thang. Thời điểm tôi đang nhắc đây là sau năm Mậu Thân 1968, cả hai bên như được lên dây cót nhưng người kháng chiến đang tổn thất nặng nề. Tôi, một con cá nhỏ vô danh được cử về nguồn ở Khu 9 để học làm báo, chuẩn bị cho những ngày khốc liệt tiếp theo.

Dân Nam bộ không ai không nghe nói đến U Minh. Nhà văn Sơn Nam chia miền Tây thành bốn miệt: miệt vườn, miệt ruộng, miệt rẫy và miệt Thứ. Miệt vườn gợi những liếp vườn phồn vinh thuộc sông Tiền; miệt rẫy chỉ những rẫy khóm mạn Cầu Đúc (Kiên Giang) nức tiếng; miệt ruộng kéo dài ở Sóc Trăng - Bạc Liêu, nơi từng manh nha giai cấp quý tộc nông thôn mà điển hình là gia đình Hắc công tử.

Miệt Thứ định hình ở U Minh Thượng nhờ con kênh xáng lớn do người Pháp mở, nối sông Cái với sông Trèm Trẹm. Thế là vùng rừng úng thủy nguyên sinh có lúa, có khóm, có ong mật và có cả cá đìa. Những con kênh sườn mở ra, thứ tự của kênh thành địa danh đặc sắc: Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Mười Một…

Chúng tôi đi luồn từ mạn trong để né đối phương nên đặt chân đến Trèm Trẹm trước rồi khi có dịp mới biết đến các kênh Thứ như đã kể. Đã từng có tiểu thuyết “Bên dòng sông Trẹm”, kỳ thực sách không hay lắm nhưng cái tên sông Trẹm thì thật khó quên.

Cô gái lúc ấy trăng tròn lãng mạn, vừa được xa đồng trũng Phụng Hiệp nhỏ như ao hồ nên sông Trẹm và những dòng kênh bàn cờ trong rừng có sức hấp dẫn ghê gớm. Cá nhỏ phập phồng, không khỏi ngờ nghệch môi trường nước phèn lờ lợ và bầu trời thấp thoáng trên tán tràm mà cái tên U Minh đã triệt để chuẩn xác.

Xuồng, phương tiện di chuyển duy nhất và cũng là độc nhất. Xuồng ba lá (ba tấm ván) chứ không phải năm lá như mạn sông Tiền sông Hậu. Dầm chèo đều vuốt bằng cây đước từ U Minh Hạ gửi lên, suôn thẳng và nức tiếng bền. Rất nhiều phụ nữ không biết bơi như tôi nhưng kháng chiến cuốn họ đi, như xoáy nước như cơn lũ.

Sông Trẹm thuộc loại sông để nhớ, ở màu nước không đâu như thế. Đó là màu lục thủy sậm, gần với màu xanh ve chai. Vì sao? Vì nước từ hệ thống kênh bàn cờ của rừng tràm U Minh Thượng chảy ra, quanh năm, không thay đổi. Tràm mọc thành rừng, vô địch, cộng sinh với dây leo, mây, dớn, choại…Xác tràm, lá tràm, rễ tràm trầm tích làm nên một thứ chất đốt như than bùn.

Đàn bà U Minh Thượng sướng đến nỗi củi tràm sẵn cũng không màng, cưa cắt xếp đặt chi cho mệt. Lướt xuồng vào rừng, xắn những tảng than bùn về xếp bên chái nhà, khi nấu nướng mới cắt vụn ra cho vào bếp.

Cá trong kênh không nhiều, do nước không ngọt hẳn nhưng hệ thống đìa do dân tự đào khi được khoán quản lý rừng thì chằng chịt. Đìa để trữ nước mưa, để cá đổ xuống làm tổ sinh sôi. Mỗi năm sau Tết là mùa “chụp đìa” (dùng lưới ven quanh thành đìa và đánh động cho cá vào đủ rồi cuốn lưới). Những thứ cá mà ngày nay thảy đều nổi tiếng từ U Minh Thượng mà ra: cá lóc, cá sặc rằn (làm khô), cá thác lác (làm chả), cá rô, cá trê, lươn, chạch…

Chúng tôi con dân Cần Thơ gạo trắng nước trong, thời kỳ trăng mật với vẻ mới lạ của sông Trẹm thật ngắn ngủi. Thèm vô cùng được ngụp trong dòng sông phù sa sinh ra cây lành trái ngọt. Thèm những cơn gió đi qua cánh đồng mang theo mùi rau đồng, hoa dại và rơm rạ mới. Dân U Minh Thượng độn cơm bằng cá, ăn rau choại thay rau muống và ăn chuối thay các thứ hoa quả khác.

Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Chúng tôi hạ tràm để làm cầu cạn đi từ sàn nhà này sang sàn nhà khác. Chúng tôi đan liếp sậy trải trên sàn nhà bằng cây tràm cho đỡ đau lưng. Chúng tôi tự đi đốn lá dừa nước dọc sông Trẹm về lợp mái. Và chúng tôi căng những tấm ni-lon dưới những trảng cỏ tranh để hứng nước mưa.

Mùa khô dân cứ phải rút vào túi rừng, ở đó có hệ thống đìa bào để nấu ăn và tắm giặt. Tôi đã không ít lần không nhớ được đường về, vì các đường mòn của dân cứ rất giống nhau.

Tránh bom đạn đã có công sự đắp nổi lên trên mặt đất ẩm dày lá mục. Cây không thiếu để kiên cố hệ thống công sự ấy. Lũ dây leo cũng a tòng trong việc che chở chúng tôi. Ong mật dày đặc sống bằng bông tràm là nguồn sinh lực vô tận cho những người thiếu chất ngọt.

Cá tôm dù không được ăn kèm với rau nhưng đó sự hào phóng của U Minh mà không có nó, chắc chắn công cuộc kháng chiến sẽ khó khăn nhiều. Nhưng người đi cứ khi đó chỉ sợ nhất bị cháy rừng. Một đốm lửa bất kỳ, và đối phương cũng không dại gì không đốt rừng bằng bom phốt-pho. Nếu lửa phát ra ở gần cứ thì chúng tôi cũng phải tức tốc chạy cùng với lũ khỉ, lũ sóc, lũ rùa, lũ rắn. Không gì uy hiếp mạnh bằng giặc lửa. 

Cuộc sống của dân kháng chiến Khu 9 như quả tim đối với cơ thể là các tỉnh. Quả tim ấy sống được là nhờ rừng U Minh. Như đã nói, đối phương đã lại sức rất nhanh sau Mậu Thân. Chiến dịch bình định được tăng cường, chưa bao giờ người Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa được một thế trận đồn bót như vậy.

Tôi trở về Cần Thơ trong những ngày xôi đậu ấy. Sau đó là chiến dịch nhổ cỏ U Minh, những người bám vào U Minh Thượng phải chia nhỏ ra, phần lớn giạt xuống U Minh Hạ, lấy cây mắm, cây sú cây vẹt và cây đước chống lưng, che sườn. Cuộc kháng chiến ở thế ngàn cân treo sợi tóc.*

Hơn hai chục năm sau tôi mới có dịp trở lại U Minh. Trở lại U Minh, nỗi niềm nghe đã lay động khi mới nghĩ đến bốn từ ấy. U Minh đặc biệt, U Minh đặc sắc và U Minh thiêng liêng khi đã có biết bao người là thầy, là bạn của tôi đã tưới máu của mình vào cây tràm, cây choại, cây dớn trong những năm giặc bình định U Minh.

Càng xa với cái mốc 1975, âm thanh hào hùng càng vắng đi và nỗi ngậm ngùi trào dâng, lấn át. Cũng phải thôi, niềm vui bao giờ cũng ngắn, chỉ có nỗi đau thì âm ỉ, mãi sống và mãi lên tiếng, thế thôi.

Sông Trẹm vẫn màu lục thủy nhưng nhà nhà mái tôn thay cho mái lá, bừng sáng hai bờ. Nhiều đại gia phất lên nhờ những vuông tôm. Sông như rộng ra vì tàu máy, nhất là tàu cao tốc đưa người đi về nguồn, đi du lịch, đi trẩy hội. Và rác cũng nhiều lên, những bao ni-lon phập phù, giết chết vẻ đẹp nguyên sơ một thời.

Muốn vào lại rừng phải kéo vỏ lãi qua đập khi đã cầm trong tay giấy phép của lâm trường. Hy vọng là tràm nguyên sinh đã phục hồi, và khỉ sóc, rùa rắn, cá tôm. Nhưng năm nào rừng U Minh cũng có cháy, thương con người, thương những tầng lá ẩm và thương cả những con vật đã cùng chúng tôi những ngày thương khó.

Bây giờ miệt Thứ đã có thị trấn, có đường bộ cho xe cơ giới về tận Tân Bằng - Cán Gáo. Một hệ thống thị tứ sầm uất nối dài, không nhận ra đâu là đâu nữa. Dân cư sinh sôi, khóm Cầu Đúc nổi tiếng, gạo U Minh cũng không kém cạnh và cá lóc cá sặc rằn thành món ăn của nhà giàu thành phố.

Tất cả đã qua đi và dấu vết xưa đã bị thời gian lấp đầy, vui có vui mà nhớ thì vẫn phải nhớ, cái thời kỳ lạ đến mức như là kỳ diệu ấy.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất