Thông điệp cho Mỹ, Hàn
Lễ duyệt binh mừng ngày quốc khánh của Triều Tiên bắt đầu lúc 10h sáng 9/9 tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới viếng thăm cung điện Kumsusan, nơi lưu giữ thi hài của hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và Kim Nhật Thành. Tháp tùng ông Kim có các quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên.
Lễ duyệt binh của Triều Tiên tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 9/9 |
Theo AFP, từ sáng sớm hàng trăm xe quân sự chở theo hàng nghìn binh sĩ đã tập trung dọc bờ sông Taedong ở thủ đô Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho lễ duyệt binh. Một chi tiết rất đáng chú ý, lập tức thu hút sự bình luận của giới quan sát quốc tế là sự vắng bóng của các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) như Hwasong-15 ở lễ duyệt binh hôm qua. Bình Nhưỡng từng tuyên bố đã hoàn thành việc chế tạo ICMB có tầm bắn chạm tới lãnh thổ nước Mỹ.
“Đây có thể là cách miền bắc thể hiện sẵn sàng cho việc phi hạt nhân hoá, muốn gửi tới Tổng thống Trump”-Kim Yong-hyun, giáo sư thuộc trường Đại học Dongguk tại thủ đô Seoul đánh giá. Chung quan điểm trên, chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Sung-ryeol cho rằng, Triều Tiên muốn giảm quy mô lễ duyệt binh nhằm chuẩn bị cho các hội nghị trong tương lai với Hàn Quốc và Mỹ. Theo kế hoạch dự kiến, ông Kim sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong các ngày từ 18-20/9 tới.
Theo Reuters, lễ duyệt binh hôm qua của Triều Tiên có quy mô nhỏ hơn cuộc duyệt binh hồi tháng 2. Triều Tiên đồng thời tăng tỉ lệ khối dân sự tham gia duyệt binh, như công nhân, bác sĩ, học sinh, sinh viên…Đây có thể là một thông điệp khác về chiến lược phát triển thời đại mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tập trung vào kinh tế. Tổ hợp vũ khí lớn nhất của Triều Tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh là tên lửa phòng không tầm xa KN-06, phiên bản sao chép từ hệ thống S-300 của Nga. Ngoài ra, lễ duyệt binh của Triều Tiên còn có sự tham gia của các khí tài quân sự như xe tăng Pokpung-ho (Bão phong Hổ), hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển KN-09, lựu pháo tự hành M-1992, cỡ nòng 122mm…
Người bạn Trung Quốc và thông điệp thống nhất
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã được mời tham dự, đưa tin tại Triều Tiên. Tổng cộng có khoảng 140 nhà báo, phóng viên trên thế giới được tới Triều Tiên vào dịp này.
Nga đã cử Chủ tịch Thượng viện Valentina Matvienko tới Bình Nhưỡng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời gửi điện chúc mừng Triều Tiên nhân ngày quốc khánh. Đại diện Trung Quốc là Chủ tịch quốc hội Lật Chiến Thư đã tới Bình Nhưỡng từ trước và có các cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao Triều Tiên. Theo Yonhap, ông Lật Chiến Thư, đứng vị trí thứ 3 ở Trung Quốc, là quan chức cao nhất ở nước này tới thăm Triều Tiên, tính từ năm 2012 tới nay. Người giữ vị trí cao nhất ở Trung Quốc từng tới Triều Tiên là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (năm 2005).
Sự xuất hiện của ông Lật, đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở lễ duyệt binh, có thể là cách Trung Quốc bắn đi tín hiệu với Mỹ về vai trò của Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un được thấy đã cầm tay ông Lật nâng lên chào ở lễ duyệt binh. Nhà lãnh đạo Triều Tiên sau đó rút lui, không đọc diễn văn như được chờ đợi mà thay vào đấy là Chủ tịch quốc hội Kim Jong-nam.
Theo Reuters, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên trong bài xã luận hôm 9/9 đã viết: “Tất cả người dân Triều Tiên nên tham gia vào quá trình thống nhất trong thế hệ này. Thống nhất là con đường duy nhất để 2 miền Triều Tiên tồn tại”. Trong khi đó theo AFP, nhiều xe tăng và thiết bị quân sự Triều Tiên tham gia duyệt binh vẫn ghi dòng chữ phía trước, với nội dung kêu gọi “Tiêu diệt đế quốc Mỹ hung bạo, kẻ thù của nhân dân Triều Tiên”.