| Hotline: 0983.970.780

Thủ khoa à? Đang ngoài đồng...

Thứ Hai 02/08/2010 , 10:30 (GMT+7)

Sự kiện 2 học sinh ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đậu thủ khoa 2 trường “khủng” nhanh chóng lan rộng khiến dư luận trầm trồ. Nhưng có điều lạ là ở chính những làng quê ấy lại xem như chuyện bình thường. Vì sao?

Sự kiện 2 học sinh ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đậu thủ khoa 2 trường “khủng” nhanh chóng lan rộng khiến dư luận trầm trồ. Nhưng có điều lạ là ở chính những làng quê ấy lại xem như chuyện bình thường. Vì sao?

Hai bố con thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Văn Khánh. Con đậu thủ khoa nhưng gia đình anh Kha đang lo không biết có nuôi nổi không.

Học hoặc ruộng

Làng An Cư (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa), quê thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Văn Khánh không náo nức như tôi mường tượng. Con đường từ trung tâm xã vào thôn khói bụi mịt mù. Biết nhà báo về làng chắc là kiếm thủ khoa viết bài nên những người tôi hỏi chỉ trả lời qua loa rồi vội ra đồng.

“Hầu hết dân làng đang ở ngoài đồng, kể cả… thủ khoa”, trưởng thôn Phan Văn Minh giải thích. Cũng như những người dân An Cư khác, ông Minh không vội đi vào câu chuyện về thủ khoa, thi cử mà bắt đầu bằng những cái khó của vùng quê mà bây giờ đã mang “mác” Thủ đô. Ông bảo, dân An Cư thuộc loại nghèo có truyền thống. Đời sống của hơn 300 hộ dân hầu như chỉ trông chờ vào lúa. Nhưng cũng chính đói nghèo đã vạch ra cho dân làng con đường và xác định đó là duy nhất. “Học, chỉ có học mới hi vọng đổi đời, mới thoát khỏi vùng quê một năm làm nửa năm ăn này thôi”.

Thành thử dù có thể thiếu thốn đủ bề nhưng ở An Cư, tiền đóng góp vào quỹ khuyến học luôn là khoản được ủng hộ đầu tiên. Đây cũng là quỹ có nhiều tiền nhất bởi con em An Cư đi làm ăn xa có điều kiện thì việc đầu tiên họ nghĩ tới khi góp sức xây dựng quê hương là quỹ khuyến học. Thế mới có chuyện, một ông giáo sư ngành dầu khí ở Vũng Tàu mỗi lần về quê đều trích ít tiền cho quỹ khuyến học của thôn. Còn những việc khác như xây dựng cổng làng, công trình này công trình nọ có ngửa tay xin ông cũng lắc đầu.

Tâm sự với 2 tân thủ khoa ở Ứng Hòa các em không nói nhiều về những ước mơ. Bởi cả 2 đều biết rằng, điều kiện gia đình có đủ để theo học hay không đang là một vấn đề. Chị gái Khánh dù nghỉ hè nhưng vẫn bám trụ lại làm thêm để kiếm tiền trang trải thêm trong năm học mới.

Mỗi dòng họ đều có quỹ khuyến học riêng, còn thôn “treo thưởng” một tạ thóc cho học sinh nào đỗ đại học. An Cư có 10 dòng họ lớn, mỗi dòng họ đều có quỹ khuyến học riêng, một phần để hỗ trợ, động viên con em mình gắng học hành, một phần mở mày mở mặt với làng. Nghèo khổ thể chấp nhận được chứ không thể để con cháu mình thua thiệt về đường học vấn. Dòng họ này so đo với dòng họ kia không còn là nhà to xe đẹp mà từ chính số lượng con cháu có tấm bằng cử nhân để trở thành người nhà nước. Nhờ thế, phong trào “Dòng họ khuyến học” chẳng cần ai vận động mà họ vẫn cứ ào ào thi đua. Đều đều hàng năm, tỷ lệ đậu đại học ở An Cư từ 40-50%.

Dường như thấm nhuần khổ nghèo ngay từ trong bụng mẹ nên lớp lớp học sinh ở An Cư lớn lên đều xác định phải học hành. Tất cả chỉ có duy nhất một sự lựa chọn: học hoặc làm ruộng. Ngay cả tân thủ khoa Phạm Văn Khánh, từ nhỏ cũng được rèn trong suy nghĩ ấy. Chính như lời em nói thì “động lực lớn nhất để em phấn đấu học tốt là cảnh bố mẹ chân lấm tay bùn”.

Trưởng thôn Minh (bên trái): “Thưởng cho học sinh đậu đại học không gì thiết thực bằng thóc”.

Nhà Khánh nghèo như phần lớn các hộ khác ở An Cư. Bốn con người chỉ trông vào một mẫu ruộng mà mẹ là lao động chính do bố bị tâm thần phân liệt. Ngôi nhà hoang sơ ấy chẳng có lấy một thứ gì đáng giá nhưng bố mẹ Khánh có thể mở mày mở mặt với xóm làng. Chị gái Phạm Xuân Đào hiện là sinh viên năm thứ ba ĐH Ngoại thương. “Chúng tôi làm lụng suốt ngày, chỉ giúp đỡ được chúng nó chút thời gian học tập. Tự chúng phải xác định, học hay làm ruộng mà phấn đấu thôi. Tôi chỉ dạy con rằng muốn thoát khỏi cảnh như bố mẹ thì phải học”, bà Nguyễn Thị Síu, mẹ Khánh tâm sự.

Chưa hết mừng đã ầm ập nỗi lo

Đã từ rất lâu, nhiều học sinh ở An Cư đi học bằng tiền góp. Nông thôn, kiếm được đủ ăn đã khó. Nuôi một cử nhân hằng năm tốn mấy chục triệu đồng, đào đâu ra. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì họ cũng cố xoay xở mọi đường. Nhà trước mượn nhà sau, cứ thế mà phấn đấu cho con em thoát cảnh ruộng đồng. Những ông bố, bà mẹ chúng tôi gặp luôn miệng trình bày nuôi con ăn học vô cùng vất vả nhưng quyết tâm thì họ có thừa.

Cứ như cách tính của bà Síu, nuôi một cử nhân hàng năm tốn ít nhất 30 triệu đồng. Nếu chỉ nhìn vào thu nhập hàng năm từ mấy sào ruộng thì phải mất hàng chục vụ lúa mới đủ số tiền ấy. Nuôi một đứa con học hết đại học phải mất hàng trăm tạ thóc chứ chẳng chơi. Vậy tiền đâu để họ có thể cho con bám trụ với trường? Nghe bà Síu liệt kê có lẽ người giỏi lắm cũng không nhớ hết được các khoản đầu tư cho con đi học. Vay ngân hàng, vay làng xóm, đi làm thuê…

Ở An Cư có một điều lạ là dù nhà nào nhà nấy nghèo như nhau nhưng hễ nhà này sang nhà kia mượn tiền vì lý do “nộp học cho con” thì ai nấy đều sẵn lòng. Nhà có nhiều cho vay nhiều, nhà ít cũng vét lên vét xuống mà không phải lăn tăn điều gì. Chỉ biết đơn giản một điều là trong suy nghĩ của họ “tất cả dồn hết cho con, miễn là có khả năng đi học”.

“Cả cái vùng này tôi đố anh tìm được một nhà có con đi đại học mà không phải vay mượn chỗ này chỗ kia đấy. Nhưng rồi đâu lại vào đó cả thôi”. Bà Síu kể thêm rằng, đợt thi đại học, 2 mẹ con cũng đi bằng tiền vay mượn. Riêng tiền xe từ Ứng Hòa lên điểm thi đã hết 40.000 đồng. Đến cổng trường Đại học Bách Khoa, hỏi thăm sinh viên tình nguyện nên tìm được phòng trọ giá rẻ 30.000/người/ngày. Hai mẹ con mỗi bữa chỉ dám đặt một suất cơm tại ký túc xá của trường với giá 12.000 đồng. Bà Síu nhường phần cơm cho con ăn lấy sức thi còn mình ăn mì tôm trừ bữa.

Từ ngày có tin Khánh đậu thủ khoa với 29,5 điểm, vợ chồng ông Kha, bà Síu chưa kịp mừng đã thấy lo. Vậy là bắt đầu từ năm nay, 2 nông dân “gánh” 2 sinh viên. “Nếu cứ đà này thì tôi e không kham nổi. Một năm sơ sơ cũng tầm 50 triệu đồng cho chúng nó ăn học. Nhưng cứ cố gắng thôi, đến đâu thì đến. Vay mượn bao nhiêu cũng được, bố mẹ làm bạc mặt cũng được. Cái chính là chúng phải học hành đến nơi đến chốn”, ông Kha lo lắng.

Cùng lớp cấp III với Khánh còn có một thủ khoa khác. Đó là em Lê Thị Minh Vượng, thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Vượng học giỏi như Khánh và gia đình cũng nghèo như thế.

Vượng là con thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo có tới năm anh chị em ở thôn Tu Lễ, xã Kim Đường. Ngôi nhà tân thủ khoa tuềnh toàng, ngay đến góc học tập cũng chỉ đơn giản một chiếc bàn và một chiếc ghế cũ kỹ. Cả bảy miệng ăn hiện trông chờ vào mẹ em là chị Phạm Thị Lan. Bố của Vượng bị tai nạn lao động đứt một ngón tay đã gần nửa năm nay, đau ốm không làm gì được.

Biết gia cảnh nhà mình còn khó khăn, bố mẹ Vượng khuyên con gái thi ĐHSP Hà Nội giống chị gái để gia đình bớt chút tiền đóng học phí. Nhưng Vượng quyết tâm ghi danh vào ĐH Y Hà Nội để theo đuổi giấc mơ làm bác sĩ. Mấy hôm trúng thủ khoa, báo đài đăng ầm ĩ nhưng hàng ngày Vượng vẫn ra đồng làm việc như thường. Nhà có hơn một mẫu ruộng, mấy chị em gái thay nhau đi cấy và trông em trai nhỏ mới được ba tuổi. Nhìn gia cảnh không ai tin được rằng trong số 5 đứa con của vợ chồng anh Đại thì 3 đứa đại học. Chưa hết niềm vui về chuyện Vượng đỗ thủ khoa, anh Đại rơm rớm nước mắt vì không biết phải làm gì để đủ tiền nuôi con ăn học.

Hai đứa trước đã khiến gia đình anh nợ gần  trăm triệu đồng rồi. Giờ thêm Vượng, dù có thủ khoa này nọ thì không biết, chứ cứ đụng đến tiền là cả gia đình lo sốt vó. “Vợ chồng tôi đau yếu bệnh tật, không biết có nuôi nổi cho các con ăn học đến nơi đến chốn không hay lại đứt gánh giữa đường cũng nên”.

Khó khăn là thế nhưng tôi biết, những gia đình như anh Đại, chị Síu không có niềm hạnh phúc nào hơn. Họ có vất vả, nợ nần nhưng ít nhất còn quá nhiều hi vọng. Bởi như lời trưởng thôn Minh: “Chúng học được là mừng rồi. Tương lai sẽ khá”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm