| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: 'Quảng Nam phải loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm'

Thứ Tư 28/09/2016 , 16:30 (GMT+7)

Sáng 28/9, tại trụ sở Chính phủ, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ định hướng xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung bộ.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, Quảng Nam đã phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Quảng Nam từ một tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối và từ năm 2017 bắt đầu điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 12%. Thu ngân sách đạt 100% kế hoạch với gần 12.460 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và đã đạt 90% dự toán. Năm 2017, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017 – 2020, theo số kiểm tra của Bộ Tài chính và thu – chi ngân sách thì Quảng Nam sẽ vào nhóm các tỉnh có thể điều tiết, đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số bất cập của Quảng Nam như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số lượng doanh nghiệp hoạt động còn thấp, bình quân 280 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lớn.

Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần có thêm những dự án đầu tư lớn - “những quả đấm thép” tạo đột phá cho sự phát triển. Hiện công tác xúc tiến, quảng bá còn nhiều vấn đề đặt ra, mà kém nhất là xúc tiến quảng bá du lịch trong bối cảnh Quảng Nam có tới 2 di sản văn hóa thế giới, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh…

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng tỉnh Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ.

Muốn như vậy, tỉnh phải huy động được nhiều nguồn lực, phải xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; sáng tạo, chủ động trong phát triển, đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tái cơ cấu lại nền kinh tế, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt xa bờ.

Nhất trí với nhận định du lịch là lĩnh vực mũi nhọn đối với sự phát triển của Quảng Nam nhưng hiện mới chỉ đóng góp 7-8% GDP địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải đưa tỷ lệ này lên trên 10%. Đồng thời, phải từ chối những dự án công nghiệp ảnh hưởng tới môi trường. “Nếu muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề bảo vệ môi trường càng cần phải đặt ra”, Thủ tướng nói.

Gợi mở các giải pháp cụ thể cho Quảng Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm và làm việc ngày đêm vì nhân dân, vì tỉnh nhà; “phải loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm”.

15-03-53_ttgphtbieu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc

 

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực. Định hướng quy hoạch, bảo vệ quy hoạch để không xung đột nhau, nhất là sản xuất công nghiệp và du lịch, bảo vệ môi trường. Phải có chương trình phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, gấp 2 – 3 lần số doanh nghiệp hiện nay; lấp đầy các khu kinh tế, cụm, khu công nghiệp.

Yêu cầu tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay, tuyến đường bộ, Thủ tướng giao Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn về hệ thống hạ tầng này, tháo gỡ nút thắt hạ tầng đối với sự phát triển của Quảng Nam.

“Đóng góp cho ngân sách Trung ương là niềm tự hào đối với Quảng Nam. Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để ngân sách Trung ương trợ cấp mãi được. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách Trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi”, Thủ tướng bày tỏ và mong muốn các tỉnh, trong đó có Quảng Nam phải nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải tính toán, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa để phục vụ chống hạn, nhiễm mặn, lũ lụt một cách chặt chẽ hơn; tiếp tục quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng.

Về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.