| Hotline: 0983.970.780

Thức đêm diệt chuột

Thứ Tư 19/02/2014 , 11:03 (GMT+7)

Từ khi sạ lúa ĐX đến nay, cứ xẩm tối ông Phạm Tấn Thanh ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) ra cánh đồng Gò Mả đặt bẫy bắt chuột.

Từ khi sạ lúa ĐX đến nay, cứ xẩm tối ông Phạm Tấn Thanh ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) ra cánh đồng Gò Mả đặt bẫy bắt chuột. Đặt xong ông về nhà, khuya lại lặn lội ra ruộng thu gom chuột dính bẫy. Về nhà ngủ một lát, mờ sáng lại bì bõm ra ruộng, trung bình một đêm ông bắt được 30 con.

Chuột giảm

Ông Thanh chia sẻ: “Chuột tung hoành cắn phá lúa vào ban đêm nên muốn diệt mình phải thức đánh bẫy mới bắt được. Đặc tính của chuột là đa nghi nên đặt bẫy phải di dời vị trí, không đặt một chỗ”.

Trên cánh đồng Cây Da, Cây Duối (xã Hòa Kiến) ban đêm bẫy bán nguyệt được đặt khắp các thửa ruộng. Ông Nguyễn Trọng Tài đang thu gom bẫy cho hay: “Trước đây hàng trăm héc ta lúa của các xã Bình Kiến, Hòa Kiến dọc theo tuyến tránh quốc lộ 1 mới mở, chuột ẩn nấp trong các mô đất, đào hang cạnh các kẽ đá có lớp bê tông, người bắt không thể nào đào hang diệt ổ, vì thế chuột sinh sản nhiều cắn phá lúa tả tơi.


Nông dân xã Hòa An ra quân diệt chuột

Vào đầu vụ, nông dân đã ra quân diệt chuột, nhưng do địa hình phức tạp, lại không tiến hành đồng bộ nên chúng di dời từ vùng này đến vùng khác. Hiện nay giữa vụ bà con dùng bẫy bán nguyệt, ai cũng ra quân đồng loạt nên chuột giảm, lúa phát triển tốt”.

Nhờ phong trào thức đêm diệt chuột mà các cánh đồng ở xã Bình Kiến, Hòa Kiến thời điểm này một màu xanh trải dài, lúa xanh mượt. Còn trước đây, không có đám ruộng nào không có dấu răng của chuột. Có năm, chuột tấn công dữ dội từ khi cây lúa vừa ra lá non. Có đám chuột cắn lúa trong ruộng thưa thớt. Nhiều chỗ chỉ còn đất trống to bằng cái sàng, cái nong rải rác trong ruộng.

Giải pháp đầu tiên cứu lúa khỏi bị chuột cắn là dùng thuốc đánh bả nhưng chuột không ăn, một số người tranh thủ lấy nước vào ruộng cho ngập lụt để ngăn chuột từ bờ bò vào. Thế nhưng do ruộng nằm ở cuối kênh thủy nông Đồng Cam nên công việc lấy nước gặp khó khăn.

Diệt suốt vụ

Thời gian qua, nhiều cánh đồng lúa ở Phú Yên bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn chuột cắn phá làm giảm năng suất. Để giải bài toán diệt chuột bảo vệ mùa màng, ngay từ đầu vụ SX lúa ĐX 2013-2014, Sở NN-PTNT phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột bằng nhiều biện pháp kết hợp như dùng bẫy, bả thuốc… xuyên suốt cả vụ.

Trong đó, biện pháp đặt bẫy ban đêm được xem là tối ưu và có lợi cho môi trường sinh thái. Xã Hòa An (Phú Hòa) là một trong những nơi tổ chức đánh chặn chuột thành công nhất, diện tích lúa bị chuột tàn phá ngày càng giảm. Phong trào diệt chuột bảo vệ lúa ở xã Hòa An được nâng lên thành chiến dịch, HTX thuê các “vua diệt chuột” ở huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa về hướng dẫn nông dân.

Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho hay: “Từ đầu vụ đến nay liên tục phát động đợt diệt chuột, các xã Hòa An, Hòa Thắng là địa phương nổi bật trong phong trào diệt chuột của huyện. Đầu vụ đã triển khai diệt hàng ngàn con. Để phong trào diệt chuột hiệu quả cao hơn đòi hỏi các địa phương đồng loạt ra quân diệt chuột xuyên suốt vụ”.

Vừa qua, các địa phương của huyện Đông Hòa đã triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, bẫy, bả bằng thuốc trừ chuột hóa học và sinh học nên phần nào hạn chế chuột trên đồng ruộng. Tuy nhiên, do vụ này không có lụt lớn nên số chuột còn lại trên đồng rất nhiều và chúng đã cắn phá trong giai đoạn đầu vụ. Hiện diện tích lúa bị cắn phá giảm.

Cách đây 2 năm, dọc theo các tuyến đường quốc lộ 1A từ TP Tuy Hòa chạy dài đến xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) và tuyến quốc lộ 25 huyện Phú Hòa trên các cánh đồng đều được “trang điểm” bằng các loại sắc màu của nilon mà theo nhiều nông dân đó là để “bẹo” cho chuột sợ. Thế nhưng càng “bẹo” chuột càng cắn phá. Nhờ phong trào diệt chuột xuyên suốt cả vụ đã ngăn chặn được.

Ông Biện Minh Tâm, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết:

Phong trào diệt chuột triển khai từ đầu vụ, song một số xã miền núi do đặc điểm địa hình và chưa thật sự áp dụng các biện pháp triệt để nên chuột cắn phá ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Cần liên tục dùng bả thuốc sinh học, hóa học và bẫy bán nguyệt sẽ có hiệu quả cao.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.