| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/08/2016 , 07:01 (GMT+7)

07:01 - 29/08/2016

Thủ tướng ra 'tối hậu thư' về môi trường

“Chính phủ kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế trước mắt. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm môi trường, phải đóng cửa nhà máy, nộp lại toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.

Lời khẳng định đó của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận ngày 27/8 mới đây, có thể coi là một “tối hậu thư” trước thực trạng ô nhiễm môi trường trên cả nước.

Trên thực tế, trước nay, rất nhiều doanh nghiệp có nhà máy sản xuất đều tìm mọi cách để “lẩn” việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, đều tìm cách xả thẳng chất thải chưa qua xử lý vào môi trường, bằng rất nhiều cách làm rất tinh vi, nào lắp đặt đường ống xả thải ngầm, nào qua mặt cơ quan chức năng bằng một bể xử lý chất thải chỉ có tính chất tượng trưng...

Những vụ xả thải như thế đã bị phát hiện rất nhiều, điển hình là vụ Cty Nicotex Thanh Thái chôn một lượng lớn hóa chất độc hại tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), rồi nhà máy đường ở Hòa Bình xả nước thải chưa qua xử lý làm cá chết hàng loạt tại sông Bưởi (Thanh Hóa)... nhưng khi bị phát hiện, thì những doanh nghiệp đó chỉ bị phạt với một mức phạt hết sức nhẹ nhàng, và kèm theo đó là việc bắt buộc phải đầu tư công nghệ xử lý nước thải. Nhưng, nói chỉ để mà nói, chứ thực tế liệu đã có mấy doanh nghiệp thực hiện được điều đó?

Hậu quả là những vụ xả thải chưa qua xử lý đó đã tàn phá môi trường một cách khủng khiếp, mà vụ Formosa gần đây nhất, là một hệ quả nhỡn tiền. Hải sản tại vùng biển của 4 tỉnh miền Trung chết sạch, số còn lại thì nhiễm độc, chưa biết đến bao giờ mới ăn được.

Hệ môi sinh dưới lòng biển bị tàn phá nặng nề, không biết đến bao giờ mới hồi phục như cũ. Hàng chục vạn hộ ngư dân gác thuyền, treo lưới vì người ăn hải sản trong nước quay lưng. Không ít doanh nghiệp chế biến hải sản có nhà máy ở 4 tỉnh này đã phải ngừng hoạt động vì khách hàng quốc tế hủy hợp đồng...

Đã đến lúc không thể để đất nước này biến thành một đất nước hôi thối, bẩn thỉu, càng ngày càng có nhiều “làng ung thư” được nữa. Sau “tối hậu thư” trên của Thủ tướng, chắc chắn từ nay, các doanh nghiệp không thể “lẩn” việc xử lý chất thải, tìm cách xả thẳng chất thải chưa qua xử lý vào môi trường được nữa.

Bởi từ nay, không còn là phạt nữa mà là đóng cửa và tịch thu nhà máy. Nhà máy trở thành tài sản của Nhà nước, không có ngoại lệ. Và như vậy, trước khi một dự án được chấp thuận đầu tư, thì câu trả lời là tác động đến môi trường của dự án đó thế nào, phải được trả lời đầu tiên, trả lời nghiêm túc, trên cơ sở khoa học, chứ không phải là vài trang giấy chung chung như trước. Và các doanh nghiệp bắt buộc phải làm thế nào để “cá có thể bơi được trong nước thải của nhà máy”, cũng theo lời Thủ tướng.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ chấm dứt, nếu “tối hậu thư” của Thủ tướng được thực thi nghiêm túc.