| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật “mở lòng” về ngành

Thứ Sáu 01/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Trò chuyện với PV NNVN qua điện thoại, ông bảo: “Xây dựng cơ bản khô khan lắm, năm 2009 làm được một số việc, mang tính đột phá đấy, nhưng năm nay thì khó khăn rất nhiều”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Ngọc Thuật phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản, khi tôi điện thoại cho ông, xin ông một cuộc trò chuyện với Báo NNVN trên số báo Xuân 2010, ông bảo: “Xây dựng cơ bản khô khan lắm, năm 2009 làm được một số việc, mang tính đột phá đấy, nhưng năm nay thì khó khăn rất nhiều”. Tôi cảm nhận được niềm vui trong giọng nói của ông, nhưng tôi cũng nhận thấy tâm trạng lo lắng, ưu tư khi ông nói về năm 2010. Chưa hết âu lo cho lĩnh vực mình phụ trách - một lĩnh vực rất lớn, một lĩnh vực mà các địa phương và hàng triệu nông dân vùng ngập lụt, khô hạn đang mong mỏi từng ngày thì hẳn là ông khiêm tốn không muốn nói về thành tích?

Tôi đoán thế. Nhưng ngẫm ra, ngành xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình thuỷ lợi là ngành kĩ thuật khó, ngay cả Báo NNVN cũng chưa thể phản ánh đầy đủ lĩnh vực này, nhân dân còn chưa được hiểu nhiều nỗi cơ cực vất vả của người làm thuỷ lợi. Một công trình thuỷ lợi xây lên không đơn giản chỉ là một khối bê tông mà nó sẽ mang lại đa lợi ích cho hàng vạn người dân, có công trình thuỷ lợi là họ có cơ hội đổi đời, thoát nghèo, chứ đâu có khô khan? Tôi đặt vấn đề như thế và cuối cùng Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật đã tiếp chuyện. 

Thành công từ đổi mới toàn diện

Thưa ông, được Chính phủ giao quản lí hai nguồn vốn, một là vốn đầu tư phát triển (gồm vốn trong nước và vốn nước ngoài) và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết TƯ 7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, Chính phủ đã tăng đầu tư gấp đôi cho lĩnh vực này, Bộ và các địa phương hẳn rất mừng?

Mừng mà lo đấy. Tôi nói thật lúc đầu Bộ rất lo, không biết làm thế nào để giải ngân hết được nguồn vốn lớn như thế, vì trước đó, năm 2008, vốn đầu tư cho lĩnh vực này chỉ bằng một nửa năm 2009 nhưng việc giải ngân cũng đã hết sức khó khăn.

Nhưng chúng ta vẫn làm được, thậm chí giải ngân vượt kế hoạch mà các công trình vẫn đảm bảo chất lượng tốt .

Chúng ta phải ghi nhận sự cố gắng, sự đổi mới toàn diện, đặc biệt là đổi mới về cơ chế từ TƯ xuống các địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu. Cùng với cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với quyết tâm “mở đường”, tạo một “bước chạy đà” tốt ở lĩnh vực phải đi trước một bước là thuỷ lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết TƯ7. Và chúng ta đã hoàn thành kế hoạch.

Cụ thể, sự đổi mới ấy, trước tiên là gì thưa ông?

Trước đây vốn phải chờ dự án, tức là khi có kế hoạch vốn rồi thì mới triển khai lập dự án. Vì thế luôn bị chậm, có khi đến tận giữa năm sau mới triển khai được kế hoạch năm trước. Từ năm 2008, Bộ trưởng đã chỉ đạo tăng cường việc chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là khâu lập dự án đầu tư và khâu này đã được chuẩn bị tốt nên khi các dự án được bố trí vốn là có thể triển khai được ngay. Năm 2009 hầu hết các dự án đều có thể triển khai ngay từ đầu năm, thậm chí từ tháng 12 của năm trước.

Đúng là trước đây việc chuẩn bị đầu tư chậm nên gây ra một số phiền toái, thậm chí là bức xúc vì thủ tục hành chính của mình còn rườm rà quá. Nay thủ tục chuẩn bị đầu tư hoàn thành rất sớm, đó là một bước cải cách rất lớn, thưa ông?

Đúng vậy. Và đặc biệt là có những vướng mắc trong khâu đấu thầu. Đấu thầu thường hồ sơ không chuẩn, sửa chữa nhiều, gây kiện cáo, mất thời gian, nhưng năm nay ít hơn nhiều, hồ sơ làm kỹ hơn. Đó là do chúng ta đã có cố gắng trong cải cách hành chính. Năm vừa rồi chúng ta đã có hướng dẫn hồ sơ mẫu, các đơn vị chỉ cần căn cứ vào đó cụ thể hoá công trình của mình nên nhanh.

Bộ cũng cố gắng thông báo vốn kế hoạch sớm hơn trước đây. Đầu tháng 12, Quốc hội họp xong là thông báo ngay. Cuối tháng 12 là giao vốn rồi nên các đơn vị rất chủ động. Mọi năm tháng 1, hoặc tháng 3 năm sau vốn kế hoạch mới được thông báo cho các chủ đầu tư.

Ngoài ra, trước đây TƯ đầu tư xây dựng các công trình đầu mối, kênh chính, còn kênh cấp dưới là do địa phương đầu tư. Tuy nhiên hầu hết các công trình thủy lợi được đầu tư ở những vùng khó khăn, nhân dân còn nghèo nên địa phương cũng không có vốn để làm dẫn đến đầu tư không đồng bộ. Bây giờ, các công trình do Bộ đầu tư toàn bộ từ đầu mối đến kênh mương, làm đâu được đấy, phát huy hiệu quả ngay.

Đó là những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng hẳn không chỉ có công sức của Bộ?

Trước đây tất cả các chủ đầu tư đều phải ôm hồ sơ về Bộ (qua các Cục, Vụ chức năng) để được thẩm định, mọi phát sinh, điều chỉnh cũng phải có ý kiến của Bộ, mà chờ mãi không thẩm định xong, dân và địa phương bức xúc vì Cục “ôm” và làm công tác thẩm định là chính. Mà Cục thì chỉ có ngần ấy người, một năm đi thẩm định bao nhiêu công trình sao xuể, trong khi phải lo nhiệm vụ chính là quản lí nhà nước. Năm 2009, Bộ quyết tâm đột phá khâu này, cho phép chủ đầu tư thuê các Cty tư vấn thẩm tra dự án, Cục chỉ có nhiệm vụ thẩm định, xem xét lại thôi. Vì thế đã thu hút được nhiều đơn vị tư vấn tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành như Cty Hồng Hà, Việt Hà, Hội Đập lớn Việt Nam…tham gia thẩm tra, đóng góp hoàn thiện dự án.

Và ở đây cũng phải nói đến nhà thầu. Họ nắm bắt nhanh lắm, đặc biệt là các nhà thầu lớn, họ nhập ngay các thiết bị máy móc hiện đại về nên thi công rất nhanh mà chất lượng cao hơn trước, trước thì cứ ì ạch vì thiết bị thi công cũ kĩ, lạc hậu. Có thể nói, các thiết bị mới nhập về rất hiện đại, như thiết bị thi công đập Cửa Đạt, hay công trình Định Bình… Ngoài ra, chuyên môn và năng lực của cán bộ, công nhân thi công cũng được nâng lên thì mới có thể hoàn thành được khối lượng gấp đôi năm 2008. Chưa hết, các địa phương đã GPMB với tiến độ nhanh hơn trước, dù so với yêu cầu thì còn chưa được.

Được biết, Thủ tướng đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực của ngành thuỷ lợi năm qua và bản thân Thủ tướng cũng chỉ đạo rất sát sao lĩnh vực này?

Chính phủ áp dụng cơ chế mới là vướng mắc cái gì tháo gỡ ngay tức khắc. Thủ tướng chỉ đạo giao ban hàng tháng, hàng quý, bộ này, bộ kia báo cáo vướng cái này cái kia, Thủ tướng tháo gỡ ngay. Đặc biệt Chính phủ đã phân cấp rất mạnh cho các bộ và địa phương, đồng thời sửa đổi các luật, nghị định để thực hiện một cách nhanh nhất. Đến nay, hầu như mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được sửa đổi bổ sung tại các nghị định mới của Chính phủ. Có thể nói là cơ chế từ Chính phủ đến Bộ, địa phương đều được đổi mới. Đây có thể nói là bước tiến vượt bậc.

“Một cửa” trong xây dựng cơ bản đã mang lại kết quả rất cao. Hồ sơ đến “một cửa” là các cơ quan có trách nhiệm ở đó giải quyết ngay. Đặc biệt là có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng của Bộ nên hồ sơ thiếu cái gì bổ sung liền. 

* Thành công của năm 2009 là tiền đề vững chắc để ngành có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khi mà số vốn được đầu tư lớn hơn, công trình phức tạp hơn.

Hạnh phúc nhất khi dân đón nước về

Thưa ông, thành công lớn của năm 2009 không chỉ làm cho ngành thuỷ lợi vui mà hàng vạn người dân cùng hưởng chung thành quả ấy?

Những công trình xây dựng nhanh, hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả ngay có ý nghĩa rất lớn. Trước đây, xây dựng những công trình thuỷ lợi vốn ít, đầu tư nhỏ giọt mãi mà không xong, gây bức xúc cho nhân dân vì họ đợi hoài vẫn chưa có nước. Các công trình xây dựng bây giờ là dự án đa mục tiêu. Gồm cấp nước sinh hoạt, nước tưới, tiêu, phát điện, cắt lũ, môi trường, phát triển thuỷ sản, giao thông...Nên khi hoàn thành công trình bà con được hưởng lợi rất nhiều. Vì thế các địa phương rất mong muốn có các công trình thuỷ lợi.

Trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực này, hẳn ông rất vui khi những công trình mang nước về “giải hạn” cho dân sau hàng chục năm chờ đợi?

Khi nước về từ những công trình như Yarinh (Gia Lai), Định Bình (Bình Định), Tân Giang, Sông Châu (Ninh Thuận), Sông Quao, Cà Dây (Bình Thuận)…người dân mở hội đón nước, những người làm công tác quản lí cảm thấy xúc động lắm. Tôi nhớ nhất là khi tiếp xúc với người dân huyện Hàm Thuận Bắc – nơi bao nhiêu năm nay hạn hán liên miên khi công trình Sông Quao vào hoạt động, nước về, họ nói: Chúng tôi được đổi đời rồi, trước đây đói ăn, không trồng, nuôi được cây con gì vì không có nước, nhờ có công trình nay trồng được lúa 3 vụ, trồng được mía, các loại cây công nghiệp.

Mấy năm trước đi thị sát cả vùng này là một vùng sa mạc, toàn cát, nay thì xanh ngắt lúa, mía, thanh long…sao mà không xúc động được. Có thể nói, công trình thuỷ lợi được xây dựng đến đâu người dân có cơ hội đổi đời, địa phương có cơ hội phát triển đến đó. Vậy theo ông tại sao năm 2010 vốn bố trí cho thuỷ lợi lại khó khăn hơn năm 2009?

Đến thời điểm này, các khâu chuẩn bị dự án đã vào nề nếp và rất sẵn sàng rồi, nhưng năm nay là năm khó khăn về vốn. Về trái phiếu Chính phủ thì có dự kiến là bằng năm 2009. Còn vốn ngân sách cho các dự án thuỷ lợi thì ít hơn. Chưa có vốn cho mở mới các công trình. Vốn sẽ tập trung cho các công trình dở dang để hoàn thành dứt điểm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn 2011 để triển khai thực hiện.

Hàng chục công trình thuỷ lợi được xây dựng sẽ làm hàng vạn hộ dân phải di dời, TĐC. Nhưng có lẽ để người dân đến vùng TĐC có cuộc sống tốt hơn thì còn nhiều việc phải làm?

Công tác di dân TĐC đã được quan tâm, đặc biệt là đảm bảo ổn định đời sống của bà con và đã có chuyển biến tốt. Nhưng về lâu dài cần phải quan tâm hơn đến đất nơi ở mới, nhất là đất sản xuất, nước…Có những cái đó mới đảm bảo cho người dân TĐC có cuộc sống bền vững. Ngoài ra chính sách đền bù đất đai cần phù hợp hơn để đảm bảo cuộc sống của người dân đến nơi ở mới tốt hơn.

Sang Xuân mới, nói về thành công cũ để hướng đến mùa xuân tới với những hi vọng thành công hơn, ông có thể chia sẻ cùng bạn đọc NNVN về những việc cần làm của ngành thuỷ lợi những năm tới không?

Trước tiên vẫn phải rà soát lại việc quy hoạch thuỷ lợi ở các vùng miền. Trong lúc này, tình hình BĐKH, kinh tế phát triển thì yêu cầu đầu tư phải khác trước. Trên cơ sở đó lập các chương trình, dự án cho tốt. Nhưng quan trọng và trước tiên là phải có chương trình nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thuỷ lợi. Hiện nay nhiều công trình thuỷ lợi mới đáp ứng được 70% năng lực thiết kế. Cần phải tiếp tục kiên cố hoá kênh mương, xây dựng tốt qui trình vận hành hệ thống và đưa công nghệ tưới tiết kiệm nước, điều khiển tự động vào. Tới đây hệ thống tưới Dầu Tiếng sẽ đưa vào thí điểm điều hành tự động hoá. Như thế mới phát huy được hiệu quả cao. Xây dựng công trình mới với phát huy công trình cũ phải song song nhưng cải tạo nâng cao chất lượng hệ thống cũ là quan trọng hơn.

Cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Những công trình vá 'lỗ hổng' hệ thống thủy lợi bờ Nam Sông Hậu

Đồng bào bờ Nam Sông Hậu mong chờ âu thuyền Rạch Mọp vận hành ngăn mặn vào cuối 2024, cùng với những công trình đã được đầu tư để khép kín hệ thống thủy lợi.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hiệu trưởng bắt học sinh đi lao động nếu không dự hội trại có thu phí

THỪA THIÊN - HUẾ Yêu cầu học sinh phải đi lao động nếu không dự hội trại là chưa khoa học, không phù hợp với mục tiêu của hoạt động giáo dục, dễ nảy sinh suy nghĩ nhạy cảm.

Bình luận mới nhất