| Hotline: 0983.970.780

Thực phẩm đội giá: Thực tế không như thống kê

Thứ Tư 13/07/2011 , 10:36 (GMT+7)

PV NNVN đã đi thực tế tại các "vựa heo" để trả lời câu hỏi tại sao Tổng cục Thống kê, Cục chăn nuôi khẳng định đủ cung mà giá vẫn tăng mạnh.

Thời gian gần đây, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Cục Chăn nuôi nhiều lần khẳng định rằng: Lượng cung thịt heo trong nước dồi dào, luôn “ổn”, đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước. Vậy tại sao giá thịt heo trên thị trường cứ tăng ngất ngưởng, bất chấp “lý luận” cung – cầu hài hòa? PV NNVN đã đi thực tế tại các "vựa heo" để trả lời câu hỏi trên.

MIỀN NAM: ĐÂU CŨNG THẤY “TREO TRẠI, GIẢM ĐÀN”!

Thực tế một lượng lớn người chăn nuôi dẹp trại, giảm đàn đã từng được NNVN nhiều lần khẳng định và chứng minh bằng những bài viết thực tế tại các tỉnh đứng đầu cả nước về chăn nuôi heo như Đồng Nai, Bình Dương. Sau một thời gian chờ tình hình dịch bệnh tạm yên (dịch LMLM kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6/2011), PV quay trở lại tìm hiểu vấn đề này thì thấy rằng, tình hình vẫn không mấy sáng sủa.

Trao đổi với PV hôm qua 12/7, ông Nguyễn Trọng Đàm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) khẳng định chắc nịch: “Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, toàn xã chỉ còn 11.000 con heo, so với tổng đàn gần 30.000 trước đây thì nay đã giảm gần 2/3 rồi”. Tiêu biểu nhất cho sự sụt giảm đàn tại Sông Trầu là trại của “đại gia heo” Đỗ Đức Đình.

Sau khi “siêu bão” tai xanh cuối năm 2010 quét qua xã Sông Trầu và tấn công trại heo của anh Đình, lập tức vị chủ trại đã phải co mình lại để chống đỡ bằng cách thu hẹp quy mô chăn nuôi. Nếu trước đây trại của Đình luôn thường trực trên 1.000 đầu heo, thì nay đã giảm gần phân nửa khi chỉ còn 600 đầu heo. Thực tế này cũng sát với thông tin ông Hoàng Sơn Hải – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cung cấp: “Ước tính Đồng Nai giảm khoảng 100.000 con heo (gần 10%) so với thời điểm trước đây”.

Trong khi đó tại Bình Dương, “cựu” chủ trại chăn nuôi heo Tống Văn Hường (ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) cho biết: “Năm ngoái tôi có một trang trại heo khá lớn, thường trực 1.200 con. Nhưng dịch bệnh liên miên vào cuối năm 2010 đã khiến tôi phải dẹp bỏ trại, ngưng nuôi heo hoàn toàn”. Hiện anh Hường tập trung cho đàn gà công nghiệp với hy vọng sẽ gỡ gạc lại thua lỗ do đàn heo gây ra.

Trong khi đó tại xã Cây Trường (huyện Bến Cát, Bình Dương), dịch heo tai xanh năm 2010 và tái phát trở lại vào tháng 6/2011 vừa qua (tại hộ bà Huỳnh Thị Lệ Trinh, ấp Ông Thanh) – hộ chăn nuôi lớn nhất xã với 36 con heo nái và gần 50 con heo thịt) đã tiếp tục làm đàn heo của xã thêm teo tóp. Trước đây xã này có trên 4.200 con heo (cả trang trại và nuôi nhỏ lẻ) thì nay các hộ nhỏ lẻ đã ngưng nuôi rất nhiều, giảm tới 50%.

Còn tại TPHCM, trong khi các trang trại lớn có vẻ ổn định thì hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị “đánh văng” khỏi guồng máy chăn nuôi heo đầy rủi ro, khắc nghiệt. Tiêu biểu nhất là hai phường Thạnh Lộc và Thạnh Xuân (quận 12), hàng loạt hộ chăn nuôi tại đây đã bỏ chuồng, “treo” trại và chuyển sang làm ngành nghề khác. Theo tìm hiểu của PV, tình trạng giảm đàn, ngừng nuôi tại đây đã được Bí thư Chi bộ KP 4, P.Thạnh Xuân là ông Nguyễn Đăng Hưu cùng với một số hộ dân trong KP động viên bà con chuyển sang ngành nghề khác, nhằm tránh thua lỗ, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trước đây, chỉ tính riêng KP4 có khoảng 70 hộ/tổng số 200 hộ dân làm nghề nuôi heo với số lượng từ 30 – 60 con/hộ, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng chục hộ còn sống với nghề này. Nhiều hộ dân cho biết đã phá bỏ chuồng heo để cho thuê đất hoặc tự trồng rau muống, trồng cây ăn trái, còn thanh niên trai tráng thì xin làm tại các KCN.

MIỀN BẮC: DÂN SỢ TÁI ĐÀN

Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam từ lâu được biết đến là một trong những vùng chăn nuôi lợn lớn  nhất miền Bắc. Hàng năm, số lượng lợn cho xuất chuồng lên đến hàng chục vạn con. Đời sống của người dân cũng từ đó mà ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình chăn nuôi ở đây có những biến động lo ngại.

Về các hộ dân nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục những ngày này không còn cảnh nhộn nhịp như những năm trước. Mặc dù giá lợn hơi hiện đang ở mức cao, giá thu mua từ 6,5 - 6,8 triệu đồng/tạ, nhưng nhà nông vẫn không mặn mà với việc chăn nuôi lợn.

Anh Phạm Văn Vượng, ở xóm 1, xã Ngọc Lũ, chủ một trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn cho biết: “Hiện trang trại của gia đình tôi chỉ còn hơn 100 con lợn thương phẩm. Mặc dù giá lợn hơi tăng cao nhưng gia đình không dám đầu tư nuôi nhiều bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng chống mặt. Với giá cả như hiện nay, nuôi 1 con lợn giỏi lắm lãi được 1 triệu đồng/con, trong khi đó nguy cơ rủi ro là rất lớn. Nào là bệnh dịch, giá thức ăn tăng… trong khi chưa biết mấy tháng sau, lợn xuất chuồng giá sẽ như thế nào”. "Chấp nhận đầu tư một cách cầm chừng thôi, không thể mạo hiểm được" - anh Vượng nói.

Chăn nuôi lợn cầm chừng hiện là tâm lý chung của nhiều hộ gia đình ở huyện Bình Lục. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết từ đầu năm 2011 đến nay, giá thức ăn cho lợn tăng 6 - 7 lần, mặc dù giá thịt lợn hơi cũng có tăng lên đến ngưỡng 6,8 triệu đồng/tạ nhưng cũng chỉ có lãi vài trăm ngàn đồng trên một con, nuôi nhiều thì chi phí cao nhưng không có vốn, nuôi ít thì lãi thấp. Ngoài việc giá thức ăn chăn nuôi tăng, dịch bệnh thì việc giá lợn giống tăng cũng làm cho các hộ chăn nuôi không đủ vốn để đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn.

Ông Đỗ Đức Diện, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thủy sản Hà Nam cho biết: "Toàn tỉnh năm 2010 có tổng số 367.000 con lợn, đến sáu tháng đầu năm 2011, tổng đàn lợn giảm sút rõ rệt, giảm xấp xỉ 67.000 con, chỉ còn lại khoảng 300.000 con. Dịch bệnh kèm theo giá cả leo thang đã khiến cho các hộ dân ở nơi đây rơi vào tình cảnh bi đát". 

Cũng theo ông Diện, tình hình giảm đàn là thực trạng chung trên cả địa bàn tỉnh chứ không riêng một huyện nào. Mặc dù Sở NN-PTNT cũng có nhiều chủ trương khuyến khích các hộ dân gầy đàn, tăng quy mô nhưng người dân vẫn hết sức dè dặt, chưa dám đầu tư tăng đàn.

Anh Trần Đình Quang, một hộ chăn nuôi lợn cho biết: “Vào thời điểm hiện nay giá lợn giống đã lên tới 140.000 đồng/kg, để đầu tư nuôi 200 con thì tiền giống cũng lên đến vài trăm triệu, chưa kể tiền thức ăn. Trong khi đó, để có được lợn thương phẩm cũng phải phải mất 5-6 tháng chăm sóc. Số vốn đầu tư lớn mà nguy cơ rủi ro nhiều nên trong thời điểm hiện tại rất ít gia đình mặn mà với việc chăn nuôi. Trong đợt dịch vừa qua có không ít hộ phải bán tháo cả đàn với giá rẻ. Mặt khác, đang mùa nắng nóng, dễ xảy ra dịch, nếu nuôi rồi lại bị dịch cả đàn thì biết làm sao?”

Tại xã Ân Nội, huyện Bình Lục cũng diễn ra tình trạng tương tự. Nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn bởi giá thức ăn gia súc liên tục tăng cao trong nhiều tháng liền. Bên cạnh đó nhiều hộ nuôi còn bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Ân Nội cho biết: Toàn xã có khoảng 90% hộ gia đình chăn nuôi lợn nhưng một phần là do dịch bệnh, giá cả lại lên xuống thất thường, đầu tư con giống lại cao nên người dân cũng không dám làm liều vì "xẩy một cái là sạt nghiệp ngay tức thời".

Giờ các hộ đều chăn nuôi nhỏ lẻ, không dám đầu tư như trước nữa. Hiện nhiều hộ dân nơi đây không mở rộng đàn lợn mà chuyển hướng nuôi con vật khác để giảm bớt khó khăn. Người chăn nuôi còn áp dụng triệt để các biện pháp nhằm giảm chi phí đầu vào như dùng các loại thức ăn tự chế biến từ ngô, cám, gạo, thóc...

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm