| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông thôn

Chủ Nhật 24/01/2016 , 15:05 (GMT+7)

Theo đề nghị của nhiều cơ quan thông tấn báo chí, bên lề Đại hội , cuối giờ buổi sáng 24/1, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát đã dành thời gian trả lời các câu hỏi mà báo chí và dư luận quan tâm.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng sẽ tham mưu như thế nào cho Đảng và Nhà nước để có giải pháp giúp nông dân, hạn chế việc người nông dân bỏ quê lên thành phố?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc nông dân tìm việc làm ở khu vực kinh tế phi nông nghiệp là xu hướng tất yếu.

Nhìn các nền kinh tế phát triển hơn sẽ thấy, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm. Nhật chỉ còn 2,2 triệu nông dân. Mỹ có khoảng 2 triệu nông dân. Việt Nam có 23 triệu người làm trong nông nghiệp, trong khi đó 11 nước đối tác TPP của Việt Nam, theo số liệu do tôi tìm hiểu thì chỉ có 20,5 triệu nông dân, trong đó Mexico có số người làm nông lớn nhất cũng chỉ 13,5 triệu người, trong khi nước mình là 23 triệu. Nông thôn được đô thị hóa cũng là xu hướng tất yếu. 

Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam tiến hành CNH - HĐH, nền kinh tế chủ yếu sẽ là công nghiệp và dịch vụ. Nhìn Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... nông nghiệp chỉ còn 5-7%. Nhưng nông dân chưa có được việc làm ở nhà máy, cơ sở dịch vụ vẫn bỏ ruộng, bỏ quê đi làm các công việc phi chính thức, nhiều rủi ro.

Tất yếu Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ để tạo việc làm, thu hút lao động nông nghiệp và nông thôn, để đời sống nhân dân cao hơn. Người khó rời nông thôn vẫn có việc làm và đời sống tốt hơn. Vì thế, nền nông nghiệp cần phát triển mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Phải có chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ ở ngay vùng nông thôn, không phải lên các đô thị để tìm việc phi nông nghiệp. Phải tiếp tục chương trình NTM để cải thiện đời kiện sống cho người dân.

Xây dựng NTM, lẽ ra nông dân, đối tượng cần được hỗ trợ, tiếp sức thì lại góp sức, góp của cùng Nhà nước phát triển hạ tầng. Trong khi đó, người dân đô thị không phải chia gánh nặng với Nhà nước mà hạ tầng xây dựng vẫn đủ đầy. Bộ trưởng có suy nghĩ và bình luận điều này như thế nào?

Đúng là chúng ta mong đợi điều kiện sống ở nông thôn cải thiện nhanh hơn, trước hết là phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn lực to lớn. Thời gian qua, thực hiện nghị quyết của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng cam kết cứ 5 năm, ngân sách tăng gấp đôi.

Việc này, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho Chính phủ có các chỉ thị, chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm tục việc không được bắt ép nhân dân đóng góp để làm NTM. Việc huy động sức dân phải để nhân dân họp bàn, quyết định đầu tư cái gì, đóng góp bao nhiêu và làm như thế nào; Nhà nước chỉ hỗ trợ và khuyến khích động viên. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn xảy ra việc huy động quá sức dân, gây khó khăn cho nhân dân.

Vấn đề bạn quan tâm, đúng là thực tế, ở đô thị, Nhà nước đầu tư làm đường, hệ thống điện nước đến các khu phố, tận từng gia đình do điều kiện đô thị khác. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ tối đa cho nông dân. Trong điều kiện khó khăn, cũng phải chấp nhận rằng nông dân tự nguyện đóng góp để thực hiện nhanh hơn một số nhiệm vụ xây dựng NTM, trên cơ sở tự nguyện và dân chủ. 

Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam rất yếu trong cạnh tranh với thị trường thế giới?

Điều này không hẳn, bởi sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có nhiều mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn, giạ trị thu nhập cao, được thị trường thế giới ưa chuộng.

Ở đây, cần xem xét 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Trong cơ chế thị trường, hội nhập, muốn cạnh tranh cần phát triển sản phẩm lợi thế của Việt Nam, tận dụng điều kiện khí hậu, địa lý, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, truyền thống sản xuất. 

Không chỉ dựa điều kiện tự nhiên, sức dân mà phải tiếp sức cho dân để làm sản phẩm lợi thế ấy với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn. Những sản phẩm đó bao gồm: Lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra... Trên thực tế, những sản phẩm đó có khả năng cạnh tranh khá cao trên thị trường quốc tế. Việt Nam tuy không lớn nhưng sản phẩm chiếm vị trí cao.

Nhưng người dân chưa hài lòng là hiệu quả đem lại chưa cao. Xuất khẩu lúa gạo số lượng lớn, nhưng thu nhập từ 1 tấn gạo ấy không cao như Thái Lan hay nước khác. Tôi đồng ý là phải điều chỉnh để ngành lúa gạo, tiếp tục là ngành có lợi thế phát triển bền vững, có hiệu quả cao hơn, mang lợi ích lớn hơn. Đây là chương trình gồm nhiều giải pháp, chính sách.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.