| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội gần 2.000 USD

Thứ Năm 25/11/2010 , 09:51 (GMT+7)

Năm 2010 tăng trường GDP của thủ đô ước đạt 11%, thu nhập bình quân đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.900 USD).

Năm 2010 tăng trường GDP của thủ đô ước đạt 11%, thu nhập bình quân đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.900 USD). Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhận xét mức tăng trưởng cao song chưa bền vững.

Sáng 24/11, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 15 lần 2 đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và đặt mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2011.

Theo đó, kinh tế thủ đô năm 2010 đã phục hồi và tăng trưởng khá, tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra và gấp 1,64 lần mức tăng chung của cả nước. Với kết quả này, mức tăng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 10,7%. Năm nay, tăng trường GDP của thủ đô ước đạt 11%, thu nhập bình quân đạt khoảng 37 triệu đồng (tương đương 1.900 USD). Thành phố đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới đạt 12-13%.

Ông Lê Văn Hoạt, Bí thư huyện Mê Linh, nhìn nhận năm nay Hà Nội đạt tăng trưởng cao có thể do năm trước Hà Nội khá thấp, chỉ là 7%. Ngoài ra, năm nay có nhiều hoạt động trong dịp kỷ niệm đại lễ nên thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao. Do vậy, năm sau kế hoạch tăng trưởng cần cân nhắc kỹ bởi khó đạt được mức 12-13%.

"Chúng ta cần cân nhắc thêm chỉ tiêu tăng trưởng, lưu ý tốc độ bền vững bởi tăng trưởng cao sẽ không bền vững, như ở huyện Mê Linh đã đặt chỉ tiêu cao song lại băn khoăn về nguồn lực thực hiện", ông Hoạt nói.

Ngành quy hoạch kiến trúc bị nhiều địa phương phàn nàn về thủ tục hành chính

Một số lãnh đạo quận huyện đã phàn nàn về khâu cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu phát triển của thủ đô. Ông Lê Hồng Thăng, Bí thư quận Hà Đông, lấy dẫn chứng trên địa bàn có dự án bệnh viện trị giá 200 triệu USD đã được lãnh đạo thành phố cho phép khởi công, song chưa triển khai được do các ngành nói còn thiếu thủ tục về quy hoạch.

"Nhà đầu tư mò mẫm đi hết chỗ này chỗ kia để xin chỉ giới đường đỏ, sau đó lại vất vả với khâu giải phóng mặt bằng. Nếu chúng ta làm tốt sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư. Như Hà Đông sau khi có quy hoạch chung đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng tốt đã thúc đẩy tốc độ phát triển của quận", ông Thăng nói.

Bí thư quận Hà Đông cho rằng, thủ tục đầu tư ách tắc là do các cán bộ sở ngành cố tình gây khó khăn cho chủ đầu tư và địa phương. "Không chỉ đạo được cấp dưới thì làm lãnh đạo làm gì? Chúng tôi đã có quy chế, nếu lãnh đạo không làm được nên xin nghỉ hoặc tổ chức phải yêu cầu nghỉ", ông Thăng thẳng thắn.

Ông Vũ Đức Bảo, Bí thư quận Long Biên, cho rằng năm 2011, khâu cải cách hành chính phải tốt hơn, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, các sở ban ngành phải kiểm soát thực hiện. "Thủ tục hành chính rườm rà, phiền toái là do chính các phòng ban cấp sở. Đừng đặt lợi ích cá nhân gây khó dễ cho địa phương", ông Bảo nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ lại cho rằng do các quận huyện không bố trí cán bộ hợp lý, thống kê có tới 60% người làm cải cách hành chính là lao động hợp đồng nên không thể tận tâm với công việc. Ngoài ra, trong một năm chỉ có 17 cuộc kiểm tra thì không thể rà soát hết mọi nơi mà trách nhiệm cải cách hành chính thuộc về lãnh đạo các quận huyện.

Giải trình vấn đề liên quan, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết phần lớn hồ sơ gửi đến Sở là xin điều chỉnh quy hoạch do vậy phải xin ý kiến của các cấp ngành khác, vì thế nhiều lúc không đảm bảo thời gian trả hồ sơ. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã thấy những bất cập và sẽ giải quyết.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ việc phân cấp cho quận huyện đưa đạt yêu cầu, phân cấp song địa phương vẫn phải đi xin, chưa tự chịu trách nhiệm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận phân cấp cho quận huyện còn rất bất cập. Như một tuyến phố thì ngành giao thông quản lý lòng đường, ngành xây dựng quản lý thoát nước, chiếu sáng, quận huyện quản lý vỉa hè. Các quận đã được phân cấp quản lý vỉa hè thì lại cấp phép cho bán hàng, đỗ xe bừa bộn, khi thành phố yêu xử lý thì ngành giao thông lại chỉ có thể xử lý ở lòng đường.

"Năm nay thành phố sẽ tăng cường phân cấp cho các quận, huyện, rà soát lại các lĩnh vực đã phân cấp vừa qua", ông Thảo nói.

Theo Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị, năm 2010 Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế tăng trưởng tốt, giải quyết được khối lượng công việc lớn và quan trọng của cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, phát triển vẫn chưa bền vững, cải cách hành chính so với trước có chuyển biến đáng kể. Nhiều thủ tục trong bộ máy cần cải cách, phân cấp mạnh hơn nữa.

Ông Nghị nhấn mạnh trọng tâm trong năm tới là đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội như giao thông, cấp thoát nước, ô nhiễm môi trường... và khắc phục những vi phạm trong quản lý. Cho rằng hiện nay có những vi phạm chính từ cơ quan nhà nước, ông Nghị dẫn chứng vụ nhà sai phép ở phố Phan Đình Phùng. Tòa nhà 11 tầng này đã được chính quyền cấp phép vượt 2 tầng so với quy định, sau đó chủ nhà tiếp tục xây cao thêm 2 tầng sai phép.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm