| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Xử lý 1.800 điểm xả thải không phép ra hệ thống Bắc Hưng Hải

Thứ Năm 14/11/2019 , 09:13 (GMT+7)

Mặc dù sắp đến thời điểm cấp nước đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020, tuy nhiên nhiều hệ thống thủy nông ở ĐBSH đang hàng ngày bị đầu độc bởi những dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Vẫn còn 1.800 điểm xả thải không phép

Trước tình hình trên, ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra một số công trình đầu mối của hệ thống Bắc Hưng Hải, qua đó đốc thúc các địa phương có giải pháp bảo vệ, kiên quyết không sử dụng nguồn nước bẩn để tưới cho cây trồng.

19-34-40_5
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực cống Xuân Thụy (giáp ranh giữa huyện Gia Lâm (Hà Nội) với hệ thống Bắc Hưng Hải. Ảnh: Kế Toại.

Theo thống kê, có hơn 2.000 doanh nghiệp xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, tuy nhiên, chỉ có hơn 100 doanh nghiệp đã được cấp phép. Việc xả thải trực tiếp nguồn nước chưa qua xử lý vào hệ thống Bắc Hưng Hải đã khiến hệ thống bị ô nhiễm nặng.

Ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho biết: Nhiệm vụ của hệ thống Bắc Hưng Hải là đảm bảo tưới cho 110.000ha đất canh tác lúa, rau màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân.

Trong những năm qua, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất quan tâm đến tình hình diễn biến nguồn nước. Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày càng gia tăng nghiêm trọng.

Các tổ chức, cá nhân xả nước chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, đặc biệt là vào mùa kiệt (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau).

“Ô nhiễm có thể nhận biết được bằng cảm quan, trực quan như nước có màu đen, nước đen kịt như luyn, bốc mùi hôi thối. Ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật”, ông Đặng Duy Hiển cho biết.

19-34-40_2
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (bên trái ngoài cùng) đang kiểm tra công tác vận hành cống Cầu Xe của hệ thống Bắc Hưng Hải. Ảnh: Kế Toại.

Nếu không có giải pháp ngăn chặn hoạt động xả thải bất hợp pháp ra hệ thống công trình thủy lợi, hoạt động cấp nước tưới cho cây trồng sẽ gặp phải khó khăn. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà đời sống sinh hoạt của hàng ngàn người dân dọc các tuyến sông cũng bị đảo lộn.

Theo báo cáo của Viện Nước tưới tiêu và Môi trường đánh giá tổng lượng nước thải các loại xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, khoảng 435.195m3/ngày đêm, tăng khoảng 30% so với năm 2007.
Gần 100% nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, làng nghề và 70 – 80% nước thải công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi xả vào công trình thủy lợi.

Những năm qua, do mực nước hệ thống sông Hồng xuống thấp, không thể lấy đủ nước tự động thông qua cống Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên), công ty Bắc Hưng Hải phải chỉ đạo lấy nước ngược từ cống Cầu Xe, An Thổ và Cầu Cất để thanh thải nguồn nước bị ô nhiễm trước khi bơm nước đổ ải vào đồng ruộng cho bà con.
 

Không thể đánh đổi sinh kế của 3 triệu dân

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện tại có hơn 1.200 doanh nghiệp xả thải trực tiếp xuống sông Cầu Bây, với tổng lượng xả khoảng 95.000m3/ngày đêm. Nước sông Cầu Bây ô nhiễm không khác gì nước sông Tô Lịch, và 3 triệu người trong phạm vi phục vụ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt của hệ thống Bắc Hưng Hải phải gánh chịu, đó là điều rất nguy hiểm.

“Tại sao có cả nghìn doanh nghiệp xả thải không phép ra sông Cầu Bây mà Công ty Đầu tư- Phát triển thủy lợi Hà Nội không xử lý? Tại sao khi Công ty Bắc Hưng Hải đề nghị công ty đóng cống Xuân Thụy (nơi chuyển tiếp nguồn nước giữa sông Cầu Bây và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải) vào thời điểm lấy nước đổ ải vụ đông xuân nhưng các anh không ký, không hợp tác? Chúng ta không thể chấp nhận chuyện này được. Chúng ta phải bảo vệ 3 vạn người dân, chứ không bảo vệ 1.299 doanh nghiệp xả thải không phép”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ NN-PTNT sẽ gửi công văn để đặt lịch làm việc với UBND TP Hà Nội, đề nghị TP chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, cho biết sẽ tiếp thu và yêu cầu Công ty Đầu tư- Phát triển thủy lợi Hà Nội thực hiện nghiêm quy chế phối hợp đã ký kết. “Bên nào vi phạm thì bên đó phải chịu trách nhiệm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hải Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ hiện tượng ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải. Đề cập vấn đề này, giọng ông Trần Văn Quân – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, xót xa: “Nguồn nước ô nhiễm từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đổ về nên nhiều vùng nông dân không dám đưa vào ruộng để cấy. Nước đến đâu là cá chết đến đó. Tỉnh phải triển khai các giải pháp để lấy nước ngược từ sông Thái Bình qua một số cống tiêu (ở thời điểm triều cường lên cao) để thanh thải hệ thống".

19-34-40_3
Bèo rác ùn ứ ở cống Cầu Xe. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Quân thừa nhận, công tác quản lý công trình thủy lợi ở Hải Dương vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, chỉ trong vòng 1 năm trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm 100 vụ vi phạm mới. Sự phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và chính quyền địa phương còn bất cập.

“Đối với các vi phạm mới phát sinh, đề nghị Công ty khai thác công trình thủy lợi phát hiện sớm và thông báo đến chính quyền xã từ những giờ đầu để xử lý ngay, bởi nếu công trình vi phạm đã được cứng hóa thì thẩm quyền giải quyết phải là UBND huyện. Đừng để công trình lù lù ra rồi mới có văn bản kêu sở ơi, tỉnh ơi, vì quản lý nhà nước không phải chuyện đơn giản. Làm như vậy thì sẽ giống như quả bóng cứ đá đi đá lại thôi”, ông Quân nói.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết: Những năm qua, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy lợi đã gửi rất nhiều văn bản đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp để giải quyết vấn nạn ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề các địa phương làm ngơ, không thực hiện.

Điển hình như việc Tổng cục Thủy lợi đề nghị tỉnh Hưng Yên rút 52 giấy phép xả thải không đúng thẩm quyền vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nhưng tỉnh không thực hiện. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng nhiều lần đề nghị tỉnh Hưng Yên thống kê toàn bộ điểm xả thải không phép vào hệ thống thủy lợi, tỉnh cũng không triển khai.

19-34-40_4
Mực nước sông Hồng hạ thấp, việc lấy nước qua cống Xuân Quan gặp khó khăn, công ty Bắc Hưng Hải phải lấy nước ngược từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặt câu hỏi: “Hiện nay, chúng ta đã xác định được 1.800 điểm xả thải không phép vào hệ thống thủy lợi, vậy tại sao cơ quan quản lý nhà nước không xử lý? Vai trò của thanh tra chuyên ngành ở đâu? Chúng ta đã chỉ mặt đặt tên rồi mà tại sao cứ thế ngồi nhìn nhau?”. Ông đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, các địa phương tập trung xử lý các điểm xả thải không phép này trong thời gian tới.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đổ ải vụ đông xuân 2019 – 2020

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thời điểm hiện tại lượng nước về các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn đạt mức thấp và thiếu hụt khoảng 7 tỉ m3 so với trung bình hàng năm.

Trong khi đó, lòng dẫn sông Hồng mỗi năm hạ thấp gần 1m vì không được bổ sung đủ lượng phù sa, hoạt động khai thác cát diễn biến phức tạp.

Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần chỉ đạo bà con gieo cấy tập trung để giảm thời gian xả nước tăng cường phục vụ đổ ải. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các vùng sản xuất để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng tại những vùng khó khăn về nguồn nước.

Viện Quy hoạch Thủy lợi và các địa phương rà soát lại quy hoạch tổng thể hệ thống Bắc Hưng Hải, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tăng cường khả năng lấy nước từ sông Hồng, sông Thái Bình vào hệ thống (như xây dựng các trạm bơm điện, trạm bơm dã chiến, đập dâng) để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước của quốc gia.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.