| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị...

Thứ Bảy 21/09/2019 , 12:45 (GMT+7)

Sáng 21/9, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và nhiều lãnh đạo các ban ngành, địa phương.

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Thông qua thực hiện chương trình, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện...

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô.

Đáng chú ý, các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/1ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.

Thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng... Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước...

Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội là một trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả Hà Nội đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy.

Thủ tướng đánh giá, Hà Nội là một trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất. Thành phố Hà Nội đã coi đây là Chương trình trọng tâm để thống nhất chỉ đạo trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố (2010-2015 và 2015-2020). Nhờ sự chỉ đạo xuyêt suốt đó, Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng, rõ nét.

Hà Nội đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Đối với nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của toàn quốc; tỷ lệ hộ nghèo giảm...

"Nông thôn Hà Nội trước đây còn nghèo, nay nhà lầu, xe hơi rất nhiều ở ven đô. Chương trình OCOP không chỉ có ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm mà còn ở nhiều làng quê... Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn nông thôn mới lớn vượt xa hơn các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha ở Hà Nội đã cao nhưng chưa xứng với tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, nhiều nơi môi trường còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự xã hội đã tốt nhưng cần được củng cố, tăng cường bảo đảm sự an lành cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô...

Thủ tướng và các đại biểu tham quan Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô.

Về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, TP Hà Nội cần phát huy vai trò đầu tầu, hạt nhân "đi đầu" cả nước trong phát triển. Tiềm năng vùng nông thôn Hà Nội là rất lớn: "Xứ Đoài là đất trăm nghề"... Đó là cội nguồn phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội cần bảo tồn, phát triển những tiềm năng, lợi thế đó.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng tình với các mục tiêu phấn đấu của thành phố như báo cáo nêu tại hội nghị và đề nghị Hà Nội cần xây dựng nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị...

Xây dựng nông thôn mới, phải tiếp tục xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáng sống. Một vùng nông thôn trăm nghề, nông nghiệp hữu cơ, tạo nên vùng quê du lịch hấp dẫn... Hà Nội cũng phải xác lập vai trò của người nông dân chủ thể nông thôn có kiến thức, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú... Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị.

Đối với khu vực nông thôn, Hà Nội phải gìn giữ được nét văn hóa, văn hiến của Thủ đô nghìn năm, giàu bản sắc văn hóa... Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường; đào tạo nghề cho nông dân để chuyển dần lao động nông nghiệp sang các nghề mới... Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT phối hợp với Hà Nội xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt.

Thủ tướng tin tưởng, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả cao hơn nữa, phát triển về mọi mặt, là hình mẫu, là niềm tự hào của cả nước.

 

Xem thêm
Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất