Lùa đàn lợn nhiễm dịch xuống hố tiêu hủy. (Ảnh: Thái Vũ). |
Diễn biến của dịch, ngày 1/5 gia đình ông Tùng chết 1 con lợn, gia đình tự đem chôn, đến ngày 4/5 chết thêm 2 con nữa. Toàn bộ 247 con lợn nhiễm dịch của hai gia đình đã được lực lượng chức năng của huyện Văn Chấn tiêu hủy trong hai ngày 6 và 7/5, tổng trọng lượng ước tính trên 18 tấn.
Theo tìm hiểu của PV, gia đình ông Hưng chăn nuôi lợn nái, khi vận chuyển lợn con sang Phù Yên (Sơn La) bán, có 15 con lợn ốm chết, Chi cục Thú y Chăn nuôi Sơn La đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả Châu Phi nên đã thông báo cho Chi cục Thú y Chăn nuôi Yên Bái biết. Ngày 4/5, Chi cục Thú y Chăn nuôi Yên Bái lấy mẫu xét nghiệm tại hai hộ trên, kết quả xét nghiệm dương tính mới dịch tả lợn Châu Phi.
Sáng 7/5, tỉnh Yên Bái đã tổ chức lực lượng rắc vôi chuồng trại các gia đình có dịch, phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực dịch và lập chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt đàn lợn không cho vận chuyển ra vào vùng dịch, cán bộ thú y nằm tại cơ sở để theo dõi diễn biến dịch…
Khu vực cấm vận chuyển lợn ra vào thị trấn Nông trường Trần Phú. (Ảnh: Thái Vũ). |
Được biết, tỉnh Yên Bái đã xóa sổ toàn bộ hệ thống mạng lưới thú y viên cơ sở ở 180 xã, phường vào cuối năm 2018. Qua nhiều năm, hệ thống thú y viên đã nắm chắc số đầu gia súc của từng hộ gia đình, diễn biến tăng giảm cũng như dịch bệnh phát sinh ngày, giờ nào, biểu hiện lâm sàng của các con gia súc... Đây được ví như là “cánh tay nối dài” của ngành chăn nuôi thú y tới tận cơ sở, nên bất cứ diễn biến dịch bệnh nào đều được thú y viên cơ sở thông báo lên Trạm thú y để kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nhiều cán bộ thú y viên cơ sở đã nghỉ việc chia sẻ: Chúng tôi sống tại địa phương nên nắm được dịch bắt đầu từ gia đình nào, dẫu biết là dịch đấy nhưng chúng tôi không dám báo cáo sợ bị vạ lây.
Chốt Kiểm dịch thú y trên QL32 của tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Thái Vũ). |