| Hotline: 0983.970.780

Quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh:

Thức trắng đêm dẫn nước vào ruộng

Thứ Hai 19/11/2018 , 07:30 (GMT+7)

Chính vụ sản xuất HT hàng năm, “chảo lửa” Hà Tĩnh lại nắng như thiêu đốt, ruộng đồng bắt đầu nứt nẻ. Đây cũng là lúc hàng chục cán bộ thủy nông Cty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) phải thức trắng hơn 20 đêm liền để dẫn nước vào ruộng, giúp nông dân sản xuất thắng lợi.

Ông Nguyễn Hữu Phúc cho hay, sở dĩ Cty thực hiện nhiệm vụ chống hạn hiệu quả là nhờ sự đoàn kết và ý thức cao của các công nhân.

Không phải ngẫu nhiên cha ông đúc kết ra câu tục ngữ “nhất nước - nhì phân - tam cần - tứ giống”. Nước là yếu tố tiên quyết cho thắng lợi của một vụ sản xuất, vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để gia tăng hiệu quả lao động, Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ban hành quy chế gắn trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên với công việc thông qua cơ chế tiền lương. Tiêu chí đánh giá bao gồm 4 nội dung chính là: quản lý tưới; duy tu bảo dưỡng công trình; thực hiện nội quy Cty; hợp đồng và nghiệm thu tưới tiêu. “Mỗi tháng chúng tôi phát động công nhân lao động, cắt cỏ, vệ sinh hệ thống kênh mương; trang thiết bị máy móc trong vòng 5 – 7 ngày. Đến ngày 25 -  30 thì 2 đoàn lãnh đạo đi nghiệm thu, đánh giá hiệu quả lao động để xếp lương. Lao động nào hoàn thành tốt nhiệm vụ được thưởng 5% lương; lao động hoàn thành nhiệm vụ hưởng 100% lương và lao động yếu, bị nhắc nhở trừ 5% lương”, ông Nguyễn Hữu Phúc, quyền Giám đốc Cty chia sẻ.

Hàng nghìn ha đất lúa vùng cao cưỡng các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà… đạt nặng suất cao nhờ nguồn nước tưới của Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh.

Theo ông Phúc, sau khi thực hiện quy chế này, ý thức của người lao động được nâng lên rõ rệt. Tất cả cán bộ, công nhân viên đều xác định làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít nên luôn nỗ lực hết sức, không có tình trạng tị nạnh nhau gây mất đoàn kết.

Trả lời câu hỏi của PV về kinh nghiệm vận hành hiệu quả công trình trong mùa hạn hán, ông Nguyễn Hữu Phúc cho rằng, ngoài sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở NN – PTNT thì yếu tố đóng vai trò tiên quyết cho thành công của đơn vị là sự đoàn kết trong nội bộ Cty. Thường sau khi kết thúc tưới vụ HT năm nay, cán bộ, công nhân viên họp lại rút kinh nghiệm những việc chưa làm được, đồng thời, căn cứ tình hình dự báo thời tiết sang năm và dung tích nước tại các hồ chứa để nhận định vùng có khả năng bị hạn hán vụ HT năm sau để xây dựng quy trình điều tiết cụ thể đến từng hồ.

“Nhờ sự chủ động trong mọi tình huống nên kể từ ngày hợp nhất Cty (năm 2013) đến nay, tại các địa phương ký hợp đồng dùng nước với Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chưa xảy ra đợt hạn hán nào ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất”, ông Phúc khẳng định.

Cán bộ, công nhân viên Cty ra quân nạo vét kênh mương trước vụ tưới

Vụ HT năm 2015 một đợt hạn hán kéo dài hàng tháng trời. Rất nhiều diện tích lúa trên địa bàn toàn tỉnh bị cháy khô, mất trắng. Địa bàn do Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh quản lý cũng có hơn 200ha ở các xã Nhân Lộc, Thượng Lộc, Vinh Lộc (huyện Can Lộc) nằm trong diện “khát” nước nghiêm trọng. Lúc này nước tại hồ Vực Trống đã nằm mực nước “chết” nên Cty phải huy động 6 máy bơm dã chiến, cử lao động thức trắng 20 đêm, rọi đèn pin dẫn nước vào từng ruộng. 

Những đóng góp của Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đối với ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Nhất  vào năm 2013. Đảng bộ Cty hơn 10 năm liền đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch, tiêu biểu.

Quyền Giám đốc Cty Nguyễn Hữu Phúc nói: “Phải khẳng định, chống hạn rất vất vả. Ngoài việc chủ động chuẩn bị thiết bị, thường xuyên bảo dưỡng định kỳ kể cả khi máy bơm nằm lưu kho, công tác nâng cao ý thức, tinh thần cho người lao động cũng rất quan trọng. Nếu lơ là, công nhân đem máy ra bơm suốt ngày đêm mà không kiểm tra hiệu quả nước về ruộng thì tình trạng “thượng điền tích thủy, hạ điền khan” cứ kéo dài triền miên”.

Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh hiện quản lý 22 hồ chức nước; 4 đập dâng; 23 nhà quản lý trạm bơm; 10 cống ngăn mặn, giữ ngọt cùng hàng trăm km kênh chính và hàng nghìn km kênh cấp 1… tại 7 huyện, thị xã gồm: Hương Sơn, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân và Hồng Lĩnh. Diện tích tích tưới bình quân hàng năm đạt trên 52.000ha; diện tích tiêu trên 14.000ha.

Được biết, ngoài tổ chức duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh các công trình do Cty quản lý, trước vụ tưới khoảng một tháng, Cty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh còn phối hợp chặt chẽ với các huyện, xã ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét hệ thống kênh tưới do các địa phương quản lý.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.