| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 05/12/2017 , 06:31 (GMT+7)

06:31 - 05/12/2017

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói về “thất lạc” hồ sơ Trịnh Xuân Thanh

Hồ sơ cán bộ là loại tài liệu quan trọng nên không thể nói “khơi khơi” mất rồi thôi. Bộ hồ sơ không phải là “cái kim” để có thể “lẫn” vào đâu đó và càng không phải là “kim cương” để bọn đạo tặc phải kỳ công đột nhập vào kho lưu trữ của Bộ Nội vụ lấy đi.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh với rất nhiều bất ngờ đã và đang được các cơ quan chức năng từng bước điều tra làm rõ. Nó cũng khiến dư luận không khỏi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên về tài sản thất thoát, ngạc nhiên về sự thăng tiến kỳ ảo…

Song, có một “ngạc nhiên” rất cần được làm sáng tỏ, đó là hồ sơ của Trịnh Xuân Thanh được lưu trữ cẩn mật ở Bộ Nội vụ đã “thất lạc” một cách đầy… “bí ẩn”.

Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 1/12 vừa qua, ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ trực tiếp trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh sự “thất lạc” này và dư luận cho rằng ông Thăng đã trả lời minh mạch, rõ ràng, công khai và dân chủ.

Theo Thứ trưởng Thăng, có ba vấn đề cần các cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Thứ nhất là sự “thất lạc” của bộ hồ sơ, thứ hai là thành phần hồ sơ và thứ ba, việc lộ lọt thông tin mật của cuộc họp giữa UB Kiểm tra TW và Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Thăng cho biết, việc quản lý và nộp lưu hồ sơ phải theo qui định của pháp luật về lưu trữ cũng như qui chế làm việc của bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan. “Thành phần hồ sơ có ý kiến trình của cơ quan tham mưu, ý kiến phúc đáp… nhưng giờ hồ sơ đã mất thì rất khó đánh giá. UB Kiểm tra Trung ương cũng nêu ý, những việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, nếu cần thiết nên mời Bộ Công an vào cuộc điều tra. Vậy chúng tôi cũng mong việc này có cơ quan có thẩm quyền xem xét, nêu ý kiến cụ thể” – ông Thăng nói.

Điều Thứ trưởng Thăng nói cho thấy không chỉ dư luận mà chính ông cũng đang rất mong câu trả lời cho một loạt câu hỏi cần làm sáng tỏ như hồ sơ mất thời điểm nào? Tại thời điểm phát hiện thất lạc của hồ sơ thì cán bộ nào trực tiếp được giao quản lý? Ai là lãnh đạo trực tiếp phụ trách đơn vị chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ? Sự “mất tích” đầy bí ẩn này có nhằm mục đích gì hay không? Đặc biệt, hồ sơ đó có mất thật không?

Đây là những câu hỏi cần có lời giải đáp bởi hồ sơ cán bộ là loại tài liệu quan trọng nên không thể nói “khơi khơi” mất rồi thôi, cán bộ trực tiếp và người phụ trách không ai chịu trách nhiệm. Rồi câu hỏi có mất thật không? bởi bộ hồ sơ không phải là “cái kim” để có thể “lẫn” vào đâu đó và càng không phải là “kim cương” để bọn đạo tặc phải kỳ công đột nhập vào kho lưu trữ của Bộ Nội vụ lấy đi.

Việc “thất lạc” hồ sơ hiện để lại một loạt câu hỏi như việc luân chuyển Trịnh Xuân Thanh về Cần Thơ có văn bản thông báo của cơ quan tổ chức Trung ương không? Nếu có, ai là người đề nghị? Thẩm quyền của Bộ Nội vụ đến đâu trong việc giới thiệu Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch Hậu Giang…

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng mong muốn “nên mời Bộ Công an vào cuộc điều tra. Vậy chúng tôi cũng mong việc này có cơ quan có thẩm quyền xem xét, nêu ý kiến cụ thể”. Ông Thăng nói.

Đây là kiến nghị cần thiết vì làm rõ sự “thất lạc” hồ sơ sẽ không chỉ phần nào chỉ ra con đường “thăng tiến kỳ ảo” của Trịnh Xuân Thanh đồng thời còn minh oan cho những người khác bởi ở đời, “một mất mười ngờ” nên biết đâu“bơ vơ chịu tội”?

Cũng tại cuộc họp trên, Thứ trưởng Thăng còn đề nghị làm rõ cả việc tại phiên họp 19 vừa qua của UB Kiểm tra Trung ương, ông Cao Văn Thống đã yêu cầu Bộ Nội vụ phải bảo mật thông tin cuộc họp này. Vậy không rõ báo chí và mạng xã hội lấy thông tin về kết luận của UB Kiểm tra đối với Ban Cán sự Đảng của Bộ Nội vụ ở đâu?

Theo lý giải của Thứ trưởng Thăng, tài liệu không công bố tức là tài liệu mật. “Không biết nhà báo lấy ở đâu, tôi đề nghị cần phải xem xét lại việc này, xem lấy thông tin đó ở đâu…”. Ông Thăng nói.

Nhớ cách đây không lâu, tại nghị trường, ông Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã than thở:“Tại sao tất cả những chuyện cơ mật mà các đồng chí thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè đều biết?”.

Tóm lại, có lẽ không chỉ ông Thăng mà dư luận đều có chung mong mỏi, đó là các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân trong việc “thất lạc” hồ sơ Trịnh Xuân Thanh.

Quan trọng hơn nữa, không để tái diễn thất lạc này và nếu không may xảy ra, sẽ phải có người phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói khơi khơi rồi thôi, phải không các bạn?