| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng dự cuộc Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Algeria

Thứ Hai 01/06/2015 , 08:56 (GMT+7)

Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng cuộc đối thoại sẽ tạo nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các dự án hợp tác đầu tư, thương mại cụ thể giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân, chiều tối 31/5, theo giờ địa phương, tức đêm 31, rạng sáng 1/6 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Algeria tại Nhà khách Chính phủ El Mithak, Thủ đô Algiers.

Tham dự buổi Đối thoại, về phía Việt Nam có các thành viên đoàn chính thức; về phía Algeria có Bộ trưởng Công nghiệp và Mỏ, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành khác cùng gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và Algeria.

Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rất coi trọng và đánh giá cao tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Algeria. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng cuộc Đối thoại này sẽ tạo nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các dự án hợp tác đầu tư, thương mại cụ thể giữa hai nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai nước Việt Nam và Algeria cùng có truyền thống đấu tranh kiên cường giành độc lập, đi theo đường lối đối ngoại độc lập, không liên kết. Hai nước cũng là bạn bè truyền thống, có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và Algeria. Giới thiệu vắn tắt về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 18.220 dự án FDI và tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 260 tỷ USD. Theo điều tra của UNCTAD năm 2014, Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về mức độ hấp dẫn đầu tư. Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các chính sách ưu đãi có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực.

Việt Nam đang chủ động, tích cực triển khai chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do với Hàn Quốc và mới đây là Liên minh kinh tế Á-Âu. Việt Nam dự kiến sẽ sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại Tự do với EU và đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định Thương mại Tự do trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.

Khi đó, Việt Nam sẽ là cửa ngõ quan trọng để doanh nghiệp Algeria tiếp cận thị trường các nước ASEAN cũng như Hoa Kỳ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giới thiệu về thị trường Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm như gạo, càphê, hàng dệt may, điện tử và có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm, cơ khí, năng lượng dầu khí...

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực: hạ tầng, năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp, dịch vụ chất lượng cao.

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp Algeria hợp tác trong các dự án về khai khoáng, năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin, xây dựng, hàng tiêu dùng, nông nghiệp... tại Việt Nam; đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, tăng cường xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng may mặc và giầy dép, dược phẩm và du lịch sang Algeria; tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm dầu khí, hóa dầu từ Algeria.

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các đối tác Algeria tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia thi công, đầu tư các công trình hạ tầng, nhà ở, cung cấp lao động cho thị trường Algeria.

Tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp Algeria quan tâm đến việc đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như hóa chất, khai thác dầu khí, nông nghiệp, dệt may...

Thủ tướng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; đề nghị doanh nghiệp hai nước cùng bàn bạc tìm ra các phương án hợp tác thích hợp cho cả hai bên trên tinh thần hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác cùng phát triển vì lợi ích của hai nước.

Sau đối thoại, Thủ tướng đã tiếp một số doanh nghiệp lớn của Algeria trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dệt may, chăn nuôi và rượu vang đang mong muốn tìm kiếm đối tác Việt Nam để thúc đẩy hợp tác làm ăn cùng có lợi.

Vietnam+

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm