Thời gian gần đây, tại xã vùng sâu Kon Pne (Kbang, Gia Lai), vùng giáp ranh giữa các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai, rộ lên phong trào "tận thu" rễ cây T'rưng, một loại cây "lạ" để bán cho thương lái. Mỗi ngày vào rừng, một người có thể kiếm được từ một đến vài trăm nghìn đồng. Tham gia "đội quân" đào rễ cây chủ yếu là đồng bào Ba Na, trong đó có không ít trẻ em đang độ tuổi đến trường.
Thời điểm đầu tháng 5, chúng tôi có dịp đến xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai). Thường ngày, vùng "ốc đảo" xa lắc lư này rất yên ả và vắng lặng. Nhưng những ngày này, không khí nhộn nhịp khác thường, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người lớn và trẻ em mang gùi trên lưng, hối hả vào rừng. Bà Đinh H'Liêu, một người dân sống ở trung tâm xã cho biết, gần 5 tháng qua có nhiều thương lái tìm đến các làng hỏi mua rễ cây T'rưng (tên do đồng bào địa phương tự đặt) với giá khá cao, nên nhiều gia đình đã bỏ nương rẫy, trẻ em bỏ học theo cha mẹ lên rừng đào rễ cây.
Người lớn, trẻ em ở xã Kon Pne "tận thu" rễ cây T'rưng để bán cho tư thương
Oằn lưng gánh một gùi đầy rễ cây, dáng vẻ đầy mệt mỏi sau một ngày lăn lộn trên rừng, em Đinh H'loih, học sinh lớp 6, có nhà tại xã Kon Pne, không giấu được niềm vui: "Chừng này bán cũng được hơn trăm nghìn đấy, bằng công làm mướn một ngày của gia đình cháu. Thường thì cháu chỉ tranh thủ những ngày nghỉ theo cha mẹ vào rừng. Nhưng mấy hôm nay thấy nhiều đứa bạn nghỉ học đi đào rễ, cháu cũng nghỉ. Kiếm được tiền phụ giúp gia đình, cháu vui lắm".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi hái được rễ cây, bà con đem về bán cho thương lái tại chỗ. Rễ cây tươi được thu mua với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, phơi khô thì có giá đến 10.000 - 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày vào rừng, một gia đình kiếm được từ vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng, nếu may mắn. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với người dân ở vùng "ốc đảo" đất đai khô cằn, đầy sỏi đá. Mặc dù ồ ạt vào rừng đào bới, ngay cả đứa trẻ lên ba có thể nhận biết được đâu là rễ cây T'rưng, đâu là các loại cây khác, nhưng khi hỏi đến công dụng của loại rễ cây này thì không một người nào biết. Ông H'Lúc, một trong những người đi tiên phong đào rễ trong những ngày đầu tiên cho biết: "Cách đây không lâu có mấy người đàn ông lạ đến làng, đưa cho chúng tôi một nhúm rễ cây và bảo chúng tôi vào rừng tìm, họ sẽ thu mua với giá cao. Chúng tôi hỏi mua để làm gì thì họ bảo để làm nhang, làm thuốc. Thấy kiếm được tiền là chúng tôi làm thôi, chứ thực sự từ bao đời nay cây T'rưng mọc đầy trong rừng, có ai biết là cây gì đâu.". Cũng theo lời ông kể thì cây này thuộc giống cây leo, mọc ở khu ẩm ướt trong rừng sâu, lá bằng 3 ngón tay, có trái màu xanh ăn chua chua, khi chín trái màu đỏ và có vị ngọt.
Tại đại lý thu mua rễ T’rưng nằm ở thôn 2, xã Kon Pne (Kbang), điểm thu mua chính do ông Trương Thế Mỹ làm chủ có hàng chục người đứng ngồi chờ đến lượt mình cân rễ bán. Bình quân một ngày đại lý này thu mua được vài tạ rễ T'rưng tươi. Ông Trương Thế Mỹ cho biết: “Tôi thu mua ở đây đã được mấy tháng rồi. Do số lượng rễ T'rưng trong rừng có hạn nên thời gian gần đây thu mua không được nhiều như trước. Rễ T'rưng tươi sau khi thu mua, tôi chặt thành khúc ngắn rồi phơi khô, đóng bao và chờ đầu mối tới chở hàng. Cứ vài ngày người ta đến gom một lần rồi chở xuống Bình Định. Nghe đâu người ta mua để làm thuốc hay làm nhang gì đó không rõ, còn sự thật như thế nào thì tôi cũng chịu”.
Ông Đinh Liunh, Chủ tịch UBND xã Kon Pne, huyện Kbang (Gia Lai) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã quả thật có thương lái đến mua rễ cây lạ, nhưng thật sự tôi cũng không biết đó là loài cây gì, và công dụng của nó như thế nào. Tuy nhiên để bảo đảm tính minh bạch trong thông thương hàng hóa, chúng tôi sẽ kiểm tra gắt gao hơn trong vấn đề này”. |
Việc thương lái thu mua gốc, rễ hồ tiêu ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chưa lắng xuống thì nay lại rộ lên phong trào "tận thu" rễ cây T'rưng. Thực hư công dụng của loại cây này thế nào chưa rõ, mục đích của việc thu mua để làm gì. Nhưng việc người dân bỏ nương rẫy, phá rừng đào bới rễ cây khiến cho các nguồn lâm sản phụ quý hiếm dưới tán rừng cạn kiệt, là điều mà chính quyền các cấp huyện Kbang cần phải giám sát chặt chẽ và có biện pháp ngăn chặn.
Theo ông Văn Phú Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai), chuyện thu mua các loại lá, rễ thời gian qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai là không bình thường. Đối với cây T'rưng, bản thân ông cũng chưa bao giờ nghe, thấy. Hơn ai hết, UBND các huyện, thị cần nêu cao cảnh giác, vận động, tuyên truyền nhân dân trên địa bàn không nên nghe lời tư thương, cần "nói không" với phương thức "tận thu" nông, lâm sản có giá trị cao.