| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 22/09/2019 , 09:10 (GMT+7)

09:10 - 22/09/2019

Thu không cũ

Vài thập niên trước đây thôi, thanh xuân của người con gái không giống một tách trà. Nó là một cốc nước suôn, trong veo, không chút gợn.

Phập phồng cảm xúc gái trai, muôn thuở. Các đấng sinh thành luôn dọn sẵn một con đường: học hành vừa phải, yêu đương vừa vặn, sinh con đẻ cái vừa tuổi. Nghe, nghe mãi thành khuôn thước và thấy chung quanh đều răm rắp vậy. Và hân hoan chờ.

Để dành cho tân hôn. Nhất định phải thiêng liêng, trang trọng tân hôn. Tự hào đã giữ gìn như bê tông, như lô cốt. Người con trai có thể đã dấm dúi đi mây về gió với ai đó, ở đâu đó nhưng người vợ của anh ta phải kín cổng cao tường để anh ta tận hưởng sự công phá.

Vậy nên mới có cảnh anh chồng quân nhân về quê cưới vợ, không được mấy ngày phải ra đi và không trở về nữa, thân xác gửi tận chiến trường xứ lạ. Đám phụ nữ bạn bè của vợ đùa trong nước mắt, rằng mầy ơi, sao cái số mầy chưa hết đau thì đã khổ? Đúng, chưa hết nỗi đau sinh học của gái trinh với tân hôn thì đã thành góa phụ, đau và khổ.

Nhiều người không góa mà cũng như góa, gọi là góa dở. Tức là chồng vợ chán nhau và bỏ thì thương mà vương thì tội. Hôn nhân cũng chỉ tầm mười năm. Mười năm ấy, ở xứ người ta, phụ nữ không chăm chăm học xong thì cưới hỏi và sinh con đẻ cái, phải, thanh xuân của người ta rất dài, đi vòng quanh, trải nghiệm, bạn tình và có thể học lên nữa. Mười năm ấy phụ nữ mình hăm hở hôn nhân và sau đó sinh đủ hai lần, với một núi nghĩa vụ được phóng đại là sứ mệnh trên lưng. Không chán sớm mới là lạ.

Tình cảnh na ná nhau nhưng không ít người cố thủ hy sinh. Chồng đã chán thì chồng dung dăng, bạn bè dặn dò chùi mép cho ký nhé, vợ cái con cột nhé. Vợ biết thừa nhưng chồng đã nghĩ đến mức ấy, thôi thì không thấy không biết vẫn hơn, cho con cái đủ cha đủ mẹ. Đôi lần vợ xao lòng với gã này gã kia và cũng vẩn vơ mấy câu từng nằm trong sổ tay thời con gái: Có khi nào trên đường đời tấp nập. Ta vô tình đi lướt qua nhau. Thao thức, thở dài rồi nén mình, vẫn triết lý cho con cái đủ cha đủ mẹ.

Cũng có những người tin mình đã sai lầm, trẻ trung non dại bóc xóc ai mà chẳng sai lầm. Chừng như cả vợ cả chồng đều sai lầm. Và họ tin mình phải có hạnh phúc, trên đời này ai cũng sẽ có hạnh phúc vì một nửa của mình đang còn lơ đãng ở đâu đó. Sự thiện lành không cao xa, phù phiếm. Nó nằm trong niềm tin về sự tử tế tiềm ẩn của chính ta, trong khát vọng không nhuốm mùi nhuốm màu gì khác ngoài khát vọng lứa đôi trời đã khiến mà trước kia, trời chưa kịp thu xếp thì ta đã lao đến cái đích chưa dành cho mình.

Lẽ thường, con cái sẽ tổn thương bởi chia lìa. Nhưng còn hơn là phải sống với bầu không khí của cuộc hôn nhân đã chết. Rồi ra chúng sẽ đường đời tấp nập, sẽ là vợ là chồng, là cha là mẹ, nhất định chúng sẽ nghiệm ra và sẽ hiểu. Người đàn bà bứt phá giống như người tù đào tẩu, dư luận, buộc tội, dư luận truy lùng và con cái lãnh đủ. Sao không nài nỉ, sao không khóc lóc, sao không khiến mẹ mủi lòng? Họ không ngờ chính họ mới làm cho những đứa con của “đương sự” tổn thương sâu sắc. Nhưng thiên hạ muôn đời, ném đá và phủi tay, chuyện ai nấy lo, hết!

Sau những oi ngột lửa hè, cuối cùng người đàn bà cũng đã nghe thấy hơi thu. Thu tuổi tác, thu tâm tình, thu nhịp điệu. Một giai đoạn chín vàng ngan ngát. Có đi thì mới có đến, mình không dám cất bước thì ai sẽ đẩy giúp đây? Những người đàn ông đủ màu sắc. Nhưng chỉ có một người duy nhất trong số đó sẽ cho người phụ nữ biết anh yêu em hơn hết thảy. Tiền định, may mắn và chắc chắn, có sự gặp gỡ của thiện lành.

Thu là mùa đẹp nhất của thế gian. Khắp nơi. Đời người sang thu cũng không khác. Không sao tả xiết. Và mùa thu không ngắn như ta nghĩ. Thu đằm thắm, nấn ná, không thôi. Tuổi xuống dốc của đời người, cũng như của mọi cuộc hôn nhân muộn màng được ví như mùa đông. Mọi đôi dù lẫy lững hạnh phúc thì cũng đông tàn và hoa rữa.

Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm? Nhiều người chép miệng sao không cố gắng chịu đựng, rồi cũng già cả như mọi đôi già cả ở trên đời, trở tính trở nết bệnh tật băng hăng bó hó? Một cách nghĩ thông thường lấy phương châm cam chịu muôn đời làm lẽ sống. Hoặc đã từng sợ hãi mà không dám sống, hoặc thuần túy sợ phải phân chia không phải là con cái mà là tài sản. Đúng, ai rồi cũng sẽ già và sẽ chết. Rất nhiều hoài nghi không có tình yêu đích thực trên đời này nữa. Không, mọi thứ đích thực đều bất diệt, có điều ta không nhận thấy đó thôi.

Thu đang vàng, thu đang hiện hữu và vẫn có những người muốn ngân nga: Tình ta như hàng cây đã yên mùa bão gió. Tình ta như dòng sông đã xa ngày nước lũ. Chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại. Chỉ còn anh và em.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm