| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng Phan Văn Khải - Sáng ngời một nhân cách: Dấu ấn trên quê hương Củ Chi

Thứ Hai 19/03/2018 , 07:35 (GMT+7)

Nói ít, làm nhiều, làm đến nơi đến chốn; nhân hậu và bình dị…đó là những tố chất trong con người nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, người vừa giã từ cõi trần để trở về với đất mẹ trong sự tiếc thương của triệu triệu trái tim Việt.

15-37-06_nh_1
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi lễ khánh thành trường tiểu học Tân Thông ngày 3/2/2010.

Khi từ nhiệm trở về quê hương ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành phần lớn tâm sức đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, và là người bạn tâm giao của bà con xóm làng.

Ngôi trường mang tên chú Sáu

Đó là trường Tiểu học Tân Thông (ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, Củ Chi), do Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Công ty cổ phần Him Lam xây tặng với kinh phí 37 tỉ đồng. Trường khởi công ngày 3/2/2009 và hoàn thành sau đó đúng một năm. Công trình đạt chuẩn quốc gia, gồm 20 phòng học, các phòng chức năng, phòng quản lý đồng bộ với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, khu rèn luyện thể chất được xây dựng đầy đủ các phân khu chức năng giúp các em học sinh có đầy đủ các phương tiện rèn luyện thể chất như bể bơi, sân tập thể dục thể thao…Từ năm học 2012-2013, là Tân Thông là một trong 1.447 trường tiểu học trên cả nước thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam – VNEN.

Lãnh đạo trường Tân Thông kể lại, khi phát biểu trong lễ khánh thành trường tiểu học Tân Thông ngày 3/2/2010, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất xúc động: “Rất mong mỏi các em học sinh tại xã Tân Thông Hội đến tuổi đi học thì phải được đi học, không được để một cháu nào không được đến trường. Học vấn là nền tảng để phát triển và xây dựng hạnh phúc cho mỗi con người, đặc biệt ở thời đại ngày nay chúng ta không thể chấp nhận việc nhân dân không được phổ cập kiến thức”.

15-37-06_nh_2
Trường do Cố Thủ tướng Phan Văn Khải góp phần xây dựng, đạt chuẩn Quốc gia. Năm học 2012-2013, là một trong 1.447 trường tiểu học trên cả nước thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam – VNEN.

Ông bày tỏ hy vọng với cơ sở vật chất mới là trường Tiểu học Tân Thông, các thầy giáo cô sẽ giáo dục nên nhiều thế hệ học sinh chăm ngoan, bồi dưỡng các em học sinh có phẩm chất đạo đức và kiến thức tốt để sau này lớn lên có thể lao động phục vụ, đóng góp công sức cho sự phát triển chung của đất nước.

Tâm sự với chúng tôi, thầy Lê Văn Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, mắt đỏ hoe, nói: “Tôi cũng như hầu hết bà con ở đây, coi chú Sáu Khải (tên thân mật của bà con Củ Chi gọi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) như người cha, người thầy, chuyện gì cũng có thể tâm sự, cũng hỏi ý kiến. Ở Củ Chi này, đóng góp của chú đối với ngành giáo dục là rất lớn”.

Sau khi trường Tiểu học Tân Thông khánh thành năm 2010, thầy giáo Hoàng chính là một trong những người được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đề xuất đích danh về làm hiệu phó. “Trước đây khi chưa có ngôi trường này, ngoài một số học sinh tiểu học ở xã học tại chỗ với ngôi trường đủ cho 300 em, thì số khác phải đi học tận thị trấn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các hộ nghèo”, thầy Hoàng nói.

“Chú Sáu Khải tâm huyết với trường lắm. Lãnh đạo trường đều là người sinh ra ở Tân Thông Hội. Đây là một trong những gia sản của chú trên quê hương. Chính chú đi vận động tài chính để xây dựng ngôi trường này nhằm phục vụ con em bà con nghèo, rồi chú giúp nhà trường gây quỹ khuyến học để nâng đỡ những học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi trường đi vào hoạt động, lâu lâu chú Sáu lại từ nhà cách đó hơn cây số, đến thăm trường. Lần nào cũng vậy, ông đi một vòng quanh trường, nếu gặp các cháu đang ra chơi, là ông lại hỏi thăm, trò chuyện với các cháu rất lâu. Mấy đứa nhỏ ở đây, mỗi lần thấy chú là ào đến, tíu tít trò chuyện. Giờ nếu anh hỏi tụi nhỏ học ở đâu, chún sẽ nói là học ở “Trường Bác Khải”, thầy Hoàng nói tiếp.

Dấu ấn chú Sáu trong xây dựng NTM

Một trong những dấu ấn đậm của Chú Sáu ở Củ Chi, chính là công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Đến nay, Củ Chi là huyện có hệ thống giao thông nông thôn tốt nhất TP.HCM. Từ các tuyến đường giao thông chính, cho đến nội đồng, đều đã được nâng cấp, trải nhựa và bê tông hóa. Điều này góp phần giảm tai nạn giao thông, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

15-37-06_nh_3
Cố Thủ tướng góp phần rất lớn trong việc đưa Củ Chi trở thành huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM. (Trong ảnh: một con đường thông ở Tân Thông Hội, Củ Chi).

Ông Thái Quốc Dân (cán bộ Phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Sở NN-PTNT TP.HCM), người gắn bó với chương trình xây dựng nông thôn mới của Củ Chi từ những ngày đầu, cho biết, việc giao thông Củ Chi cơ bản hoàn thành, ngoài sự đóng góp của chính quyền và nhân dân huyện, còn có công rất lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Giờ về Củ Chi, vẫn nghe câu chuyện chú Sáu Khải bảo tín giúp Củ Chi vay trả chậm tiền Chính phủ để nâng cấp giao thông. Theo ông Dân, nếu không có sự chỉ đạo, đốc thúc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì giao thông nông thôn Củ Chi khó được như ngày nay và trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP.

Anh Phạm Chí Tâm (xã Thái Mỹ) thổ lộ, nhờ đường sá nội đồng được nhựa hóa mà mỗi ngày hàng tấn rau sạch của anh dễ dàng tiếp cận thị trường thành phố. “Tôi biết đến việc chú Sáu Khải góp công xây dựng giao thông Củ Chi lâu rồi. Nhờ ông mà giao thông nội đồng được nâng cấp, bà con nông dân dễ đưa nông sản ra chợ hơn”, anh chia sẻ.

Về với đời thường, gác lại việc nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải dành thời gian phát triển quê hương. Ông Dân cho biết, chính chú Sáu Khải đề xuất với Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới quốc gia chọn ấp Chánh (xã Tân Thông Hội) làm ấp nông thôn mới kiểu mẫu.“Chú Sáu Khải trực tiếp ngồi làm việc với chính quyền xã, ban ấp để lên chương trình chăm lo đời sống văn hóa, nâng cấp hạ tầng giao thông… cho ấp Chánh”, ông Dân nói.

Ông Phạm Minh Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thông Hội, kể, với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là đợt lắp bóng đèn đường nông thôn theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm tại xã này khoảng đầu những năm 2000.

“Khi đó xã và ấp có ý định sẽ lắp đặt các bóng đèn dọc tuyến đường vào nhà Thủ tướng trước vì ông Khải và gia đình có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương. Nhưng khi biết ý định của chúng tôi, ông Khải đã từ chối và bảo “phải lắp cho bà con trước”. Vì vậy, đèn đường ở khu vực nhà ông Khải sáng sau cùng” ông Ngọc kể.

Ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi, ngụ ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thông Hội những năm 1990), là người khá hiểu về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nói: “Ông Khải ra đi là một mất mất rất lớn đối với người dân Củ Chi nói riêng và đất nước nói chung. Là người hiểu bà con, sống hoà đồng, lại hết lòng quan tâm đến mọi người, nên ai cũng thương, cũng quý. Nếu không nói, chưa biết thì không ai nghĩ ông từng làm nguyên thủ quốc gia. Tôi là người trong Ban Quản lý Di tích lịch sử Đình Tân Thông, nơi ông Khải hay ghé chơi nên tôi với ông rất thân thiết. Gặp lãnh đạo các cấp, ông luôn nhắc nhở phải thường xuyên chăm lo cho các gia đình chính sách để bà con có cuộc sống tốt hơn. Nhớ lúc đã nghỉ hưu, ông trồng cây da ở Di tích lịch sử đình Tân Thông (ấp Trung, xã Tân Thông Hội), ai cũng hỏi sao lại trồng cây đa thì ông bảo “hồi 14 tuổi tham gia cách mạng cũng trồng cây đa, nên bây giờ trồng để…nhớ lại thời gian khó”.

15-37-06_nh_4
15-37-06_nh_6
Rất nhiều người dân đã rơi nước mắt khi biết Chú Sáu Khải đã không còn.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm