Ông Lê Khánh Hải (phải) là người phụ trách chính lĩnh vực thể thao kể từ khi làm Thứ trưởng. |
Trước ông Khế, ông Trần Quốc Tuấn và ông Cấn Văn Nghĩa cũng quyết định không tranh cử ghế Chủ tịch VFF tại Đại hội khóa 8. Hiện tại danh sách chỉ còn một ứng viên là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải.
Chiều qua 2/8, Bộ chủ quản đã có quyết định chính thức về việc đồng ý cho ông Hải tranh cử và bắt đầu tiến hành các thủ tục theo quy định của nhà nước.
Tại Đại hội khóa 7, ông Hải cũng được đề cử nhưng xin rút vào phút cuối. Kết quả, ông Lê Hùng Dũng đắc cử Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, thời gian qua ông Dũng gần như vắng mặt do vấn đề sức khỏe.
Về quyết định rút khỏi cuộc đua ở VFF nhiệm kỳ 2018-2022, ông Nguyễn Công Khế chia sẻ với PV: “Cách đây ba, bốn ngày tôi đã bắt đầu viết đơn xin rút, không tham gia tranh cử nữa. Nhưng đến hôm nay mới chỉnh sửa, hoàn thiện để gửi. Tôi không tranh cử chức Chủ tịch cũng như phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF khóa 8”.
Ông Nguyễn Công Khế - cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên - từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thể thao, như tổ chức giải U21 quốc gia, U21 quốc tế... |
Ông nói thêm: “Anh em tín nhiệm đề cử, gây áp lực để tôi làm. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu làm được gì tốt cho bóng đá nước nhà thì mới tranh cử, chứ không thay đổi được thì không nên tham gia. Vì vậy tôi quyết định không tranh cử nữa. Tôi không có nhu cầu về chức danh hay tiền bạc. Tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam bằng việc tổ chức các giải trẻ”.
Theo kế hoạch ban đầu, Đại hội VFF diễn ra vào tháng 5. Tuy nhiên, lịch liên tục bị lùi vì các sự vụ ồn ào. Đầu tiên là việc bầu Đức phản ứng về các tiêu chí cũng như danh sách ứng viên, khiến ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF - xin rút. Sau đó ông Trần Mạnh Hùng - phó Chủ tịch VPF - từ chức vì lộ đoạn ghi âm đe dọa Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền. Và gần nhất là sự ra đi của phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ.
Theo thông tin của VnExpress, Đại hội sẽ diễn ra chậm nhất trong tháng 9.