| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/02/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 28/02/2019

Thu chi BOT minh bạch đến mức nào?

Vụ 2 tên cướp đột nhập vào Trạm thu phí Dầu Giây để lấy đi số tiền 2,22 tỷ đồng vào ngày 7/2/2019 thực sự khiến dư luận rúng động.

Đám đông ngạc nhiên trước sự táo tợn của kẻ gian chỉ một phần, mà sự ngạc nhiên dành cho nguồn thu thực sự của loại hình BOT đến 10 phần. Mỗi ngày trạm thu phí đã gom được bao nhiêu, mà số dư tiền mặt đang tồn quỹ nhiều như vậy? Công an dĩ nhiên nhanh chóng bắt được 2 tên cướp, còn việc thanh tra trạm thu phí cũng không thể làm ngơ.

Sau gần 20 ngày tiến hành rà soát, Tổng cục Đường bộ VN tuyên bố trạm thu phí Dầu Giây chứng từ thu phí được lưu đầy đủ, các báo cáo thực hiện theo quy trình việc thực hiện, công tác thu phí từ các khâu phát hành vé thẻ, thu phí, đối soát, nộp tiền đến tổng hợp báo cáo đảm bảo theo quy trình thu phí được duyệt... Nghĩa là ở trạm thu phí Dầu Giây không có gì khuất tất.

Thế nhưng, cũng trong kết luận của Tổng cục Đường bộ VN lại khẳng định: “Tổng công ty đầu tư Đường cao tốc VN phải báo cáo giải trình việc không sao lưu đầy đủ dữ liệu video theo quy định tại Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT; Thực hiện ngay việc công khai thông tin trên biển báo điện tử gắn tại khu vực nhà điều hành theo quy định tại Thông tư số 49/2016; Khắc phục ngay lỗi không đồng bộ thời gian của các video làn, video cabin và video toàn cảnh”. Nghe mà tức cười, nếu đã “không sao lưu đầy đủ”, “không công khai thông tin trên biển báo điện tử” và “lỗi không đồng bộ thời gian của các video” thì làm sao chứng minh thu chi ở trạm thu phí hoàn toàn minh bạch?

Tổng cục Đường bộ VN chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Tổng công ty đầu tư Đường cao tốc VN. Khi xảy ra khuất tất tài chính, mà cấp trên lại thanh tra cấp dưới, thì liệu có thuyết phục dư luận không? Tại sao không mời một đơn vị kiểm toán độc lập làm sáng tỏ lợi nhuận thực tế của trạm thu phí Dầu Giây? Bởi lẽ, nguồn thu mỗi ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu phí của mỗi tuyến đường. Đã có trường hợp trạm thu phí đưa lý do số thu thường xuyên quá ít nên xin thu thêm vài năm nữa.

Để giám sát trạm thu phí và thuận lợi giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017 đề nghị thiết lập hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng. Vậy mà, vì quyền lợi riêng, các trạm thu phí triển khai rất chậm chạp. Thậm chí mô hình sau còn… lạc hậu hơn mô hình trước. Ví dụ, cao tốc TPHCM – Trung Lương thông xe từ năm 2010 đã áp dụng tài xế tự lấy thẻ tính phí tự động, thì cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thông xe vào năm 2014 vẫn để nhân viên ngồi… phát thẻ tính phí tự động. Chi phí cho lao động không cần thiết này, người tham gia giao thông cũng phải trả chăng?

Với một nền kinh tế còn không ít khó khăn như nước ta, mô hình BOT rất quan trọng. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ số, không ai cho phép hình thành lợi ích nhóm ở mỗi trạm thu phí!