| Hotline: 0983.970.780

Thớt nghiến băm nát rừng Ba Bể

Thứ Năm 23/09/2010 , 10:28 (GMT+7)

Tại địa điểm khác trong VQG thuộc hai xã Quảng Khê và Nam Cường (Ba Bể - Bắc Kạn) những cây nghiến “bạc mệnh” bị “tử hình” một cách không thương tiếc để làm thớt.

Như căn bệnh ngoài da mãn tính, điều trị điểm này lại phát ra nơi khác, vụ tàn phá rừng nghiến cổ thụ tại VQG Ba Bể đầu tháng 4/2010 chưa hết đau lòng nhức nhối thì hiện nay tại địa điểm khác trong VQG thuộc hai xã Quảng Khê và Nam Cường (Ba Bể - Bắc Kạn) những cây nghiến “bạc mệnh” vẫn bị “tử hình” một cách không thương tiếc để làm thớt.

Lâm tặc lì lợm hơn... thớt nghiến

Đặt chân đến xã Quảng Khê và Nam Cường chúng tôi nhiều phen hú hồn khi phải tránh những chiếc xe máy nhem nhuốc bùn đất phóng bạt mạng trên quốc lộ 279 chỉ vừa khít hai làn xe. Phía sau những chiếc xe “cổ kính” đến mức không nhìn thấy biển số đó đều chở rất nhiều bao tải vừa tròn lại vừa dẹt, được bọc cẩn thận. Thấy tôi ngơ ngác, chị chủ bán hàng tạp hóa ở xã Nam Cường nói vu vơ: “Họ chở thớt nghiến ấy mà! Ngày nào họ chả chở thớt nghiến từ đây ra ngoài thị trấn bán. Nếu anh mua luôn tại đây giá giẻ hơn được nửa tiền đấy!”.

Với vài phong lương khô và mấy chai nước lọc trong ba lô, theo chân người dẫn đường, chúng tôi rảo bước vào vùng lõi VQG Ba Bể. “Đi đâu đấy? Từ đâu lừ lừ xuất hiện một người đàn ông với khuôn mặt bặm trợn hỏi chúng tôi kiểu xếch mé dọa nạt. Do có chuẩn bị từ trước, người dẫn đường nhanh trí dùng tiếng địa phương tiếp chuyện. Sau khi bóng người đàn ông lạ khuất dần dưới những cánh rừng rậm rạp, chỉ còn những tiếng hú vang trời, chúng tôi được người dẫn đường giải thích: “Vừa rồi tôi dùng tiếng Dao bảo với nó là tôi đưa các anh vào rừng tìm cây thuốc quý. Nhưng nói thế nào hắn cũng không tin chính vì vậy nên hắn hú vang như vừa rồi để báo cho đồng bọn của chúng đấy.”

Chỉ mất có 30 phút đi bộ, chúng tôi đã đến được “công trường” sản xuất thớt nghiến giữa VQG Ba Bể. Vẫn là những hình ảnh đau lòng quen thuộc ở những cánh rừng bị chảy máu do lòng tham của con người gây nên. Hàng chục cây nghiến với lớp vỏ sần sùi như da cóc đổ ngổn ngang la liệt không khác gì trẻ em đánh mốt. Có những cây phải ba bốn người ôm không xuể ngã xuống đè nát quang cả một khoảng rừng, ánh nắng chói chang xuyên qua những kẽ lá chiếu vào những gốc nghiến đang gỉ máu đỏ au trông thật tang thương. Đếm sơ sơ một mảng rừng cũng có đến cả chục cây nghiến đã bị lâm tặc thi hành án…tử. Một số cây đã trút hết lá chắc do bị hạ cách đây khá lâu, số khác lá vẫn còn tươi nguyên chứng tỏ chúng vừa mới lìa xa “mẹ rừng”. Đi bộ thêm một đoạn nữa chúng tôi bắt gặp hàng chục thớt nghiến đã xẻ to bằng cái mâm ăn cơm, chắc lâm tặc chưa kịp vận chuyển.

Người dẫn đường chép miệng than: “Trước đây chúng tôi vào rừng chỉ chọn những cây gỗ nghiến đẹp về làm nhà sàn chứ bây giờ người ta dùng cưa máy phá rừng ở đâu là sạch bách đến đó. Với những cây nghiến kia, họ dùng cưa máy xẻ được cả mấy chục cái thớt chứ ít gì đâu.”

Bất lực!

Không muốn chứng kiến hình ảnh rừng tan hoang, đau lòng trên, chúng tôi lặng lẽ đi ra khỏi VQG Ba Bể. Ra đến cửa rừng, chúng tôi thấy một chiếc cột mốc bị đập nát vụn. Được biết, đây là cây cột mốc số 49 thuộc địa phận quản lý của Trạm Kiểm lâm xã Quảng Khê bị lâm tặc đập nát để chọc tức.

Vào một nhà dân ngay dưới chân núi nghỉ chân, hình ảnh đập ngay vào mắt chúng tôi là một chồng thớt nghiến đường kính khoảng 40cm chất đầy góc nhà. Qua trò chuyện tôi biết được một chiếc thớt nghiến có đường kính 40cm giá bán 300.000 – 400.000 đồng. Đường kính từ 60cm trở lên thì có giá tiền triệu. Trong khi đó một cây gỗ nghiến mấy trăm năm tuổi bị hạ trong những cánh rừng kia lên tới cả chục mét khối. Chính vì lợi nhuận lớn như vậy, việc vận chuyển lại dễ dàng nên không chỉ người dân địa phương mà còn rất nhiều lâm tặc từ nơi khác như Lạng Sơn, Tuyên Quang đổ xô về Bắc Kạn xâu xé những cánh rừng nghiến quý giá còn sót lại. Người dân sống ở chân VQG Ba Bể cho chúng tôi biết, sau khi cây nghiến được xẻ thành thớt, lâm tặc sẽ gùi ra ngoài đường rồi cho lên xe máy chở đi tiêu thụ hoặc cho lên thuyền để tẩu thoát qua mặt kiểm lâm.

Đem vấn nạn phá rừng nghiến làm thớt diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm qua hỏi những đơn vị có trách nhiệm bảo vệ, câu trả lời của ông Nguyễn Văn Quốc – Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Quảng Khê là bất lực. “Tình trạng chặt nghiến trong VQG Ba Bể có xảy ra khá nhiều đấy! Cuối tháng 7 vừa rồi có 9 cây mới bị hạ, chúng tôi làm hết cách nhưng vẫn chưa bắt được ai, chỉ thu được mấy chiếc cưa máy của lâm tặc bỏ chạy. Họ chặt xuống nhưng chưa xẻ, lại thường xẻ vào ban đêm nên rất khó bắt, nhiều hôm đi tuần tra bọn chúng còn lăn đá vào chúng tôi.” Cũng theo ông Quốc thì vấn nạn phá rừng nghiến tại VQG Ba Bể thuộc địa phận trạm của ông quản lý diễn ra nhiều nhất vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Hiện nay cả vùng ven giáp ranh và vùng lõi có 46 cây nghiến bị hạ chủ yếu là để xẻ làm thớt đem bán.

Còn theo ông Dương Xuân Tứ - Trạm trưởng Trạm kiểm lâm xã Nam Cường thì từ đầu năm đến nay trạm của ông bắt được vỏn vẹn 3 vụ vận chuyển gỗ nghiến trái phép. Những lần khác, khi phát hiện thấy lực lượng kiểm lâm chặn bắt, lâm tặc dùng dao chém đứt dây buộc gỗ để chạy trốn.

Giá gỗ nghiến ngày càng cao. Miếng mồi ngon luôn trước mắt lâm tặc. Trong khi việc quản lý, bảo vệ chỉ dừng lại ở mức "mèo vờn chuột" như hiện nay thì rừng không mất đi mới là lạ.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỳ bí rừng Nam Xuân Lạc: [Bài 2] Chuyến đi xuyên 18km đường rừng

Bắc Kạn Nam Xuân Lạc trù phú với những cây gỗ quý mấy người ôm không xuể, hệ động thực vật phong phú như vừa thúc giục vừa níu giữ bước chân lữ khách phương xa.