| Hotline: 0983.970.780

Thủ lĩnh người Mông ở Kỳ Sơn

Thứ Ba 26/01/2010 , 10:28 (GMT+7)

Có người gọi ông là thủ lĩnh người Mông, người khác lại gọi là "vua đánh phỉ"... Mỗi câu chuyện về Vừ Công Pao là cả một giai thoại.

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) được xem là thủ phủ của người Mông ở đại ngàn Trường Sơn. Suốt những ngày lang thang nơi đây, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về Vừ Chông Pao (nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn). Có người gọi ông là thủ lĩnh người Mông, người khác lại gọi là "vua đánh phỉ"... Mỗi câu chuyện về ông là cả một giai thoại.

Vua tiễu phỉ

80 tuổi, cuộc đời Vừ Chông Pao có hơn 60 năm đánh phỉ

Đến thị trấn Mường Xén hỏi ông Vừ Chông Pao, từ cán bộ huyện đến mấy bà hàng nước đều à lên rồi gọn lỏn: Vua tiễu phỉ.

Học Bác Hồ về đánh phỉ

Anh xe ôm đưa tôi vào nhà già Pao tại Tà Cả (thị trấn Mường Xén) dù tuổi chắc chỉ độ 20 nhưng vẫn thao thao kể về những chiến công trừ phỉ của già Pao ra chừng hiểu biết và thân thiết lắm. Tôi đã nhầm khi nghĩ rằng chẳng khó khăn gì để gặp một người đã ngoài 80 tuổi bởi khi đến ông còn bận đi vận động bà con an cư tận Nà Ngoi. Đợi đến lúc trời tối mịt ông mới về đến nhà, biết có khách nên dù rét căm căm già Pao vẫn xin phép… đi tắm.

Bước qua tuổi 80, già Pao vẫn mang dáng dấp của một "người con núi rừng". Tướng tá hộ pháp, giọng nói âm vang và trí nhớ vanh vách khi kể những tháng ngày luồn rừng đánh phỉ. Ông mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự: "Tôi đánh phỉ gần trọn đời người".

Trong ký ức già Pao, những năm 1960, Kỳ Sơn là thủ phủ của bọn phỉ lộng hành. Những bản như Hồi Liên, Hồi Phừng, Pua Pú, Hồi Giảng… gần như theo thổ phỉ hết. Ngay cả Chủ tịch UBND xã Na Ngoi lúc đó là Sùng Pàng Dinh cũng bị lừa đi theo chống lại cách mạng. Chúng cho treo rất nhiều vải ở trong rừng, sau đó loan tin rằng nếu dân bản cần may áo quần, chỉ cần Châu Phà (tên do bọn phỉ tự xưng, nghĩa là vua trời) hô một tiếng là vải vóc có đầy trong rừng. Nghe Châu Phà nói vậy, dân bản ngạc nhiên, kéo nhau vào rừng và thấy có rất nhiều vải nằm rải rác. Họ tin và xem Giàng Xây Xua (thủ lĩnh phỉ) là thánh sống. Chúng còn chở những thùng phuy dầu lớn vào trong khe suối, lừa người dân đó là do Châu Phà phù phép mà có, cứ lấy về thắp thoải mái.

Thấy bọn thổ phỉ đánh phá mạnh ở vùng biên giới Kỳ Sơn, tàn phá, cướp bóc bản làng mình, Vừ Chông Pao không những không theo mà còn tụ họp bạn bè chống lại.

Ngày 2/9/1954, Vừ Chông Pao được ra Hà Nội để đón Bác Hồ về Thủ đô. Cho đến tận bây giờ ông vẫn hùi hụi tiếc vì khi được vào nghe Bác nói chuyện nhưng lại lõm bõm câu được câu mất do… chưa biết tiếng Kinh. Già Pao chỉ nhớ Bác kể chuyện bó đũa sẽ dễ dàng bị bẻ gãy nếu tách ra từng chiếc một và giải thích đó là bài học về đoàn kết các dân tộc. Đến năm 1963, ông Vừ Chông Pao tiếp tục được gặp Bác Hồ tại Hà Nội. Khi nghe Bác hỏi về tình hình chống phỉ ở Kỳ Sơn, già Pao dõng dạc: “Thưa Bác, ai theo giặc Châu Phà, cầm súng bắn lại nhân dân, bộ đội thì tuyên án tử hình. Cầm súng, chưa gây tội, chưa bắn bộ đội và nhân dân thì phạt cải tạo từ 1- 3 năm. Ai không cầm súng nhưng ủng hộ Châu Phà thì phạt cải tạo từ 6 tháng đến 1 năm”. Nghe đến đó Bác liền xua tay nói: “Muốn thắng được Châu Phà thì phải cảm hóa được đồng bào, làm cho họ biết cái tốt, cái xấu, nói cho họ thấy sai lầm, rõ được chân tướng của kẻ thù”.

Sau khi được nghe Bác Hồ giảng giải, Vừ Chông Pao như thoát khỏi đám sương mù. Từ Hà Nội trở về, nhiều đêm ông chong đèn thức trắng để nghĩ cách tiêu diệt Châu Phà.

Ngoài thất thập vẫn xung phong tiễu phỉ

Trong toán thuộc hạ đắc lực và thân tín của Giàng Xay Xua có Lỳ Vả Chinh là chồng của Vừ Y Lầu. Dù là chị họ và đang làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã nhưng vì không ngăn chồng theo giặc nên lâu nay ông Pao cắt tình và không qua lại. Thế nhưng để thực hiện được kế hoạch dân vận của mình, ông Pao đã quyết định nối lại tình cảm chị em. Ông đến nhà Vừ A Lầu bảo: “Lâu nay cái bụng tôi ghét chị là do chồng chị đi theo Châu Phà. Chị là cán bộ phụ nữ xã mà chị để chồng chị đánh giết người Mông chẳng còn ai cả. Chị phải vào rừng gọi chồng chị về thôi chứ không bộ đội đông lắm, có đến 600 quân. Chồng chị không chống lại được đâu". Nghe phải, Vừ Y Lầu tất tả vào rừng tìm chồng nhưng cả 2 lần đều bó tay vì Lỳ Vả Chinh rất ngoan cố. Lần thứ 3 vào gặp chồng, Vừ Y Lầu liền hỏi: “Mày bảo Châu Phà là vua trời, xuống giúp đỡ người Mông ta nhưng sao tao thấy Châu Phà toàn đốt bản, bắn dân, bắn cả bộ đội nữa. Mày mau về mà hưởng khoan hồng nếu không khi bộ đội tiến công vào thì lại bỏ xác trong rừng thôi”. Lỳ Vả Chinh nghe theo lời vợ bỏ rừng về hàng. Không những thế, Vả Chinh còn gọi thêm 58 tên phỉ khác về hàng theo. Giàng Xay Xua mất quân liền bỏ trốn.

Tưởng hết Giàng Xay Xua sẽ được yên, nhưng năm 1970, Kỳ Sơn lại “nóng như chảo lửa” với loạn phỉ. Vàng Pao là một tướng phỉ Lào tự xưng là vua Mèo và cho người đi tuyên truyền, vận động, ép buộc người Mông ở biên giới Việt - Lào phải đi theo. 

Cơm đùm cơm nắm, Vừ Chông Pao lại tất tả lội bộ đến các bản làng vận động đồng bào chống địch. Đi đến đâu ông cũng giải thích: “Chúng ta đều là đồng bào người Mông, là người Kỳ Sơn, Nghệ An và là người Việt Nam. Đất nước đang giàu mạnh mỗi ngày, cớ sao chúng ta lại chống phá đất nước?”. Rất nhiều già làng đã kêu gọi con em trong bản bỏ giặc trở về.

Khi Vàng Pao cho phi cơ thả 21 tên phỉ mang súng moóc-chê xuống biên giới Việt - Lào để tìm đường vào Pù Hồi Nhúc, chủ tịch xã Nậm Cắn, Hờ Tống Dê và 1 dân quân xã đã chạy bộ cả đêm gần 30 km về huyện báo cáo với ông Pao phối hợp cùng bộ đội và nhân dân Kỳ Sơn nổ súng truy kích. Bọn phỉ quăng hết súng đạn bỏ chạy. Tiếp đó, 11 tên phỉ được Vàng Pao cử từ huyện Mường Mộc sang thám thính tại xã Nà Ngoi. Vừ Chông Pao chỉ đạo bắt gọn toàn bộ toán phỉ ở một hang đá trên đỉnh Cao Pù Xay.

Quả thật, khi đã được đưa vào tận ngôi nhà của già Pao ở bản Tà Cạ tôi vẫn còn ngờ ngợ. Đó là một ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè. Những tài sản đáng giá nhất trong nhà già Pao đều là... đồ tặng. Chiếc tivi là của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, chiếc đồng hồ treo tường của UBMTTQ tỉnh Nghệ An...Thậm chí đến chiếc áo bông ông đang mặc ngày ngày đi vận động bà con an cư cũng là của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn mua cho.

Loạn phỉ tạm yên cho đến đầu năm 2000. Xay Phia, kẻ theo Vàng Pao trước đây lại nổi lên cùng các thế lực phản động chống phá. Chúng ngang nhiên tập kích vào nhà dân và trụ sở chính quyền để cướp lương thực, vũ khí. Không ít người dân và các chiến sỹ đã bị sát hại khi chống trả. Cả Kỳ Sơn hoang mang khi hai chiến sỹ Và Bá Giải, Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương và Và Tống Khư, Phó Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Nậm Cắn lần lượt hi sinh.

Chứng kiến những người dân và chiến sỹ bị sát hại nên dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn vâm vam như thời trai trẻ, nhưng Vừ Chông Pao vẫn làm đơn, quyết tiêu diệt hết những tàn dư của chúa phỉ Vàng Pao. Lại đến các bản làng, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, già Pao ngày đêm thuyết phục già làng trưởng bản kêu gọi con em chống lại bọn phỉ.

Mưa dầm thấm lâu, người dân đã hiểu ra và không tiếp viện cho bọn phỉ Xay Phia nữa. Mất chỗ dựa từ dân, lũ phỉ tan rã dần và cuối cùng chỉ còn lại bảy tên và bị lọt vào ổ phục kích của bộ đội ta trong một lần mò ra cướp lương thực của dân. Một tên bị tiêu diệt, 6 tên bị bắt sống, 3 súng AK và 17 viên đạn bị thu giữ. Nhưng cũng phải đến đầu năm 2008 cuộc chiến đấu với thổ phỉ kéo dài hơn 60 năm của "thủ lĩnh đại ngàn" Vừ Chông Pao và đồng bào Mông ở Kỳ Sơn mới kết thúc.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất