| Hotline: 0983.970.780

Thông điệp từ nông dân Xuân Lĩnh!

Thứ Tư 08/12/2010 , 10:54 (GMT+7)

Chúng tôi nhận được thông điệp của hàng trăm nông dân Xuân Lĩnh (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) đang đối mặt với nguy cơ bị mất đất sản xuất NN vì làm đường.

Sau hai cơn lũ kép kinh hoàng, hàng ngàn người dân Hà Tĩnh đang lao đao về chuyện khôi phục lại đất nông nghiệp bởi nhiều diện tích 2 lúa bị lũ cuốn trôi và bồi lấp, thì cũng là lúc chúng tôi nhận được thông điệp của hàng trăm nông dân Xuân Lĩnh (Nghi Xuân- Hà Tĩnh) nguy cơ  bị mất  đất sản xuất NN vì làm đường.

Chuyện từ 49 năm về trước

Năm 1963, thực hiện lời kêu gọi di dân của Đảng với phong trào; “Dân dời lên ở vùng cao- để đất bằng phẳng đi vào thâm canh”. Theo tiếng gọi thiêng liêng này, hàng trăm hộ dân 3 xã Tiên Điền, Xuân Hải, Xuân Giang (Nghi Xuân) đã tiên phong rời quê hương đồng bằng màu mỡ lên chân núi Hồng Lĩnh nơi vùng đất Cổng Khánh hẻo lánh để khai sơn phá thạch lập nên xã Xuân Lĩnh ngày nay.  

Ruộng hai lúa đang có nguy cơ bị lấy làm đường  

Cựu binh Đồng Ngọc Mão kể: Lúc mới lên mở làng lập cõi, hàng trăm hộ dân thôn 6 Xuân Lĩnh đều sở hữu rất nhiều diện tích sản xuất, bình quân mỗi khẩu có trong tay gần 2.000 m2. Sau nhiều lần chuyển đổi và nhiều biến thiên của tự nhiên – xã hội, mỗi nhân khẩu thôn 6 Xuân Lĩnh chỉ còn vài ba trăm m2 đất sản xuất, chủ yếu là đất 2 lúa, không còn đất màu.

Thời chiến tranh, đường chiến lược 18A đi qua (nay gọi là quốc lộ 8B) đây là tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời hoà bình lập lại, quốc lộ 8B nhiều lần được mở rộng để đảm bảo chức năng là đường tránh lũ cho tuyến quốc lộ 1A đoạn Hồng Lĩnh đến cầu Bến Thuỷ.  Thời chiến tranh, đồng bào ở xóm 6 Xuân Lĩnh cũng như các xóm có đường đi qua đều  đóng góp sức người, sức của, đất đai; kể cả hy sinh nhà ở của mình để lát đường cho xe thông ra tiền tuyến.

Thời hoà bình, khi có chủ trương mở rộng đường, đồng bào Xuân Lĩnh sẵn sàng hiến đất, hiến vườn, chặt cây cối để mở đường. Nhờ vậy, quốc lộ 8B đã trở thành một con đường rộng phong quang, góp phần quan trọng trong vai trò là một con đường tránh lũ đặc biệt mỗi  khi mùa mưa lũ đến, đặc biệt như đợt lũ kinh hoàng vừa qua. Bí thư chi bộ thôn Trần Đình Quang cho biết: Ngoài việc khai hoang mở cõi, hiến đất, hiến vườn để mở rộng đường 8B, dân thôn 6 Xuân Lĩnh chúng tôi còn luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong các đợt thực hiện chuyển đổi ruộng đất, thôn 6 luôn là đơn vị dẫn đầu của xã và là một trong những thôn thuộc tốp đầu của huyện, được công nhận là thôn văn hoá toàn diện, bí thư thôn nhiều năm được bầu dự hội nghị điển hình tiên tiến cấp tỉnh..  

Nông dân thôn 6 lo lắng sợ mất đất

Và chuyện nguy cơ trắng tay

Nằm giữa thung lũng bốn phía là rừng núi; cả xã duy nhất chỉ có đoạn đường 8B đi qua nên nông dân thôn 6 không thể phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ mà gần như 100% thuần tuý SX nông nghiệp. 384 nhân khẩu thuộc 81 hộ gia đình, cả thôn chỉ có chưa đầy 30 ha đất sản xuất. Không thể làm giàu từ cây lúa nhưng nhờ hay lam hay làm nên người dân ở đây cũng cơ bản đủ ăn. Đùng một cái, cả thôn như đứng trên đống lửa khi biết quốc lộ 8B sắp được nắn tuyến và sẽ “nuốt” khoảng từ 30/40 ha đất sản xuất của toàn bộ thôn. Gần 400 con người nơi đây nguy cơ mất trắng đất SX. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc nông dân thôn 6 Xuân Lĩnh sẽ đi dần đến chỗ chết đói vì không có tư liệu sản xuất.

Bí thư thôn 6 xã Xuân Lĩnh, ông Trần Đình Quang cho biết: Đầu năm nay, khi thấy cấp trên về đóng cọc mốc mở rộng quốc lộ 8B, dân chúng tôi rất phấn khởi vì biết từ nay đường sá được nâng cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dân thôn 6 phát triển, nông dân ai nấy đều sẵn sàng chấp nhận cắt vườn, chặt cây cho việc mở đường. Niềm vui càng gần hơn khi mới đây nhà nước đã thực hiện giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn… để chuẩn bị thực hiện dự án, (đây được gọi là phương án 1). Thế nhưng, đùng một cái, phương án 1 bị dừng lại và người ta đã nghĩ ra phương án 2 là nắn 2,3 km đường tránh qua trung tâm xã, điểm đầu tại thôn 5 điểm cuối tại thôn 7.  

Đường tránh 8B đoạn qua thôn 6 vẫn phong quang, sạch đẹp

Khi họp dân để lấy ý kiến, do diện tích đất nông nghiệp mất quá nhiều nên nông dân các thôn đều phản đối. Không thông được phương án 2, phía tư vấn thiết kế lại nghĩ ra phương án 3 là chỉ nắn đoạn qua thôn 6 và thôn 7 với chiều dài 1,5km. Khi phía thực hiện dự án mới đưa máy về khoan được một số mũi thử nghiệm theo phương án 3 thì nhân dân và lãnh đạo thôn 6 đã yêu cầu dừng lại vì họ chưa đồng ý và cũng chưa nhận được văn bản hay sự chỉ đạo nào của cấp trên cho phép bất kỳ một ai tác động đến phần đất đang thuộc quyền sở hữu quản lý của nông dân.

Các đồng chí cán bộ thôn 6 và nhân dân trong thôn cho biết: Nếu theo phương án 1, đường sẽ được mở rộng ra trên cơ sở đường cũ là hợp lý nhất, bởi xưa nay đến giờ đường vẫn đi an toàn như thế. Còn theo phương án 3 hiện nay, đường mới sẽ đi độc lập giữa cả một cánh đồng 2 lúa, cách vị trí đường cũ khoảng 100 mét. Với chiều rộng 35 mét, nếu phương án này được thực thi, đường này sẽ “ăn” mất của thôn khoảng 15 ha đất nông nghiệp, đó là chưa kể đến diện tích ruộng nằm giữa đường cũ và đường mới rồi cũng sẽ bị bỏ hoang vì bị lỡ vùng, lỡ thửa và khi đường mới hình thành, vùng ruộng giữa 2 con đường sẽ ngập úng thành ao hồ khi mùa mưa đến, sẽ hạn hán khi mùa hè đến vì không thể lấy được nước lên...  Theo nhân dân thôn 6, nếu thực hiện theo phương án 3, cơ bản đất sản xuất của nông dân thôn 6 thôn 7 sẽ bị mất, trong khi đó, cả thôn chủ yếu sống vào cây lúa nên nhân dân sẽ không biết lấy gì mà sống

 Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Thế Nam - Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh nói: “ Dân chúng tôi chủ yếu sống vào sản xuất nông nghiệp; nếu mất đất thì cũng hết đường sống. Đảng uỷ và UBND đã tổ chức 5 cuộc họp cả cán bộ và nhân dân để xin ý kiến nhưng cán bộ và dân địa phương đều đề nghị xây dựng theo phương án 1.

Chúng tôi mong muốn thực hiện theo phương án 1 để giữ lấy ruộng đất cho dân sản xuất. Phía tư vấn thiết kế cho rằng, nắn tuyến là vì tuyến cũ đi qua mấy trường học, mất an toàn giao thông, nhưng theo chúng tôi, chúng ta vẫn có thế mở đường vành đai để giảm áp lực học sinh lúc tan trường ùa thẳng ra đường; và nếu cần, vẫn có thế di chuyển các nhà trường bởi nếu chuyển hai nhà trường, cùng lắm cũng chỉ hết chưa đầy 2 ha đất, trong khi, nếu thực hiện phương án 3, mất đến hàng chục ha đất, nông dân biết lấy gì mà sống. Chúng tôi thiết tha đề nghị cấp trên thực hiện theo phương án 1 là mở rộng trên cơ sở đường 8B cũ để bảo đảm cuộc sống cho nhân dân. Bởi nếu thực hiện phương án 1 thì Nhà nước cũng lợi, dân cũng lợi vả lại nền đường cũ luôn được bảo đảm kể cả quy mô mở rộng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất