| Hotline: 0983.970.780

Thủ phủ mai cảnh An Nhơn đứng trước nỗi lo dùng thuốc BVTV tràn lan

Thứ Ba 18/09/2018 , 14:30 (GMT+7)

Mai là loại cây mẫn cảm với các loại sâu bệnh, trong quy trình chăm sóc mai, người trồng phun thuốc BVTV với mật độ rất dày. Thuốc BVTV “ngập ngụa” trong không khí, ngấm vào mạch nước ngầm, đe dọa sự sống của con người và gia súc.

Những năm gần đây, người chết do bệnh ung thư ở thủ phủ mai cảnh Nhơn An là hồi chuông cảnh báo.

Thủ phủ mai cảnh của thị xã An Nhơn (Bình Định) là xã Nhơn An, địa phương mỗi mùa tết thu về cả chục tỷ đồng từ tiền bán mai. Ở Nhơn An, người người trồng mai, nhà nhà trồng mai. Các khoảng sân, khoảnh vườn, những thửa ruộng gần khu dân cư đều ken dày những chậu mai. Mai càng nhiều thì tình trạng ô nhiễm thuốc BVTV càng lớn.
 

Loại cây “háo” thuốc trừ sâu

Theo chân ông Nguyễn Trí Dũng (64 tuổi), Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An (TX An Nhơn, Bình Định), chúng tôi dạo quanh các làng mai trên địa bàn xã. Trước mắt chúng tôi là những vườn mai, ruộng mai khoe lá xanh ngắt.

14-22-49_1
Mai là loại cây mẫn cảm với sâu bệnh, phải thường xuyên theo dõi để phun thuốc phòng

“Cây mai Nhơn An được người trồng tạo cành tạo dáng thật đẹp đã đành, thế nhưng muốn cây ra hoa vào dịp tết đúng hẹn, người trồng phải chăm sóc bộ lá thật tốt. Nếu lá mai bị sâu tấn công hoặc thân cây bị lâm bệnh thán thư hoặc nấm hồng mà không điều trị kịp thì kể như tết đó mất thu nhập, bởi mai sẽ mất sức không cho hoa kịp tết. Thời tiết trong tháng 9 này là thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, 2 bệnh thán thư và nấm hồng có điều kiện phát sinh càng dữ”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, cũng theo ông Dũng, mai là loại cây rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh nói trên. Ông Dũng minh họa: “Mai cũng như 1 loại cây trồng cạn là đậu nành, nếu từ 7 ngày đến 10 ngày mà không phun thuốc là lập tức bị sâu hại tấn công ngay, khổ nhất là bọ trĩ. Bọ trĩ là loài có cánh, phun thuốc trừ chúng ở vườn này thì chúng bay sang vườn khác, khó có thể diệt dứt điểm”.

Bà Đoàn Thị Hương ở thôn Háo Đức (xã Nhơn An), người đang trồng hơn 1.000 cây mai đủ lứa tuổi, trong đó có 200 chậu để trong khoảnh đất bên cạnh nhà, còn lại nằm ngoài ruộng, vừa vót cọc để cắm mai vừa trò chuyện với chúng tôi. Theo bà Hương, từ cây mai con đến khi có thể xuất bán được 300 – 400 ngàn đồng/chậu phải mất đến 4 năm trời khổ sở. Công tạo dáng uốn cành tưới nước bón phân cho chúng thì đã đành, khổ nhất là chăm sóc sao cho chúng không bị sâu bệnh hại để chúng luôn sung sức, sẵn sàng cho hoa đúng dịp tết.

14-22-49_2
Định kỳ từ 7 đến 10 ngày phải phun thuốc trừ sâu cho mai 1 lần

“Hễ mai có lá non là lập tức chúng bị sâu tấn công, bọ trĩ là nhiều nhất. Cây mai mà dính bọ trĩ là chúng bị quăn đọt quăn lá chết lao, chết cả chi lẫn cành. Nếu không điều trị kịp thời thì cây chết queo. Do vậy, định kỳ từ 7 đến 10 ngày là tui phải phun thuốc trừ sâu bọ 1 lần. Cứ 100 chậy mai, 1 lần phun 4 bình thuốc (16 lít/bình), chi phí từ 30 – 70 ngàn/bình tùy loại”, bà Hương nói.
 

Không khí ngập ngụa mùi thuốc độc hại

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, xã có gần 2.500 hộ dân thì có đến 2.000 hộ trồng mai, người trồng ít cũng vài ba trăm cây, người trồng nhiều đến vài ngàn cây. Địa phương có nhiều hộ trồng mai nhất là thôn Háo Đức. Về số lượng cây mai thì theo ông Dũng là “không thể đếm xuể”! Bởi, trước đây người ta chỉ trồng mai trong chậu nên có thể đếm, nhưng nay trong giai đoạn cây con họ trồng ngoài đất, 2 năm sau mới vào chậu nên không thể thống kê đầy đủ tổng số lượng mai trồng trên địa bàn.

Thử làm 1 phép tính: Tính bình quân mỗi hộ dân xã Nhơn An trồng 500 cây mai, như vậy, với 2.000 hộ trồng thì tại “thủ phủ mai” Nhơn An có đến 1 triệu chậu mai. Định kỳ từ 7 đến 10 ngày phun thuốc trừ sâu 1 lần, cứ 100 chậu phun 4 bình thuốc; nay vườn nhà này phun, mai vườn nhà kia phun, cứ thế xoay vòng thì chúng ta có thể hiểu là bầu không khí ở xã Nhơn An không lúc nào là không ngập ngụa mùi thuốc trừ sâu.

14-22-49_3
Chị Đoàn Thị Hương vừa vót cọc cắm mai vừa trò chuyện với PV

Đáng quan ngại là dù toàn dân xã Nhơn An đã được ngành chức năng tập huấn sử dụng thuốc trừ sâu nằm trong danh được Bộ NN-PTNT cho phép, thế nhưng đa số người trồng mai ở đây không tuân thủ. “Hầu hết họ sử dụng thuốc trừ sâu mua trôi nổi bên ngoài, giá rẻ, lại diệt sâu bọ nhanh nên rất khó quản lý. Họ vẫn biết sử dụng thuốc ngoài danh mục là độc hại, nhưng bởi suy nghĩ rẻ được đồng nào đỡ đồng đó nên họ vẫn dùng mà không màng đến sức khỏe”, ông Dũng bộc bạch.

Trước đây, thôn Trung Định là địa phương đầu tiên làm thí điểm làm mai sạch, sau đó nhân rộng ra toàn xã Nhơn An. Khi ấy, 90% hộ trồng mai ở Nhơn An cam kết trồng mai sạch, không sử dụng thuốc hóa học độc hại và bảo vệ môi trường xanh. Ấy vậy nhưng thực tế đã không diễn ra như ý của ngành chức năng, người trồng mai ở đây không mặn mà với thuốc trừ sâu sinh học, mà quay lại dung thuốc trừ sâu hóa học theo cách làm truyền thống xưa nay.

Nguyên nhân được ông Nguyễn Trí Dũng lý giải: “Thuốc trừ sâu sinh học không diệt được bọ trĩ tức thì, đối tượng gây nguy hại nhiều nhất cho cây mai. Bệnh thán thư và nấm hồng cũng vậy, các bệnh này “vô nhiễm” đối với thuốc trừ sâu sinh học. Bởi vậy, hầu hết người trồng mai ở đây vẫn phải dùng thuốc trừ sâu hóa học để bảo vệ cây mai trước các loại sâu bệnh hại”.

“Không chỉ những hộ trồng mai mới phải cam chịu hít những loại thuốc độc hại mỗi ngày, ngay cả những hộ không trồng mai trên địa bàn cũng phải chung sống với mùi thuốc trừ sâu, bởi khi thuốc được phun ra là lập tức chúng phát tán rộng khắp. Người dân ở đây bị thuốc trừ sâu tấn công tứ phía, từ các vườn mai tỏa ra, từ các ruộng mai xộc vào. Người trồng mai được hưởng lợi từ cây mai cam chịu đã đành, người không trồng mai phải sống trong cảnh này khiến họ rất bức xúc”, anh Dũ, người dân không trồng mai ở xã Nhơn An bộc bạch.

 

Xem thêm
Phân bón Văn Điển, chìa khóa thâm canh hiệu quả lúa xuân 2024 ở phía Bắc

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, tại các tỉnh phía Bắc có rét đậm lại mưa xuân, theo kinh nghiệm, đây là dấu hiệu vụ lúa xuân thắng lợi.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tổ chức PUM đến thăm và làm việc với VMC Việt Nam

Việc hỗ trợ bởi Tổ chức PUM đã và đang góp phần quan trọng cho sự phát triển của Công ty VMC Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai.