| Hotline: 0983.970.780

Thua lỗ hay lừa đảo?

Thứ Ba 11/09/2012 , 10:55 (GMT+7)

Từ năm 2005 Cty Đức Thuận do bà Ngô Thị Lan làm GĐ đã không có khả năng thanh toán tiền - hàng nhiều tỷ đồng mà khách hàng ứng mua sắn lát.

Kho của Cty Đức Thuận chuyển cho Cty Thăng Long trong hệ thống “có dấu hiệu lừa đảo”

Liên tục từ năm 2005 đến nay, bà Ngô Thị Lan, GĐ Cty TNHH Thương mại dịch vụ Đức Thuận (Cty Đức Thuận) và con là Phạm Tiến Thành, TGĐ Cty TNHH Thương mại Thăng Long đã nhận của đối tác gần 85 tỷ đồng trong đó có hơn 66 tỷ đồng mất khả năng thanh toán. Khoản nợ khổng lồ do các đối tác ứng tiền mua hàng… ảo.

Liên tục bán hàng và chiếm dụng

Từ năm 2005 Cty Đức Thuận do bà Ngô Thị Lan làm GĐ đã không có khả năng thanh toán tiền - hàng nhiều tỷ đồng mà khách hàng ứng mua sắn lát. Nhiều năm sau, bà Lan vẫn liên tục ký kết hợp đồng với khách hàng mới, và tiếp tục không giao được hàng, biến họ thành nạn nhân tiếp theo. Một trong những "con mồi" của Cty Đức Thuận là Cty Cổ phần Du lịch dầu khí Phương Đông ở Nghệ An (Cty Phương Đông), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong 2 năm 2008 và 2009, Cty Đức Thuận và Cty Phương Đông ký nhiều hợp đồng mua bán sắn lát. Trong số này có 3 hợp đồng, Cty Phương Đông đã bị Cty Đức Thuận chiếm dụng tổng số tiền 44 tỷ 620 triệu đồng. Nạn nhân của Cty Đức Thuận còn là Cty Nông sản xuất nhập khẩu Nghệ An, Cty CP Chế biến dược phẩm Hoàng Long, Cty CP Kinh doanh tổng hợp Kon Tum, Cty CP Xuất nhập khẩu Nghệ An… bị chiếm 22 tỷ 168 triệu đồng nữa. Toàn bộ số tiền ứng từ các hợp đồng mua bán sắn lát của khách hàng, bà Lan cho rằng đã đầu tư xuống dân và bị nông dân chiếm, hoặc do thiên tai gây thiệt hại hết.

Tháng 6-2009, Cty Đức Thuận gửi đơn đến TAND tỉnh Kon Tum xin mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Được thụ lý giải quyết, ngày 15-7-2011, Toà có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản đối với Cty Đức Thuận. Lúc này giá trị tài sản của Cty Đức Thuận chỉ còn 192,5 triệu đồng, trong khi tổng nợ khách hàng hơn 66 tỷ đồng.

Việc mở thủ tục phá sản của Cty Đức Thuận bị Viện KSND tỉnh Kon Tum kháng nghị ngày 10-8-2011, yêu cầu huỷ quyết định của Tòa. Thế nhưng, sau đó TANDTC tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.

Việc ứng tiền không trả hàng của bà Ngô Thị Lan chưa lắng xuống thì giữa năm 2012, Cty Cổ phần DABACO Tiền Giang có đơn tố cáo: Ngày 13-3-2012 Cty DABACO ký hợp đồng mua sắn lát của Cty Thăng Long do ông Phạm Tiến Thành (con trai bà Lan) làm TGĐ và cũng bị chiếm dụng tiền. Hợp đồng mua 20.000 tấn sắn lát, đơn giá 3.350.000 đ/tấn, tổng số tiền là 70,350 tỷ đồng. Cty DABACO đã chuyển cho Cty Thăng Long hơn 35 tỷ đồng. Nhưng kết quả, Cty DABACO chỉ nhận được hơn 4.000 tấn sắn lát, còn hơn 18 tỷ đồng của Cty DABACO bị Cty Thăng Long chiếm dụng, khó thu hồi.

Cận cảnh một hợp đồng

Cty DABACO ở ấp Tây Hòa, xã Song Thuận (Châu Thành, Tiền Giang), ký hợp đồng mua bán số 01/TL-NL/HĐ/2012, mua sắn lát của Cty Thăng Long với số lượng 20.000 tấn. Hàng loại 1, khô, sạch, gọt vỏ theo quy cách sọc dưa. Thỏa thuận, Cty DABACO thanh toán tiền 3 đợt, lần đầu 20 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng. Địa điểm giao hàng tại kho của Cty Thăng Long.

Cty DABACO đã uỷ quyền cho Cty Cổ phần thuỷ sản Ngư Long chuyển cho Cty Thăng Long 20 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Cty Thăng Long mời bà Trần Thị Ánh Nguyệt (đại diện của Cty DABACO) đến kiểm tra và xác nhận hàng trong 2 kho ở Bình Định và Kon Tum của Cty Thăng Long. Tại đây, bà Ngô Thị Lan (mẹ của TGĐ Cty Thăng Long) khẳng định, kho lô C ở cụm công nghiệp Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, Bình Định) có 9.000 tấn; còn kho ở xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum) có 8.000 tấn. Tổng cộng 17.000 tấn, giá trị là 56 tỷ đồng. Cty DABACO đã cho nhân viên phối hợp với bảo vệ kho của Cty Thăng Long để giữ hàng và chuyển tiếp cho Cty Thăng Long 15 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Cty DABACO chuyển cho Cty Thăng Long 35 tỷ đồng.

Ngày 11-5, Cty DABACO nhận hàng thì mới phát hiện đã bị Cty Thăng Long cho xem hàng ảo. Cụ thể, hàng hoá thì chỉ xếp ở vòng ngoài, kín mít, còn ở giữa thì rỗng. Nên khi kiểm tra kỹ 2 kho, số hàng thực tế chỉ hơn 4.000 tấn. “Như vậy Cty Thăng Long từ đầu đã lừa dối Cty DABACO, đem một kho hàng rỗng ruột giới thiệu để được chuyển cho 35 tỷ đồng. Sau đó, chỉ có lượng hàng giao trị giá gần 17 tỷ đồng, còn lại 18,638 tỷ đồng, Cty Thăng Long chiếm dụng của Cty DABACO”, TGĐ Cty DABACO Lê Minh Trí viết trong đơn gửi cơ quan chức năng.

Sau nhiều lần liên hệ, PV gặp và trao đổi với ông Phạm Tiến Thành, TGĐ Cty Thăng Long. Ông Thành nói, trước khi ký hợp đồng, hàng đã có trong kho và hai bên tạm ước tính số lượng. Tuy nhiên, số lượng thực tế quá ít so với số lượng tạm tính do xếp hàng rỗng ruột, ông Thành phân bua là do hàng tái xuất thường xuyên nên không nắm rõ cụ thể như thế nào (?). “Họ không thực hiện hết hợp đồng nên chúng tôi không giao hàng tiếp chứ hàng chúng tôi có. Bây giờ, chúng tôi đề nghị chốt tiền thuê kho, thiếu bao nhiêu sẽ thanh toán nốt. Tôi đã gọi điện, thông báo nhưng họ không trả lời”.

Thực tế, đại diện Cty DABACO nhiều lần tìm gặp Cty Thăng Long để mong lấy tiếp hàng hoặc được trả tiền nhưng không có kết quả, nên phải gửi đơn đến Công an tỉnh Kon Tum đề nghị giúp đỡ. Cty DABACO có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản nên rất cần nguyên liệu chế biến như sắn lát. Không có nguyên liệu, còn bị chiếm dụng số vốn lớn trong điều kiện hiện nay, Cty DABACO như ngồi trên đống lửa.

“Có dấu hiệu lừa đảo”

Thiếu tướng Lê Duy Hải, GĐ Công an tỉnh Kon Tum, sau khi nhận đơn khiếu nại của một số doanh nghiệp bị hại đã chỉ đạo xác minh, mới đây nói với PV là đằng sau quan hệ này có dấu hiệu của một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc đem kho hàng rỗng ruột giới thiệu với đối tác làm ăn nhằm mục đích chiếm dụng vốn là một dấu hiệu rất rõ.

Còn hồ sơ xin phá sản Cty Đức Thuận trưng ra để chứng minh làm ăn thua lỗ, đầu tư không thu hồi được vốn hơn 66 tỷ đồng, nhưng xác minh của Công an Kon Tum khẳng định điều ngược lại. Trong năm 2008, khi các đối tác ký hợp đồng và chuyển tiền cho Cty Đức Thuận hàng chục tỷ đồng, Cty Đức Thuận rút hết bằng tiền mặt nhưng không nhập vào sổ sách kế toán của Cty. Báo cáo tài chính năm 2008 của Cty Đức Thuận thể hiện rõ việc Cty này không đầu tư thu mua sắn lát ở người dân như trong báo cáo xin phá sản. Công an xác minh những người nhận tiền đầu tư của Cty Đức Thuận, hầu hết là người nhà bà Lan, bên cạnh nhiều người khẳng định không nhận tiền tỷ như bà Lan khai. Cty Đức Thuận lập hồ sơ thiệt hại 9.000 tấn sắn lát trong cơn bão số 9 năm 2009, để lấy hơn 17,4 tỷ đồng tiền ứng của Cty Phương Đông, cũng không có cơ sở.

Công an tỉnh Kon Tum điều tra các nhân chứng như kế toán Cty Đức Thuận, các hộ dân được Cty Đức Thuận gán cho là đã nhận tiền đầu tư và không còn khả năng trả nợ… phát hiện đều là sự man khai của Cty Đức Thuận.

Điều tra viên của Công an tỉnh Kon Tum nhận định, nạn nhân mua bán nông sản với 3 Cty của 3 mẹ con bà Lan, thiệt hại có thể chưa dừng ở con số gần 85 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp sau khi làm khách hàng của mẹ con bà Lan, lâm cảnh khốn đốn vì mất tiền, thì gia đình bà Lan vừa xây ngôi biệt thự lớn nhất nhì tỉnh Kon Tum.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm