| Hotline: 0983.970.780

Thông điệp năm mới của ông Kim Jong-un: Mỹ không là duy nhất

Thứ Bảy 05/01/2019 , 13:36 (GMT+7)

Giới phân tích đã “giải mã” lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu năm mới về việc “tìm con đường mới” giữa lúc đàm phán bế tắc với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đọc diễn văn năm mới hôm 1/1. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu năm mới hôm 1/1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo ông có thể lựa chọn một “con đường mới” nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt trong bối cảnh Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng có lẽ đã quá muộn thể thay đổi lộ trình của các cuộc đàm phán.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không nói rõ “con đường mới” của Triều Tiên là gì. Mặc dù lời cảnh báo lần này của ông có giọng điệu tương tự những phát ngôn cứng rắn mà Triều Tiên từng nhiều lần đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 năm ngoái, song các chuyên gia nhận định ông Kim Jong-un sẽ không đẩy mối quan hệ đang tan băng với Mỹ vào tình thế nguy hiểm và nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có rất ít lựa chọn ngoài việc trực tiếp lôi kéo Tổng thống Donald Trump.
 

Tín hiệu của sự thất vọng?

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng cam kết sẽ hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump ở Singapore. Tuy nhiên từ đó đến nay, tiến trình phi hạt nhân hóa không đạt được nhiều tiến triển và một cuộc gặp cấp cao giữa hai nước cũng đột ngột bị hủy hồi tháng 11.

Bình Nhưỡng yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) để đổi lại việc Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri và một cơ sở động cơ tên lửa.

Giới chức Mỹ cho rằng những bước đi ban đầu của Triều Tiên như phá hủy các cơ sở trên vẫn chưa được xác nhận và vẫn có thể bị thay đổi. Trong khi đó, Washington đã thực hiện các động thái thiện chí như dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố Triều Tiên không bắt buộc phải cung cấp danh sách các vũ khí hạt nhân và và cơ sở hạt nhân, còn một đặc phái viên Mỹ đề nghị tăng cường viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.

Bất chấp sự nhượng bộ của Mỹ, trong bài phát biểu năm mới, ông Kim Jong-un vẫn kêu gọi Washington phải “chấm dứt hoàn toàn” tất cả các cuộc tập trận chung, đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt.

“Thông điệp của ông ấy là “chúng tôi đã làm những gì mà chúng tôi nói là sẽ làm ở Singapore, nhưng đổi lại Mỹ hành động rất ít”, Vipin Narang, nhà khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.
 

“Con đường mới” là gì?

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tăng cường giọng điệu chỉ trích Mỹ, thậm chí cảnh báo sẽ quay lại thời kỳ đối đầu nếu các lệnh trừng phạt và gây sức ép của Washington không dừng lại. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy sự thất vọng của Triều Tiên, chứ không hẳn là “một con đường mới” như ông Kim Jong-un tuyên bố.

“Một điều có thể thấy rõ là: Ông Kim Jong-un sẽ không quay trở lại bất kỳ lập trường nào khiến Mỹ và các đồng minh cân nhắc tới một cuộc tấn công quân sự, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào trong tương lai gần”, chuyên gia Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington nhận định.

“Con đường mới” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tập trung vào những nhượng bộ và không bao gồm việc phi hạt nhân hóa trên diện rộng. Bộ Thống nhất Hàn Quốc không đưa ra phỏng đoán về “con đường mới” của Triều Tiên, nhưng cho rằng ông Kim Jong-un đã thể hiện rõ quyết tâm từ bỏ chương trình vũ khí và cải thiện mối quan hệ với Mỹ khi lần đầu tiên đề cập tới cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Theo Giáo sư Kim Joon-hyung tại Đại học Handong Global, một kịch bản có thể xảy ra là Triều Tiên sẽ dỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon như từng đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9, đồng thời công bố một số cơ sở bí mật để đổi lấy việc được Mỹ giảm nhẹ trừng phạt.

Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng ông sẵn sàng mở cửa trở lại khu công nghiệp Kaesong và cho phép du khách tới khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang tại Triều Tiên vô điều kiện. Đây là tín hiệu cho thấy ông Kim muốn thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từ từ để đổi lại sự nhượng bộ từ Washington.

Chuyên gia Patrick Cronin tại Viện Hudson ở Washington nhận định vẫn còn cơ hội để hạn chế kho vũ khí của Triều Tiên.

“Chuyện này sẽ không dễ dàng và không bên nào giành được thành công hoàn toàn. Trung Quốc và các nước khác cũng có thể được mời để đóng góp vai trò tại đây”, chuyên gia Cronin nói.
 

Chuyển trọng tâm khỏi Mỹ?

Bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong-un đã kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán đa phương để chính thức tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Đây cũng là ý tưởng từng được Hàn Quốc đưa ra trước đây. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình.

Theo Giáo sư Kim Joon-hyung, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ lựa chọn hợp tác với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác để gây sức ép với Mỹ. Tuy nhiên các chuyên gia khác, trong đó có cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Lee Soo-hyuk, hoài nghi về kịch bản trên trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương Mỹ - Triều đang lâm vào bế tắc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, và Tổng thống Trump vốn không thích các cơ chế đa phương.

“Ông Kim Jong-un có thể đặt ra cho ông Trump một lựa chọn: Hoặc hợp tác cùng tôi để đạt được một thỏa thuận hạt nhân dựa trên đàm phán và nới lỏng trừng phạt, hoặc tôi sẽ tới Trung Quốc để nhờ trợ giúp và nhận lại sự phát triển về kinh tế như tôi mong muốn trong khi vẫn giữ nguyên các vũ khí hạt nhân của tôi”, chuyên gia Harry Kazianis cho biết.

“Tôi cho rằng lời đe dọa về “con đường mới” của ông Kim Jong-un không ám chỉ các vụ thử hạt nhân mới, mà là thông điệp gửi tới ông Trump: Ông không phải lựa chọn duy nhất của chúng tôi về an ninh và phát triển kinh tế. Nếu ông từ chối hợp tác, chúng tôi sẽ phớt lờ ông và quay sang Trung Quốc. Và chúng tôi còn có Hàn Quốc ở bên nữa”, nhà phân tích Ruediger Frank nhận định.

(Theo SCMP, Dân trí)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất