| Hotline: 0983.970.780

Thu hồi đất của người này, đền bù cho người khác

Thứ Năm 17/01/2019 , 08:33 (GMT+7)

Năm 1993, gia đình bà Nguyễn Thị Là (gia đình liệt sỹ, tại thôn Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) được giao tổng cộng 1.182 m2 đất nông nghiệp tại 5 thửa đất.

Năm 1999, diện tích đất nói trên được UBND huyện Ba Vì cấp sổ đỏ. Trong 5 thửa đất đó, có thửa số 133 thuộc tờ bản đồ số 8 bản đồ địa chính thị trấn Tây Đằng rộng 320 m2, tại xứ đồng đất mới chân đê.

Bà Nguyễn Thị Là tại trụ sở tiếp công dân của huyện Ba Vì

Bà Là cho biết, khi thị trấn Tây Đằng tiến hành “dồn điền đổi thửa (DĐĐT)”, bà được giao đất tại khu K18, nhưng khu đất đó không có đường vào, không canh tác được, nên bà không nhận. Và thế là đất cũ của gia đình bà bỗng mất hết, dù vẫn được thể hiện trên sổ đỏ. Khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường tránh QL32 đoạn qua thị trấn Tây Đằng, có lấy vào thửa đất số 133 nói trên 296,8 m2.

Nhưng ban GPMB không đền bù cho bà, mà lại đền bù cho ông Nguyễn Văn Minh. Bà đã nhiều lần có đơn gửi từ UBND thị trấn Tây Đằng, UBND huyện Ba Vì đến UBND TP Hà Nội, đề nghị phải thu hồi lại số tiền đã đền bù 296,8 m2 đất của ông Minh, trả lại cho bà, và bố trí diện tích đất khác (1.182 m2- 296,8 m2) cho bà canh tác để đảm bảo cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Có mặt tại buổi đối thoại giữa UBND huyện Ba Vì chiều ngày 15/1/2019 (do ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chủ trì, có đủ các thành phần như thanh tra, công an, lãnh đạo UBND thị trấn Tây Đằng...) và bà Là, chúng tôi thấy có một số điều rất vô lý của UBND huyện và các cơ quan chức năng.

Thứ nhất, cả Chủ tịch UBND huyện lẫn Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng đều khẳng định bà Là hiện đang sử dụng 2.100 m2 đất ở xứ đồng K18, trong khi bà khẳng định bà không có một m2 đất nào ở K18. Để chứng minh, bà Là đã đưa ra cuốn sổ DĐĐT của thôn, trong đó không có tên bà, không có chữ ký của bà trong xứ đồng K18. Hơn thế nữa, bà còn đưa ra bức ảnh chụp một bức tường do người khác xây bọc chặt lấy thửa đất K18, khiến không ai có thể vào đó mà canh tác được.

Bà cho biết, đã nhiều lần, bà mời thanh tra huyện xuống tận nơi để xem thực tế, nhưng thanh tra huyện không chấp nhận mà “chỉ ngồi ở UBND thị trấn để nhận phong bì”. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND thị trấn thì không có bất cứ bằng chứng nào. Ông Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, sẵn sàng bố trí đất canh tác khác cho bà Là, nếu bà làm đơn trả lại 2.100 m2 đất ở K18. Nhưng bà Là khẳng định không có đất ở đó, nên kiên quyết không làm đơn.

Vậy bà Là có sử dụng 2.100 m2 đất ở K18 khi DĐĐT không, nếu có thì ai giao, có biên bản giao đất không, nếu không thì khu đất đó hiện nay ai đang sử dụng? Một câu hỏi không khó trả lời, chỉ cần xác minh là biết ngay. Thế mà từ thanh tra huyện đến UBND thị trấn, UBND huyện và rất nhiều cơ quan chức năng khác, đều chẳng ai chịu một lần xuống đó.

Thứ hai, cả Chủ tịch UBND thị trấn lẫn Phó Chủ tịch UBND huyện đều cho rằng đất của bà Là được giao năm 1993, đến năm 2013 là hết hạn, nên sổ đỏ của bà không còn giá trị nữa. Điều này thật kỳ lạ. Đúng là nhà nước giao đất cho dân 20 năm (1993-2013), nhưng tháng 10/ 2013, nhà nước đã có chính sách cho dân kéo dài thời hạn sử dụng đất đến năm 2063.

Vậy những sổ đỏ đã được cấp làm sao hết giá trị được? Cho đến nay chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào quy định rằng những sổ đỏ đó đã hết giá trị cả. Lẽ nào ông Chủ tịch UBND một thị trấn và ông Phó Chủ tịch một huyện lại không biết đến chính sách đó?

Thứ ba, nguyên tắc bồi thường đất khi GPMB là phải bồi thường cho chủ sử dụng đất. Mà sổ đỏ chính là căn cứ pháp lý cao nhất để xác định ai là chủ sử dụng đất thực sự. Thửa đất số 133, có diện tích 320m2 hiện đang nằm trong sổ đỏ của bà Là, thì bà chính là chủ sử dụng duy nhất của thửa đất đó. UBND huyện Ba Vì chưa bao giờ có quyết định thu hồi thửa đất đó, cũng chưa bao giờ có quyết định giao thửa đất đó cho ông Minh, vậy làm sao ông này có đủ điều kiện nhận tiền đền bù?

Lẽ ra, khi thực hiện bồi thường GPMB, các cơ quan của huyện Ba Vì phải căn cứ vào sổ đỏ để bồi thường thửa đất số 133 cho bà Là. Rồi nếu khi DĐĐT, bà đã đổi thửa đất đó cho ông Minh, và ông này canh tác trên thửa đất đó từ năm 2013 (năm DĐĐT) đến nay, thì giữa 2 ông bà sẽ thương lượng số tiền đó. Đó là chuyện của hai người. Đằng này, lại đi giao tiền cho ông Minh, khiến bà Là kiên quyết không giao đất cho công trình, phát sinh khiếu kiện nhiều năm nay.

Mọi sai lầm bắt nguồn từ đó. Nhưng xem ra, từ UBND huyện ba Vì đến UBND thị trấn Tây Đằng, đều quyết tâm bảo vệ cái sai của mình.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất