| Hotline: 0983.970.780

Th.S Hoàng Quốc Thái: 'Tôi dẫn cả nửa cuốn sách vẫn là tác phẩm của tôi'

Thứ Sáu 06/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia (Bộ VH-TT-DL) khẳng định ông Hoàng Quốc Thái – Quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh chép sách của bà.

Bà Từ Thị Loan bày tỏ: “Như ông Hoàng Quốc Thái trả lời Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện tôi, thì ông ấy tham khảo từ Báo cáo đề tài của tôi thực hiện năm 2010-2011, nộp lại ở Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Ninh sau khi nghiệm thu năm 2012, không phải từ cuốn sách của tôi, nhưng nội dung sẽ giống nhau vì tôi in sách là từ đề tài đó. Ông ấy nghĩ rằng đó là đặt hàng của tỉnh Quảng Ninh thì Quảng Ninh sẽ có toàn quyền sử dụng”.

Bà Từ Thị Loan khẳng định ông Hoàng Quốc Thái chép sách của mình

Về những nội dung được cho là giống với chuyên khảo “Di sản Văn hóa làng chài vịnh Hạ Long” (2010) bà Loan giải thích: “Tôi chỉ trích dẫn những câu ca dao được sưu tầm trong công trình của 2 ông Cao Đức Bình – Hoàng Quốc Thái đồng chủ biên. Đây là những sáng tác dân gian, nên không có tác giả, chỉ có người sưu tầm và tôi cũng đã trích nguồn, không liên quan gì đến các phần chuyên môn”.

PGS.TS Từ Thị Loan cho biết, ban đầu bà không muốn làm to chuyện. “Tuy nhiên, nếu tôi không lên tiếng, có thể mọi người sẽ hiểu sai và ảnh hưởng đến uy tín của tôi”, bà Loan nói.

Ông Hoàng Quốc Thái - ảnh: fb Phạm Long

PV Báo NNVN cũng đã có cuộc trao đổi với Th.S Hoàng Quốc Thái – Quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh. Ông Thái khẳng định chưa biết cuốn sách của bà Loan, đồng thời, ông cũng cho rằng, dù dẫn cả nửa cuốn sách vẫn là tác phẩm của ông. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Cuốn sách “Văn hóa Dân gian dân chài thủy cư trên vịnh Hạ Long” (chuyên khảo) của ông có nhiều trang nội dung giống với cuốn “Ca dao, dân ca vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh” của bà Từ Thị Loan. Có ý kiến cho rằng ông đã “đạo văn” của bà Loan vì sách của ông ra đời sau (2017) sách của bà Loan 4 năm (2013).

Ông Hoàng Quốc Thái: Bà Từ Thị Loan là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam hợp đồng với tỉnh Quảng Ninh. Đề tài đó là nghiên cứu giá trị ca dao dân ca vùng biển, vùng mỏ Quảng Ninh. Khi đề tài hoàn thành, Sở KH-CN tỉnh Quảng Ninh bàn giao đề tài cho các sở ngành liên quan để phát huy giá trị sử dụng. Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ninh khi tôi đang làm Phó Giám đốc được nhận 1 bộ kể cả bản cứng và bản mềm. Khi tôi biên khảo cuốn “Văn hóa Dân gian dân chài thủy cư trên vịnh Hạ Long” thì tôi biên khảo từ cuốn của ông Cao Đức Bình trước đã làm về hát giao duyên trên biển cho hoàn chỉnh lại. Và chương mà tôi trích đó là báo cáo tổng hợp của đề tài khoa học chứ không phải cuốn sách của bà Từ Thị Loan. Bà Từ Thị Loan ra sách khi nào tôi không biết. Chắc là sau khi nộp báo cáo đề tài thì bà Loan đã sửa đi để in sách.

Còn nội dung tôi trích đưa vào sách “Văn hóa Dân gian dân chài thủy cư trên vịnh Hạ Long” thì có nhiều nội dung tôi trích rất dài ở những chương nghiên cứu về nghệ thuật mà tôi không làm được. Riêng về nghệ thuật là tôi trích từ báo cáo tổng hợp từ đề tài khoa học cấp tỉnh. Đến bây giờ tôi chưa biết mặt cuốn sách của bà Từ Thị Loan như thế nào. Tôi chỉ sử dụng tư liệu trên cơ sở báo cáo của đề tài bà Từ Thị Loan hợp tác với tỉnh Quảng Ninh. Bản mềm kết quả đề tài tôi vẫn cầm đây. Bà Từ Thị Loan là Chủ nhiệm đề tài nhưng mà chưa chắc đã phải là tác giả duy nhất bởi vì đề tài đó có nhiều tác giả, nhiều người tham gia.

PV: Ông có phải là một trong những tác giả của đề tài này không?

Hoàng Quốc Thái: Không. Tôi không tham gia. Đó là Viện VHNT Quốc gia Việt Nam hợp đồng với tỉnh Quảng Ninh để làm đề tài. Đó là nhiệm vụ khoa học của tỉnh Quảng Ninh làm vào khoảng năm 2010 – 2011. Phần tôi trích trong sách là rất dài và ban đầu phần in đậm tôi có đánh số thì đều ghi chú bên dưới nội dung trong phần này phần lớn được lấy ở trong tài liệu này, tài liệu kia. Trong đó có phần nghệ thuật là tôi trích tương đối dài, bạn đọc sẽ thấy giống với sách của bà Từ Thị Loan. Còn tôi chưa biết cuốn sách của bà Loan như thế nào.

PV: Tức là ông có sử dụng tư liệu từ đề tài của bà Từ Thị Loan làm với tỉnh Quảng Ninh?

Ông Hoàng Quốc Thái: Đúng. Tôi trích dẫn từ đề tài đó ra. Không riêng gì cuốn đấy đâu, còn nhiều cuốn khác mà đã xuất bản rồi, tôi vẫn sử dụng. Trong chuyên khảo tôi có thể lấy ở tất cả những nơi mà đã xuất bản rồi để tôi đưa vào là bình thường. Đấy không phải sách sáng tác.

PV: Về mặt khoa học, ông là một Thạc sĩ Văn hóa, có khi nào các thầy dạy người ta có nói với ông đến việc được phép trích dẫn của người khác bao nhiêu không? Trong trường hợp nào thì gọi là đạo văn không? Hoặc chí ít nếu trích dẫn của người ta quá nhiều thì người đó phải là đồng tác giả?

Ông Hoàng Quốc Thái: Phải hiểu thế này: Thứ nhất cuốn sách của tôi tổng cộng hơn 500 trang, ví dụ có một vài chục trang mà tôi trích dẫn ở các tài liệu khác, tôi có ghi cả nguồn. Kể cả cuốn sách trước của tôi, tôi dẫn cả nửa cuốn sách vẫn là tác phẩm của tôi.

Cuốn đấy tôi và ông Cao Đức Bình cùng làm thì đấy là chuyện bình thường. Đây không phải tôi viết về đề tài khoa học hay làm luận văn. Sách này không thuộc vào diện đó.

Đấy không phải là sách nghiên cứu mà là sách chuyên khảo. Sách chuyên khảo thì tôi có thể nhặt tất cả những gì đã ra đời rồi tôi đưa vào thành một cái tổng hợp để cho mọi người thấy cả một vấn đề. Đó gọi là một vấn đề mà nhiều người đã viết mà không viết hết.

Phần nghiên cứu của nhóm bà Từ Thị Loan đó là phân tích về giá trị nghệ thuật của ca dao dân ca. Còn tôi nghiên cứu về văn hóa dân gian nó rộng hơn. Ca dao dân ca chỉ là một phần của văn hóa dân gian thôi.

PV: Theo như ông giải thích thì chuyên khảo là được quyền sử dụng những kết quả người khác đã nghiên cứu và được đưa vào thành sách của mình?

Ông Hoàng Quốc Thái:  Đương nhiên rồi. Và mình chú dẫn đầy đủ là mình lấy nguồn tài liệu nào. Khi chúng tôi đã dẫn cả đoạn dài thì không ai người ta để trong ngoặc kép được. Cái đấy không phải câu nói nguyên bản của ai.

Cả đoạn văn dài chúng tôi chỉ cần trích ở câu đầu rồi đánh số 1-2-3-4 là để giải thích đoạn dưới này lấy nhiều nội dung ở đoạn nọ đoạn kia.

Vì dân nghiên cứu văn hóa dân gian chúng tôi không có viết mới, không bao giờ có sáng tạo mới, mà mình đi sưu tầm, đọc rồi gọi là biên khảo, người ta viết ra rồi chứ không phải mình tự nghĩ ra được.

Hai cuốn sách phái sinh 

Tôi và ông Cao Đức Bình làm cuốn chuyên khảo “Di sản Văn hóa làng chài vịnh Hạ Long” (2010), là tập hợp tất cả những nghiên cứu về vùng biển Quảng Ninh vào một cuốn.

Năm đấy chúng tôi xuất bản nội bộ tỉnh Quảng Ninh thôi chứ không xuất bản công khai ở các nhà xuất bản để phát hành toàn quốc. Sau này, tôi muốn hệ thống lại để những người quan tâm đến chủ đề sẽ có cái để xem thì tôi hệ thống lại thành cuốn sau (“Văn hóa Dân gian dân chài thủy cư trên vịnh Hạ Long”) thì nó kỹ hơn và tương đối quy củ hơn.

PV: Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.