| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: Nhức nhối nhất vẫn là khâu quản lý giết mổ

Chủ Nhật 15/01/2012 , 10:17 (GMT+7)

Tháng áp Tết được chọn làm tháng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhưng cũng là tháng “nóng” nhất về vấn đề này...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu

Tháng áp Tết được chọn làm tháng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhưng cũng là tháng “nóng” nhất về vấn đề này. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, hôm qua (12/1), cho rằng, công tác này cần làm thường xuyên, liên tục, chứ không chỉ riêng trong 1 tháng.

90% thịt đảm bảo tiêu chuẩn. Tôi không tin!

Thưa Thứ trưởng, đến hẹn lại lên, dịp Tết chính là thời điểm cơ quan quản lý Nhà nước lo nhất khâu quản lý VSATTP. Là cơ quan chủ trì việc này, Bộ NN-PTNT có những giải pháp gì?

Hiện Bộ NN-PTNT đang tập trung cho tháng cao điểm VSATTP. Trong đó, chúng tôi coi công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, làm thế nào để 100% các DN, người tiêu dùng biết được hoạt động của tháng cao điểm này, bởi đây cũng là thời gian Tết cổ truyền và nhiều lễ hội sắp diễn ra. Cùng đó, năm 2012 này, Bộ NN-PTNT coi như một năm đột phá về chất lượng nông sản và VSATTP.

Trước hết, đối với tháng VSATTP này, về định lượng, chúng tôi xác định tiêu chí là làm thế nào giảm được 10% các vụ ngộ độc về thức ăn. Về định tính thì phải tuyên truyền được đến 100% các đối tượng liên quan về vấn đề VSATTP. Nhân đây, tôi cũng muốn phát huy tối đa các kênh truyền thông, trong đó báo NNVN là trọng tâm trong công tác này.

Ngoài ra, phía Bộ NN-PTNT được giao chủ trì 3 đoàn kiểm tra, các Bộ khác cũng có sự phối hợp của 3 đoàn kiểm tra khác, tức là 6 đoàn. Hiện Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Cục Thú y và Cục BVTV cũng đã đồng loạt triển khai các đoàn kiểm tra rồi. Theo quy định, các Cục của Bộ NN-PTNT thực hiện các chương trình chung ở cấp quốc gia. Nhưng các địa phương cũng phải chủ động để thực hiện ở địa phương mình, tức là kiểm tra về giết mổ, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết này. Ở đây gồm thực phẩm rau quả, lương thực, thịt, cá nói chung.

Theo Thứ trưởng, việc kiểm soát VSATTP khó nhất ở khâu nào? Và phải làm gì để hạn chế “thực phẩm bẩn” đang tràn lan hiện nay?

Theo tôi, bây giờ nhức nhối nhất của ngành nông nghiệp là quản lý giết mổ, đặc biệt là ở TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trong miền Nam, Đà Nẵng và TP HCM họ làm công tác quản lý này rất tốt. Nhưng Hà Nội gần như bỏ ngỏ, không thể quản lý được. Lãnh đạo của TP cũng quan tâm “vừa phải”, các sở, cơ quan phụ trách vấn đề này cũng ít “đụng chạm”. Theo tôi, có lẽ đây là vấn đề nóng, tương đối nhạy cảm nên họ có phần né tránh chăng?

Hôm qua, tôi nghe bên thú y báo cáo, qua kiểm tra có tới 90% thịt các loại đạt tiêu chuẩn VSATTP. Tôi không tin lắm con số này. Công tác giết mổ, nếu được tận mắt chứng kiến thì cực kỳ kinh khủng. Thậm chí người ta giết mổ gia súc, gia cầm ngay gần khu chăn nuôi. Lợn thì chở đi dọc đường không che đậy. Tôi cho rằng cơ quan chức năng chỉ kiểm tra theo dạng định tính, tức là nhìn bằng mắt xem thịt có ôi thiu hay không chứ không kiểm tra vi sinh. Điều này không đạt tiêu chuẩn kiểm tra.

Tôi biết rằng trong TP HCM hoặc nhiều tỉnh phía Nam, người ta kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu vi sinh và các vi khuẩn như E.coli, phẩy khuẩn tả… Nếu kiểm tra được thì nhiễm rất nhiều. Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân được thông báo là 90% thực phẩm đạt tiêu chuẩn thì họ yên tâm quá rồi. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Do đó, tôi cho rằng, không chỉ trong tháng cao điểm, mà việc quản lý VSATTP phải làm thường xuyên, liên tục mới mong hạn chế được các vi phạm trong lĩnh vực này.

Quản lý theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị

Rõ ràng việc quản lý VSATTP không chỉ có tuyên truyền, kiểm tra là ngăn chặn được mà cần có giải pháp từ gốc. Vậy đâu là gốc của vấn đề, thưa Thứ trưởng?

Về mặt định hướng, tôi thấy rằng, về phía Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong hội nghị tổng kết mới đây, đã khẳng định: Năm 2012 là năm chất lượng VSATTP.

Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải làm thế nào quản lý được chất lượng nông sản ở tất cả các khâu. Một trong những giải pháp đó là quản lý theo chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Vì thế chúng tôi đã có một số mô hình quản lý đang được triển khai, đó là quản lý rau sạch ở Hà Nội, ở Đà Lạt, quản lý thực phẩm tươi sống ở Bắc Giang… Đây là mô hình quản lý từ trang trại, vườn trồng, ao cá đến bàn ăn.

Đồng thời, tất cả các sản phẩm phải gắn với tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Khi người sản xuất tuân thủ theo các tiêu chuẩn thì sẽ đảm bảo các sản phẩm đó đạt yêu cầu về VSATTP, nhưng đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước phải có một quy trình giám sát các mô hình này, để xem quá trình thực hiện thế nào.

Cái khó của chúng tôi bây giờ là hướng dẫn người dân quản lý theo chuỗi. Rõ ràng, sản phẩm được quản lý và tuân theo các tiêu chuẩn phải có giá chênh lệch với các sản phẩm không được quản lý, không giám sát, không an toàn. Vì thế, một giải pháp được chúng tôi đưa ra là sẽ phải định hướng việc tìm kiếm thị trường XK tiềm năng để từ yêu cầu của thị trường, mình phát triển vùng nguyên liệu và quản lý vùng nguyên liệu đấy để phục vụ XK.

“Việt Nam có diện tích sông hồ lớn, khí hậu nhiều vùng lại thích hợp cho việc nuôi cá tầm. Trong khi đó, nhu cầu của thế giới về sản phẩm này đang rất cao. Nếu mở rộng được diện tích nuôi cá tầm, cộng với khai thác tốt thị trường, tôi tin cá tầm sẽ có vị trí không thua kém so với cá tra hiện tại”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu.

Cụ thể như cá tra. Sản phẩm này vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… là do ta đã có định hướng tốt. Tất cả yêu cầu của thị trường đều được đáp ứng. Khi đó, sản phẩm của Việt Nam là sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Cùng với mở được thị trường thì sản xuất sẽ phát triển. Thế nên tôi mong muốn không chỉ thủy sản, các ngành khác cũng làm được như thế.

Việc tìm kiếm thị trường cho nông sản “sạch” cũng đã được quan tâm bấy lâu. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ hướng vào thị trường nào, và sản phẩm nào là chủ lực, thưa Thứ trưởng?

Một cơ hội hiện nay đối với XK nông sản của Việt Nam là thị trường Nhật và Nga. Hiện Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nhiễm xạ nên người dân nước này rất sợ sử dụng nông sản của nước họ. Người Nhật vốn khắt khe trong vấn đề thực phẩm, nhưng nay do phóng xạ, đích đến của họ có thể là Việt Nam, vì đất đai Việt Nam rộng lớn, nhân công cần cù, cẩn thận và trình độ thâm canh không thua gì người Nhật. Tất nhiên cần phải có sự trợ giúp của họ về khâu chế biến, bảo quản, phương thức canh tác để có những sản phẩm sạch. Sắp tới, tại hội chợ Foodex trong tháng 3, Bộ sẽ cử nhiều đoàn công tác tiếp cận thị trường này.

Còn về phía Nga, đây là thị trường rộng, có nhiều tiềm năng và yêu cầu của họ không quá khắt khe như Nhật, Mỹ và EU. Nga có mùa đông dài không thể canh tác nên nhu cầu lương thực thực phẩm với họ rất lớn. Chúng ta có thể tận dụng lợi thế của mình về lương thực, thủy sản để thâm nhập vào đây.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất