| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 05/09/2020 , 06:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:35 - 05/09/2020

Thu mềm

Bắt đầu những ngày bồn chồn kỳ lạ. Đứng bứt rứt ở khoảnh sân nhỏ. Chậu cúc tứ quý trồng chơi mà sống thật, sống đầy.

Những nhánh cúc chen chúc trong chậu hẹp, những nhánh ở vòng rìa đành lách ra một chút. Rồi vươn lên theo chị theo em, thành một mâm cúc phồn thực hết biết. Mùa thu, mùa thu vào hoa cúc, chữ “vào” tài tình của Xuân Quỳnh.

Đi em. Chăn màn để vài hôm nữa hãy hong cũng được, đi đã! Nắng đang ruộm, vài hôm nữa có thể nắng đã ít vàng, se lạnh rồi.

Tuần này nắng còn tươi, cần ở nhà đưa các thứ đồ ấm ra hong anh ơi. Cả hai cùng làm, một mình em ôm không nổi đâu nhé, chăn bông nặng thế cơ mà. Không, để sau, hôm nay phải đi, nhất định phải đi, anh đã nghe thấy cái mùi ấy, phải, chính cái mùi ấy trong màu nắng này. Đường trong làng hoa dại với mùi rơm.

Mới hồi trước đây đi bộ cũng gặp làng. Vào Triều Khúc đã gặp ao gặp giếng, gặp mùa, lúa mới đưa về, thóc mới trên sân, những gương mặt nhà nông hồ hởi mới. Giờ, cánh đồng thành đường vành đai, những dự án nhà chung cư với những cái tên có lẽ dân Triều Khúc cố cựu không phát âm được.

Trước đây đường bê tông mơ hồ, xe máy đi chệch một chút là hoa dại và mép ruộng. Giờ đường thênh thang đi dưới cầu vượt, tim đường chạy thẳng vào khu dự án, làng lấp ló phía xa trong cảnh chèn ép ngày một khoa trương. Thôi, ta đi lên Hòa Lạc, rẽ sâu vào, đến khi xa hẳn cao tốc và các thứ.

Đi hú họa. Không bản đồ không xác định. Bờ xôi ruộng mật đâu cả rồi? Toàn các khu công nghiệp và những gì gì nữa xí phần bằng những hàng rào bằng tôn.

Rồi cũng có chỗ rẽ, rồi cũng còn một vệt đường bê tông đã xưa lồ gồ. Rồi cũng đã thấy mùa vàng, những chiếc xe đạp toàn phụ nữ chở lúa về làng.

Đàn ông đâu hết? Không có câu trả lời. Không còn cảnh lúa phải gánh. Nhưng bao giờ thì thu hoạch bằng máy gặt đập như trong Nam? Không, muốn vậy đồng phải lớn, ruộng không bờ, phải có những ông chủ điền có ô tô đậu trước cửa nhà.

Trong Nam hình như có rồi, đúng không? Trong Nam á, chuyện ngày xưa, ngày nay chủ điền đã sẵn chờ, chỉ cần có chính sách điền địa khác, có ngay! Anh chỉ tiếc khi ấy đường làng không còn rơm rạ trải.

Làm sao gặp lại người con gái ấy? Mà hồi đó cái làng nào nhỉ, đi nhiều quá, không nhớ nữa? Bên kia sông Đuống hay Hòa Lạc bên này, hay chính Triều Khúc cũng nên? Em có để ý cô gái ấy à? Vâng, có những người phụ nữ tự dưng khiến đàn ông đàn bà gì cũng ngoái nhìn.

Hôm ấy cô gái đang đi ngược chiều, cho thấy một cái dáng mảnh rất gợi cảm. Cô nói vói lại gì đó với cô bạn ở bên giếng phía sau, tay cô cầm đòn gánh và chắc là đang săm sắn ra hướng cánh đồng. Chúng ta giật mình vì tiếng người sao mà trong.

Dừng lại chờ cô ấy lướt qua, đã chiều, tóc trần, kẹp qua loa, gương mặt đúng là chủ nhân của một giọng nói ấn tượng. Gái châu thổ dong dỏng, ngày mùa da dẻ che kỹ, khi vô tình để lộ ra, trắng ngần. Quần và áo bà ba vải mịn màu chàm, vồng ngực thanh xuân khiến không thể rời mắt. Chim bồ câu ở khắp nơi, ăn lúa rơi lúa vãi, ăn và gù.

Thanh bình đâu chỉ là màu xanh, nó vàng ruộm, an yên không tả nổi. Lá bàng trở vàng, lúa đang được gánh về vàng hươm. Và những bụi hoa gì đó li ti, cũng vàng nốt trong hoàng hôn nấn ná như bếp lửa ở chân trời..

Có một người con gái

Gặp tôi chiều hôm qua

Đường làng rơm rạ trải

Hôm qua tóc còn xanh

Mà sáng nay trắng toát

Đừng quên tiếng chim gù

Đừng quên tiếng chim gù (*)

Phải vài lần đi như vậy chân mới chịu yên. Nhưng thu cứ vàng như thế mỗi ngày, rất nhiều ngày nữa, trong chậu cúc, trong nải chuối và những quả hồng của một bà mẹ ngồi bán bên vệ đường “hàng nhà của Già đấy, mua đi em!” Rồi nắng cũng nhạt, bắt đầu có màu sáng xám của hơi đông. Các thứ cho mùa lạnh đã phơi phóng xong, đã cất vào tủ để giữ lại mùi nắng.

Đi em, Bờ Hồ những ngày hanh se này đặc biệt có hồn. Trang điểm kỹ, quần áo trịnh trọng, đi. Xe máy thong thả một vòng, mặt hồ lao xao, một vòng nữa nhé. Chọn một ghế đá bất kỳ bên gốc cây thâm nghiêm như mọi gốc cây ở đây đều thâm nghiêm. Ngồi lặng. Không cần nói gì. Giá trị của lặng im. Tiễn thu bằng những lời không nói.

Năm nào cũng như năm nào.

(*) Bài thơ "Không đề" của nhà văn Nguyễn Quang Thân viết năm 1986.

Bình luận mới nhất