| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Duma quốc gia Nga

Thứ Hai 24/12/2018 , 15:01 (GMT+7)

Sáng 24/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng nhận thấy mối quan hệ chính trị đặc biệt tin cậy giữa hai nước tiếp tục được duy trì và củng cố thông qua trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. Thủ tướng tin rằng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Duma lần này sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Về phần mình, ông Vyacheslav Viktorovich Volodin nhất trí cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển tích cực, có nền tảng lịch sử lâu đời. Các cuộc gặp cấp cao góp phần vào tăng cường hợp tác giữa hai nước. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng 35% và hai bên đang phấn đấu đạt 10 tỷ USD.

Cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn lớn, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội hai nước, Chủ tịch Duma quốc gia Nga mong muốn hai bên cùng nhau phát triển các lĩnh vực hợp tác mới.

Hoan nghênh ý kiến của ông Vyacheslav Viktorovich Volodin, Thủ tướng khẳng định, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thủ tướng vui mừng nhận thấy hợp tác liên nghị viện, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Duma quốc gia Nga tiếp tục phát triển tích cực. Thủ tướng hoan nghênh việc trao đổi đoàn và tiếp xúc giữa Quốc hội hai nước được tiến hành thường xuyên.

Nhấn mạnh hợp tác thương mại và đầu tư thời gian tới rất quan trọng, Thủ tướng cho rằng, để tạo đột phá trong lĩnh vực này nhằm đạt kim ngạch thương mại song phương 10 tỷ USD vào năm 2020, các bộ, ngành chức năng hai bên cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Quốc hội Nga phát huy vai trò giám sát, thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định này. Hai bên cũng cần tích cực tháo gỡ các rào cản phi thuế quan, đặc biệt đối với nông, thủy, hải sản. Thủ tướng đề nghị Duma quốc gia Nga thúc đẩy để phía Nga xem xét mở rộng danh sách các doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga, phù hợp với các quy định của FTA nêu trên cũng như WTO và thông lệ quốc tế.

Hợp tác năng lượng, đặc biệt là dầu khí, tiếp tục là trụ cột quan trọng của hợp tác Việt-Nga. Việt Nam đánh giá cao hoạt động hiệu quả của các công ty dầu khí hai nước trên lãnh thổ của nhau. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp dầu khí của Nga hợp tác đầu tư hiệu quả tại Việt Nam trong khuôn khổ các liên doanh dầu khí Việt-Nga tại hai nước. Thủ tướng mong Duma quốc gia Nga và cá nhân ông Vyacheslav Viktorovich Volodin ủng hộ hợp tác chiến lược này.

Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt báo cáo tiền khả thi dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân vào tháng 11 vừa qua. Đây là dự án quy mô, có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, hứa hẹn trở thành biểu tượng mới cho hợp tác giữa hai nước thời gian tới. Thủ tướng đề nghị Duma quốc gia Nga tích cực phối hợp với Quốc hội Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy triển khai hiệu quả dự án quan trọng này.

Thủ tướng cảm ơn Nga tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực và dự kiến tăng số học bổng cấp cho Việt Nam lên 1.000 suất/năm và tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, hỗ trợ quảng bá du lịch của nhau.

Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ hiệu quả từ Duma quốc gia Nga và cá nhân Chủ tịch Volodin đối với hợp tác giữa các địa phương hai nước thời gian qua và mong Duma quốc gia Nga tiếp tục làm cầu nối, giúp các tỉnh, thành phố Việt Nam kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương của Nga, triển khai hợp tác với kết quả cụ thể, thiết thực trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đề cập tới hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho biết, đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã sang Liên bang Nga để khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử với trọng tâm là bảo đảm an toàn thông tin mạng và ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga. Thủ tướng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo về kết quả thành công của chuyến công tác, theo đó, phía Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt Phó Thủ tướng Nga Akimov khẳng định đây là dự án đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước. Đầu năm 2019, Chính phủ Nga sẽ cử đoàn chuyên gia Nga sang Việt Nam để phối hợp với VPCP triển khai các công việc liên quan. Do đó, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Duma quốc gia Nga ủng hộ và cùng Chính phủ Nga hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng cũng cảm ơn và đề nghị phía Nga tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga cư trú và kinh doanh ổn định hợp pháp lâu dài tại Nga và hòa nhập với sở tại.

Thủ tướng khẳng định, dù trong hoàn cảnh nào, hai dân tộc, hai nước luôn kề vai, sát cánh ủng hộ nhau.

Trước ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Duma quốc gia Nga đưa ra đề nghị về việc tổ chức một cuộc gặp gỡ tại Moscow giữa Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Мelnikov và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam, người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nga. “Tôi nghĩ rằng cuộc gặp như vậy sẽ cho phép chúng ta biết rõ hơn doanh nghiệp, người dân Việt Nam sống tại Nga gặp những khó khăn gì, họ phát triển kinh doanh như thế nào tại LB Nga”, ông Vyacheslav Viktorovich Volodin nói. Qua đó, phía Nga sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Ông cho biết, sự quan tâm của người Nga đối với Việt Nam ngày càng cao. Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch, nghỉ ngơi của nhiều du khách Nga. Năm 2017, số lượng du khách Nga đến Việt Nam đạt trên 512.000 người, tăng 30%. Năm 2018, dự kiến con số này sẽ đạt khoảng 700.000 người. Theo ông Vyacheslav Viktorovich Volodin, sự lựa chọn này dựa trên chất lượng dịch vụ du lịch cao và sự an toàn của Việt Nam. Điều đó cho thấy việc đào tạo nhân lực nói tiếng Nga là cần thiết và theo ông Vyacheslav Viktorovich Volodin, phía Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.

Ông Vyacheslav Viktorovich Volodin, người từng làm Chủ tịch Ủy ban về Chính phủ điện tử của LB Nga cho biết, để xây dựng Chính phủ điện tử thì điều cần làm trước hết là thiết lập cơ sở pháp luật. Nga sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm