| Hotline: 0983.970.780

Thủ phạm gây ô nhiễm nuôi tôm: Độc tố

Thứ Tư 28/12/2011 , 16:08 (GMT+7)

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây tôm chết hàng loạt trong vụ nuôi tôm vừa qua ở Sóc Trăng và một số vùng ven biển tại Bạc Liêu là do độc tố còn lưu tồn trong môi trường nuôi.

* Sử dụng thuốc BVTV trong nuôi tôm đã phổ biến!

Vùng nuôi tôm Sóc Trăng
Sáng ngày 27/12, tại tỉnh Sóc Trăng, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN-PTNT và các Sở, ngành có liên quan về việc kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do dư lượng thuốc BVTV ở những vùng nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng.

Đây là lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 6 tháng cuối năm 2011, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng các nhà chuyên môn từ các Viện nghiên cứu thủy sản đi về như con thoi khảo sát tình hình, tìm nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên vùng nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đặc biệt đây là chuyến đi hết sức có ý nghĩa trong lúc người dân nuôi tôm tại Sóc Trăng – nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước đang sốt sắng chuẩn bị thả giống vào vụ tôm mới.

Trước khi đoàn và các chuyên gia bắt tay khảo khát kiểm tra, chọn điểm lấy mẫu đất nước, trao đổi phỏng vấn với các hộ nuôi tôm tìm và đánh giá nguyên nhân thiệt hại được chính xác, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh và các đơn vị có liên quan cung cấp thêm các thông tin về quan trắc môi trường vùng nuôi, về kết quả điều tra dịch tễ học, quản lý thuốc thú y, hóa chất phục vụ nghề nuôi thủy sản, cũng như mức độ sử dụng của các vùng nuôi.

GS.TS khoa học Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Chuyến đi lần này không gì khác là tìm câu trả lời “vì sao tôm chết”? Ngoài những nguyên nhân xác định ban đầu còn có những nguyên nhân nào khác, chứ không bó hẹp trong phạm vi hoạt chất có chứa Cypermethrin dùng làm thuốc BVTV, nhưng một số người đã dùng chúng để diệt giáp xác trong các ao nuôi thủy sản”.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây tôm chết hàng loạt trong vụ nuôi tôm vừa qua ở Sóc Trăng và một số vùng ven biển tại Bạc Liêu là do độc tố còn lưu tồn trong môi trường nuôi. Việc tích lũy độc tố trong môi trường nuôi là do hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, nhất là ở vùng nuôi thâm canh; công tác quản lý môi trường vùng nuôi chưa tốt; người nuôi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật; việc sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học để cải tạo ao chưa đúng quy trình…

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết thêm: “Vụ nuôi vừa qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chất lượng con giống kém và nhất là môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều năm qua, tình trạng sử dụng các loại nông dược, thuốc trừ sâu diệt giáp xác, cải tạo ao như Trifluralin, Cypermethrin… gây nên dịch bệnh gan tụy làm tôm chết hàng loạt”. Để chuẩn bị cho mùa vụ mới, vừa qua Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã khuyến cáo nông dân nuôi tôm thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo kết quả điều tra dịch tễ học của Chi cục Thú y Sóc Trăng, trong số 6.000 phiếu điều tra thì có đến 22% trong số này cho biết có sử dụng hóa chất BVTV. Trước thực trạng đáng lo này, ông Quách Văn Tây - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng nhận xét: “Trước khi có Cypermethrin đã có một số gốc thuốc BVTV khác được người nuôi tôm sử dụng trong thời gian khá dài. Khoảng 3 năm gần đây do giá Chlorin khá cao nên người nuôi có xu hướng sử dụng những loại thuốc rẻ tiền để diệt giáp xác. Do đó độc tố lưu tồn ngày càng cao”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, để tìm đúng nguyên nhân cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn. Các thông tin mà Sóc Trăng cung cấp sẽ rất bổ ích cho việc chọn hướng nghiên cứu tiếp theo. Do đó, trong chuyến công tác lần này, đoàn sẽ tập trung lấy mẫu nước, bùn trên các con sông chính, các tuyến kênh cấp nước tại các vùng nuôi tôm, tiến hành phỏng vấn hộ nuôi… Sau khi phân tích mẫu, đối chiếu, so sánh sẽ có những khuyến cáo hoặc kết luận cụ thể.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Sóc Trăng cho rằng, thực tế số hộ sử dụng hóa chất có Cypermethrin và thuốc BVTV cao hơn nhiều so với con số khảo sát. Thậm chí, một số ao bị bệnh, người nuôi tiếp tục sử dụng các hóa chất này để tiêu hủy, nên việc tích tụ độc tố là khó tránh khỏi. Và một vấn đề phơi bày đáng lo khi ông Ngô Minh Trạng - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng nói: “Tại địa bàn huyện Vĩnh Châu, nhiều cửa hàng bán thuốc BVTV trong vụ tôm thậm chí còn nhiều hơn cả vụ lúa, hay vụ màu. Điều này cho thấy, việc sử dụng thuốc BVTV là khá phổ biến”.

TS Phạm Ngọc Cảnh, Viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự đưa ra 4 nhóm nguyên nhân chính gồm: “Nhóm hóa chất Cypermethrin, nhóm bệnh lạ chưa xác định, nhóm yếu tố thời tiết và nhóm chủ quan người nuôi". TS Cảnh phân tích: “Cả 4 nhóm nguyên nhân này đều có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng vấn đề chính cần quan tâm ở đây là nhóm hóa chất và yếu tố chủ quan của người nuôi. Đối với nhóm hóa chất, việc xử lý không khó vì có thể sử dụng nhiệt (phơi đất) hay vi sinh để phân giải. Tuy nhiên, cần phải ngăn chặn nguy cơ này ngay từ đầu kể cả trong trồng trọt để giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường. Việc xuất hiện bệnh lạ cũng có thể do môi trường sinh thái bị đảo lộn do tác động của hóa chất sử dụng nuôi tôm”.

TS Đỗ Ngọc Lanh, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga lập luận: Liệu có một ổ dịch ngay trong vùng nuôi tôm chưa được xác định hay không? Vì nếu là hóa chất tại sao lại có hiện tượng chết hàng loạt chỉ trong thời gian ngắn. TS Lanh giải thích: "Do tác động của việc sử dụng hóa chất trong thời gian dài, có thể một số chủng vi sinh truyền thống đã bị biến chủng thành loại độc hại mà chúng ta chưa tìm ra. Vì vậy, quá trình tìm hiểu nguyên nhân, không nên quá định kiến với Cypermethrin mà bỏ qua các nguyên nhân khác”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm