| Hotline: 0983.970.780

Thủ phạm giấu mặt gây hạn hán và lũ quét?

Thứ Ba 10/07/2018 , 16:01 (GMT+7)

Thủ phạm gây ra hạn hán, lũ ống, lũ quét ở khắp mọi nơi khiến bao cánh đồng bị ngập lụt, hạn hán mất mùa, hàng ngàn hộ dân bị mất nhà cửa, chết người, cầu cống và đường giao thông bị tàn phá… là ai?

Một câu trả lời nhẹ bỗng: Do biến đổi khí hậu và tàn phá rừng. Tuy nhiên, có một thủ phạm giấu mặt đó chính là: Thủy điện.

11-00-04_t1
Cánh đồng bản Hát (Trạm Tấu) bị tàn phá sau lũ

Trận lũ kinh hoàng xảy ra ngày 11/10/2017 quét qua 4 huyện, thị: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và TX. Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái, đã làm 28 người chết và mất tích, 9 người bị thương; 1.976 ngôi nhà bị trôi, buộc phải di dời; 227,7 ha ruộng bị sạt lở, vùi lấp; 694,5 ha hoa màu bị vùi lấp; 140 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 64 công trình giao thông bị sat lở… Tổng giá trị thiệt hại 973,552 tỷ đồng.

Đây là trận lũ lịch sử do mưa quá lớn kéo dài 3 ngày liền, tổng lượng mưa đo được tại huyện Trạm Tấu là 210,6mm. Đây là nơi đầu nguồn của các con suối: Nậm Đông, Nặm Hát, Nặm Lừu và suối Thia lại diễn ra trên phạm vi hẹp, địa hình núi cao dốc dựng, đó chính là nguyên nhân chính khiến lũ đổ về ồ ạt không ai ngờ tới. Nhưng có một nguyên nhân nữa là do các nhà máy thủy điện trên các dòng suối đồng loạt xả lũ để tránh vỡ đập, khiến lũ chồng lũ tạo ra sự tàn phá khủng khiếp cả trăm năm chưa hề thấy.

11-00-04_t4
Dòng suối Thia đang bị sa mạc hóa do thủy điện

Suối Nặm Hát và Nặm Lừu cùng nằm trên xã Hát Lừu, giống như cánh cung chảy từ hai phía cánh rừng trước khi đổ xuống dòng Thia chảy xuống cánh đồng Mường Lò thuộc huyện Văn Chấn và TX. Nghĩa Lộ. Lưu vực của hai dòng suối này là những cánh rừng xanh tốt, PV Báo NNVN đã đặt chân tới thượng nguồn dòng suối Nặm Hát, rừng ở đây được bảo vệ tốt, nhiều cây rừng to 2 - 3 người ôm mới kín gốc. Cánh đồng Bản Hát được người dân khai phá mấy trăm năm nay đẹp như tranh, sau trận lũ rạng sáng 11/10/2017 cánh đồng gần như bị san phẳng.

Ông Lò Văn Chiến- Chủ tịch xã Hát Lừu cho biết: Xã có 39 ngôi nhà bị sập đổ và buộc phải di dời, 39 ha ruộng bị vùi lấp, trong đó có 15 ha trở thành lòng suối không thể khắc phục được, 50 hộ do mất ruộng nên thiếu đất sản xuất cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn trong tương lai…

Tìm hiểu nguyên nhân bản Hát bị trận lũ tàn phá nặng nề còn bản Lừu không bị ảnh hưởng mấy. Nguyên do, bản Hát có nhà máy thủy điện Hát Lừu đặt ở cuối xã Xà Hồ, khi có lũ lớn thủy điện sợ vỡ đập đã xả lũ. Cả chục ngàn mét khối nước tích trữ trong hồ chứa xả tự do, ồ ạt xuống suối, gây ra tình trạng lũ chồng lũ. Trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại bản Hát là như vậy khiến cho cánh đồng bản Hát bị tàn phá nặng nề.

11-00-04_t5
Rừng đầu nguồn dòng suối Nặm Hát

Nhiều vị lãnh đạo của tỉnh Yên Bái cho rằng các thủy điện vừa và nhỏ nằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có chức năng điều tiết lũ. Nhưng có một câu hỏi đặt ra: Cả ngàn năm qua, nhiều trận lũ lớn xảy ra cánh đồng bản Hát vẫn bình thường, chỉ khi có thủy điện Hát Lừu thì cánh đồng bản Hát bị tàn phá tan hoang, vậy có phải thủy điện đã gây ra?

Trên dòng suối Thia có nhiều bậc thang thủy điện: Noong Phai, Trạm Tấu, Hát Lừu, Pá Hu… khi có lũ lớn các thủy điện này đồng loạt xả lũ dòng suối lại hẹp, dốc đã tạo ra lũ ống phóng thẳng xuống cánh đồng Mường Lò khiến hàng trăm ha ruộng bị tàn phá. Trận lũ ngày 11/10/2017 các thủy điện Noong Phai, Trạm Tấu, Pá Hu chưa tích nước, nhưng chỉ thủy điện Hát Lừu xả lũ đã gây ra thảm cảnh kinh hoàng khiến cầu Thia bị sập đổ, 56 ha ruộng của huyện Văn Chấn bị xóa sổ. Trong tương lai, nếu có một trận mưa tương đương trận mưa giữa tháng 10/2017 khi các nhà máy thủy điện trên dòng Thia, Nậm Đông, suối Xuân, Nậm Tộc, Năng Phai… đồng loạt xả lũ thì cánh đồng Mường Lò với hơn 2.000 ha ruộng có bị xóa sổ?

Thủy điện Noong Phai
Thủy điện Trạm Tấu

Vụ xuân 2018 hơn 800 ha ruộng TX. Nghĩa Lộ và Văn Chấn bị hạn hán nghiêm trọng, thủ phạm chính gây ra hạn hán là thủy điện Noong Phai. Theo quyết định 1485/QĐ/UBND ngày 25/7/2016 của UBND tỉnh Yên Bái, nhà máy thủy điện Noong Phai phải duy trì dòng chảy tối thiểu 1,25m3/s để người dân lấy nước cày cấy. Nhưng thực tế nhà máy chỉ phát điện 5 giờ/ngày trong thời gian cao điểm, dẫn tới diện tích thiếu nước hơn 50 ha, xã Nghĩa Lợi có 4 ha phải chuyển đổi sang trồng hoa màu.

Tỉnh Yên Bái phải thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc xả thải của nhà máy thủy điện Noong Phai, lập biên bản yêu cầu nhà máy duy trì dòng chảy tối thiểu để người dân có nước SX. Tuy nhiên phải rất nhiều sức ép nhà máy mới xả nước theo quy định.

Như vậy, người ta có thể hình dung ra thủ phạm giấu mặt gây ra lũ ống, lũ quét và hạn hán cho người dân sống dọc các con sông con suối có thủy điện không ai khác chính là thủy điện.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất