| Hotline: 0983.970.780

Thu phí dịch vụ môi trường rừng

Thứ Sáu 24/02/2012 , 09:02 (GMT+7)

* Để mất rừng, mất kinh doanh

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người cho rằng, từ nguồn phí này sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

Bà Trần Thị Thu Hằng, PGĐ Sở NN- PTNT Kiên Giang cho biết: Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR sẽ là cơ hội để các chủ rừng, cộng đồng dân cư thực hiện tốt công tác xã hội hóa nghề rừng, nâng cao đời sống của người dân, tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Theo bà Hằng, mặc dù diện tích rừng của Kiên Giang đều đã có chủ (nhà nước quản lý hoặc giao khoán cho dân) nhưng thực tế các đơn vị quản lý rừng vẫn chưa ngăn nổi các hành vi phá hoại rừng. Nguyên nhân là các đơn vị quản lý rừng hạn chế về quyền hạn, vừa yếu vừa thiếu về nhân lực cũng như kinh phí hoạt động nên một số nơi chưa quản lý bảo vệ tốt lâm phần được giao.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các VQG, Ban quản lý rừng đã có nhiều cố gắng để ổn định, nâng cao cuộc sống người dân ở vùng có rừng, tuy nhiên thu nhập của người làm nghề rừng vẫn còn rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng…

Ông Đoàn Văn Thanh, Giám đốc BQL rừng Hòn Đất- Kiên Hà cho biết, trong diện tích rừng do đơn vị quản lý hiện có nhiều đơn vị SXKD đang hưởng lợi từ môi trường rừng- phải trả phí dịch vụ như nhà máy nước Hòn Chông, Hà Tiên.... Một số Cty kinh doanh dịch vụ du lịch trong diện tích có rừng như Cty Hải Vân, Cty Hoa Biển, Cty Mũi Nai… Theo ông Thanh, nếu thu được phí dịch vụ từ những đơn vị này thì nhà nước sẽ có thêm khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn.

Về phía các đơn vị được hưởng lợi từ DVMTR cũng rất đồng tình với chủ trương thu phí này. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Cty CP Dịch vụ du lịch Mũi Nai (TX Hà Tiên) cho biết: Trong dự án của Cty hiện có 7 ha đất rừng, đang được Cty đầu tư khai thác du lịch. Nếu phải đóng một khoản phí từ 1- 2% để các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn thì Cty sẵn sàng thực hiện. Vì mình làm du lịch sinh thái, mất rừng cũng đồng nghĩa mất môi trường kinh doanh. Làm sao mà tồn tại được.

Theo đề án Sở NN- PTNT Kiên Giang xây dựng thì mức chi trả DVMTR đối với các cơ sở SX, cung ứng nước sạch là 40 đ/m3. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ rừng mức chi trả bằng 1- 2% trên doanh thu.

Ngoài ra, các cơ sở SX công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước rừng; các dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; nơi cung cấp bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước rừng cho nuôi trồng thủy sản đều phải chi trả DVMTR. Với nguồn phí này, nhiều người tin rằng diện tích rừng sẽ được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hoàng Lương, một hộ nông dân ở ấp Xẻo Lá A, xã Tân Thạnh, huyện An Minh đang phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng cho biết: Trước đây vùng này được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản nên người dân thường chặt cây lấy mặt bằng để nuôi trồng. Khi mất rừng, hệ sinh thái bị xáo trộn, nuôi trồng cũng không hiệu quả. Sau khi được Nhà nước giao khoán đất rừng, hỗ trợ kinh phí người dân trồng rừng trở lại và được tận dụng 30% mương nước xung quanh để nuôi các loài thủy sản nước mặn.

Từ đó, đời sống người dân ổn định hơn. Nếu thu được phí DVMTR, người dân được hỗ trợ nhiều hơn thì việc trồng rừng sẽ hiệu quả hơn. Dọc theo tuyến ven biển các huyện An Biên, An Minh nhiều hộ dân được thả nuôi dưới tán rừng các loài thủy sản như tôm sú, cua biển, sò huyết...

Hiện nay, diện tích rừng của Kiên Giang là 92.320 ha, gồm rừng tràm ngập nước phân bố ở vùng đồng bằng trũng, đất phèn; rừng ngập mặn ven biển và rừng lá rộng ở các đồi, núi thấp, hải đảo… Hệ thống rừng này là nơi nuôi dưỡng và điều tiết nước cho các hồ chứa nước, các dòng suối, là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất