| Hotline: 0983.970.780

Thực phẩm đội giá: Đã rõ căn nguyên

Thứ Sáu 15/07/2011 , 08:29 (GMT+7)

Giá thịt lợn đạt đỉnh cao nhất trong hàng chục năm. Giá các sản phẩm gia súc, gia cầm, đại gia súc cũng tăng đồng loạt. Bộ NN-PTNT đã khảo sát thực tế và nghe ý kiến các DN chăn nuôi lớn trên toàn quốc để cắt nghĩa hiện tượng này. Bởi chỉ khi tìm đúng "bệnh" thì mới kê toa bốc thuốc có hiệu quả.

Giá thịt lợn đạt đỉnh cao nhất trong hàng chục năm. Giá các sản phẩm gia súc, gia cầm, đại gia súc cũng tăng đồng loạt. Bộ NN-PTNT đã khảo sát thực tế và nghe ý kiến các DN chăn nuôi lớn trên toàn quốc để cắt nghĩa hiện tượng này. Bởi chỉ khi tìm đúng "bệnh" thì mới kê toa bốc thuốc có hiệu quả. 

Không có chuyện lợn xuất đi TQ 

Như NNVN số ra ngày 11/7 đã có bài phản ánh, trước thông tin cho rằng thịt lợn trong nước bị thương lái mua gom xuất khẩu sang TQ đã gây tình trạng khan hàng, đẩy giá lên cao, NNVN đã tìm hiểu tại các cửa khẩu giáp biên giới TQ ở khu vực miền Bắc và không thấy xe chở lợn quá cảnh.  

Tiếp tục cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi khảo sát tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên…để tìm hiểu, chúng tôi được biết, chỉ khi giá lợn hơi ở mức 54- 57 ngàn/kg mới có hiện tượng nhiều thương lái mua gom lợn xuất ngược sang TQ. Tuy nhiên trong hai tháng trở lại đây giá thịt lợn trong nước đã vượt lên thậm chí ngang bằng so với giá lợn bên TQ, thậm chí đã có lúc giá có phần nhỉnh hơn. Như vậy cần phải khẳng định rằng, chuyện lợn Việt Nam "vượt biên" sang Trung Quốc là có nhưng đã giảm dần và dừng hẳn từ khoảng hơn 1 tháng nay. 

Theo ông Vũ Quốc Hùng, Trưởng phòng Kiểm dịch, Chi cục Thú y Bắc Giang thì giả thiết khan hiếm lợn do xuất khẩu có thể loại trừ vì mấy năm qua Lạng Sơn luôn là một thị trường lớn của các nhà chăn nuôi Bắc Giang. Xe lợn nào từ Bắc Giang di chuyển lên cửa khẩu Lạng Sơn đều phải có dấu kiểm dịch nhưng thời gian gần đây số đầu xe xin kiểm dịch để lên Lạng Sơn giảm tới 80%.

Thông tin này một lần nữa được ông Lê Quốc Đoàn – GĐ Cty Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn Dabaco xác nhận. Thường xuyên tiếp xúc với các kênh phân phối thị trường, ông Đoàn khẳng định hai tháng gần đây giá lợn đã lập “đỉnh” nên thương lái không gom lợn xuất sang TQ nữa.  

Cung thiếu hụt 

Thực tế khảo sát tại các địa phương, hiện cơ cấu chăn nuôi đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt. Nhiều hộ chăn nuôi lợn đã buộc phải bỏ trống chuồng vì lo sợ dịch bệnh, hoặc do tổn thất kinh tế nặng nề nên không có khả năng tái đàn. Cũng có những hộ chuyển từ nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm. Nhìn chung đàn lợn ở các địa phương đều có chiều hướng giảm, không nhiều thì ít tùy theo mức độ thiệt hại của dịch tai xanh năm 2010. Theo thống kê mỗi tỉnh có mức giảm khác nhau: Có tỉnh giảm 0,2%, nhưng có tỉnh giảm đến  14,3% như tỉnh Bắc Ninh.  

Do tổng đàn lợn giảm nên giá thịt liên tục tăng, hiện giá lợn hơi trung bình từ 64.000 - 67.000đ/kg. Một số doanh nghiệp chăn nuôi cho biết, thịt lợn đắt hàng đến nỗi từ khi lợn chưa đủ trọng lượng, mới đạt 60-70kg đã có thương lái vào gạ mua. Không chỉ giá lợn thương phẩm cao mà ngay cả giá lợn giống hiện nay cũng tăng cao đến mức chóng mặt. Hiện để mua một con giống tốt người chăn nuôi phải chi từ 1,8- 2 triệu đồng.  

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi phân tích: Việc giá thịt lợn tăng mạnh như vậy không có gì khó hiểu, bởi nguồn cung thâm hụt quá lớn. “Cái gốc vấn đề là thú y của chúng ta quá yếu, không kiểm soát được dịch bệnh. Dịch hết năm này qua năm khác, thế giới có bệnh gì, chúng ta có bệnh đó” – ông Lịch nhấn mạnh. Phân tích ngay hệ lụy của đợt dịch tai xanh vừa qua, ông Lịch cho biết, có đến 37 tỉnh thành dính dịch, bên cạnh số lượng lợn thịt giảm nghiêm trọng, đàn lợn nái cũng bị chết rất nhiều. Những con còn lại thì khả năng sinh sản kém. Phần nữa là người nông dân lại thấy chăn nuôi có lợi nên bắt đầu vào đàn càng dẫn tới khan hiếm con giống nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Khắc Thảo – Phó TGĐ Dabaco cho biết, hiện nhu cầu về giống đang rất lớn. Hàng chục năm nay, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lại đạt đỉnh như vậy. Tháng 6 Cty vào đàn trên 7.000 con và bán ra 1.800 con giống. Tháng 7 Cty lại tiếp tục vào đàn 7.000 con và tăng lượng giống bán ra lên đến 3.000 con nhưng vẫn không đáp ứng đủ cung. Hiện Cty đang tiếp tục nhập giống ông bà về để nhân giống trong thời gian tới.  

Hai mặt của giá 

Trên thực tế, việc giá cả tăng mạnh vào thời điểm này đã được các DN chăn nuôi lường trước. Giá giống tăng là trở ngại đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ, các chủ gia trại. Giá thịt tăng đang đe dọa làm giảm mức sống của người lao động, người làm công ăn lương. Nhưng đối với những DN chăn nuôi phòng dịch tốt thì đây chính là thời điểm hốt bạc. Một chủ DN đã phải thốt lên “nuôi lợn thời này lãi ngang buôn ma túy, mà lại hợp pháp”. Ông Lê Văn Mẽ - GĐ Cty Chăn nuôi heo Phú Sơn (Đồng Nai) tiết lộ, năm nay với giá thịt cao thế này, doanh thu Cty chắc chắn sẽ đạt 200 tỉ.  

Tiên liệu trước được thị trường, giá cả là điểm khác biệt cơ bản giữa DN chăn nuôi với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Lưu Công Hòa – GĐ Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An cho rằng, không có gì lạ khi giá thịt lợn tăng đột biến bởi giá các mặt hàng khác đã tăng từ lâu nhưng giá thực phẩm mà cụ thể là giá lợn chưa tăng. Giá điện tăng, giá xăng dầu xăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá nhân công tăng… tất cả đều tác động lên giá của thực phẩm nói chung.  

Thống kê của Cục Chăn nuôi cũng cho thấy giá thịt gà tăng 47%, thịt vịt tăng 53%, thịt bò tăng 39%. Riêng giá lợn “đột biến” hơn là vì dịch bệnh dẫn tới hao hụt tổng đàn cộng với mặt bằng giá mới của các thực phẩm khác đang được thiết lập. Việc tăng giá này hoàn toàn có lợi và "bù đắp một phần" cho người chăn nuôi, bởi từ lâu người chăn nuôi luôn phải gồng mình gánh sức ép của giá cả, chỉ lấy công làm lãi, không bật lên được. Vấn đề là ở chỗ làm sao để người nông dân có thể chăn nuôi ổn định và an toàn. Nếu không có chiến lược chăn nuôi lâu dài thì khó có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bế tắc. 

Chính sách nào cho chăn nuôi? 

+ Ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng: “Lãi suất ngân hàng lên đến 25-26%, thậm chí còn không tiếp cận nổi thì người chăn nuôi làm sao có thể duy trì hoạt động sản xuất được”. Còn một số DN chăn nuôi ở Bắc Ninh nói thẳng, ngân hàng có cho vay vốn đâu mà tiếp cận. 

Cũng theo ông Chiến, do chịu ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tín dụng, cộng với chi phí đầu vào liên tục tăng cao nên các thành viên HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chiến đề nghị phải có chính sách tín dụng ưu đãi, may ra người chăn nuôi mới qua được cơn bĩ cực này.

+ Ông Chung Kim - GĐ TNHH Chăn nuôi Kim Long (Bình Dương): 

Nhiều tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi xen kẽ với khu dân cư nên rất khó kiểm soát dịch bệnh, môi trường ô nhiễm. Rồi có tỉnh vài năm lại thay đổi, dời quy hoạch chăn nuôi ra nơi khác nhường chỗ cho công nghiệp. Tại sao lại ưu tiên quy hoạch công nghiệp mà không ưu tiên quy hoạch nông nghiệp. Nhà nước cần xem lại nông nghiệp có tác động đến kinh tế hay không? Nếu có thì cần phải có chính sách kèm theo chứ.

Có thể thấy, hiện tượng giá lợn tăng đột biến có hai mặt nhưng diễn biến thị trường thịt lợn vẫn có thể tiếp tục phức tạp hơn nữa nếu không có định hướng đúng trong thời gian tới. Trước mắt, nếu các DN lập tức nhập thêm giống bố mẹ, ông bà để bổ sung cho đàn nái bị thiệt hại do dịch bệnh thì chưa chắc đã đảm bảo đầu ra cho đàn giống. Bởi các hộ chăn nuôi gia trại đang gặp khó khăn không thể tái đàn vì khó tiếp cận vốn, mà kể cả có tiếp cận được vốn thì lãi suất ngân hàng quá cao, tới trên 20% thì không ngành nào "gỡ" được, đó là chưa kể đến ngành chăn nuôi vốn nhiều rủi ro.  

Thêm nữa, tâm lí e ngại về dịch bệnh vẫn còn quá lớn khiến người nông dân nếu có vốn cũng không chắc dám mạo hiểm. Và nếu người chăn nuôi nhỏ lo lắng về công tác quản lí dịch bệnh một thì DN chăn nuôi lớn còn lo lắng gấp 10 lần.  

Nói về  thú y tất cả các DN chăn nuôi đều tỏ ‎ý không hài lòng. Ông Nguyễn Khắc Thảo, Cty Dabaco than phiền “Chúng tôi là DN chăn nuôi lớn trên địa bàn nhưng chưa bao giờ tôi thấy cán bộ kiểm dịch đến hỏi thăm, hướng dẫn tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh. DN đầu tư chăn nuôi thì DN tự tìm hiểu dịch bệnh, tự tìm kiếm vacxin. Phòng dịch như thế thì không thể tránh khỏi tình trạng dịch bùng phát liên tục. Chăn nuôi mà không gặp dịch thì giá đã không tăng vọt thế này”. Tỏ ra bức xúc, ông Lê Văn Mẽ cho rằng chỉ vì công tác quản lí dịch bệnh ở Việt Nam quá kém mà người chăn nuôi luôn "phải một đời đi đánh bạc!” 

Một vấn đề nữa mà các DN cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đó là  ngành chăn nuôi tuy có quy hoạch nhưng không được thực thi. Tại các địa phương, tuy nói là quy hoạch cho chăn nuôi nhưng chỉ để đấy mà không có chính sách hỗ trợ phát triển. DN chăn nuôi nào cũng muốn có đất để sản xuất nhưng địa phương chỉ khoanh một vùng đồi, thiếu nước, thiếu điện, thiếu đường thì DN lấy gì ra để chăn nuôi. 

"Tại sao Chính phủ chỉ ưu tiên xây dựng quy hoạch chi tiết cho công nghiệp mà lãng quên quy hoạch cho chăn nuôi? Đáng ra, người chăn nuôi phải gánh chịu nhiều rủi ro thì phải nhận được nhiều ưu đãi về lãi suất ngân hàng, về giá điện, về cơ sở hạ tầng nhưng thực tế cơ chế hiện nay đều ngược lại" - nhiều DN bức xúc lên tiếng.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất