| Hotline: 0983.970.780

Thuốc cực độc nhan nhản ở vùng rau an toàn Hà Nội

Thứ Tư 05/03/2014 , 11:44 (GMT+7)

Hiện tại, ở một số địa phương, cánh đồng rau chẳng khác gì kho thuốc độc. Thậm chí, thuốc BVTV càng độc bán càng chạy.

Thủ đô Hà Nội ngày càng có nhiều địa phương xây dựng mô hình rau an toàn với đầy đủ các quy trình từ tập huấn đến cam kết, theo dõi nhằm hạn chế thuốc BVTV độc hại. Tuy nhiên ở một số địa phương, cánh đồng rau chẳng khác gì kho thuốc độc.

Thuốc BVTV Trung Quốc cực độc được khen

Huyện Thường Tín là một trong những vùng rau cung cấp một số lượng lớn cho nội thành Hà Nội. Chính quyền địa phương cũng đã rốt ráo quy hoạch một số xã thành những vùng rau an toàn với tham vọng biến Thường Tín thành vựa rau lớn. Nhưng những gì đang diễn ra ở vùng rau này mà chúng tôi trực tiếp chứng kiến vô cùng khủng khiếp.

Xã Thư Phú thực sự là một thủ phủ rau của huyện Thường Tín với hơn 110 ha trồng rau, trong đó có 49,7 ha rau an toàn. Nằm cạnh trụ sở UBND xã là tấm biển to đùng ghi vùng xây dựng khu sản xuất RAT từ thôn 1 đến thôn 9. Đi một vòng quanh các cánh đồng rau của xã mới thấy rằng tấm biển ấy người ta chỉ trưng lên cho đẹp mà thôi.

Nghe tôi giới thiệu mình là người đi nghiên cứu thị trường rau, lão nông Nguyễn Đình Thành (61 tuổi) ở thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú cực kỳ cởi mở. Ông Thành nói rằng, đặc thù đất trồng rau ở Thư Phú là đất ruộng, sâu nhiều vô kể, đặc biệt là sâu trong lòng đất nên phải dùng nhiều loại thuốc BVTV, thậm chí là những loại thuốc cực độc. Phun một lần không chết thì hai lần, ba lần, nếu vẫn chưa hết thì hòa thuốc vào xô rồi mang ra ruộng tưới.

Gia đình ông Thành làm gần 7 sào rau. Đủ loại. Hành hoa, su hào, cải ngồng, bắp cải, cà chua… Vụ nào cũng tiêu tốn hết vài triệu tiền thuốc BVTV, còn số lượng thuốc bao nhiêu thì ông không nhớ nổi. Từ khi được cấp chiếc bình nhựa để thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã sử dụng ông có điều kiện để tiếp xúc với các nhãn hiệu thuốc BVTV nhiều hơn. Nhưng khi móc một lô một lốc bao bì các sản phẩm sử dụng trong vụ vừa rồi ông Thành hầu như chẳng nhớ chính xác tên của loại thuốc nào. Rất nhiều trong số ấy là thuốc hóa học, bao bì in vạch màu vàng (độc nhóm II - PV) kèm theo các khuyến cáo cực độc, độ độc cao. Dạng bao bì có Marshal, Repdol, Pe Ran… Dạng chai, lọ có các loại THRIN, FM-TOX… Cũng có một vài sản phẩm thuốc BVTV sinh học, bao bì in vạch xanh, nhưng ông Thành thẳng thắn: Loại vạch vàng được chuộng hơn. Độc nhưng mà diệt nhanh.

12-03-52_anh3
Cánh đồng rau chẳng khác gì kho thuốc độc

Tất cả các loại thuốc kể trên đều không thể so được với một loại thuốc Trung Quốc mà ông gọi là Mã Lục. Ngoài lọ đề chữ Tàu chi chít, dung tích khoảng 100ml, in vạch đỏ cực độc, cấm kinh doanh. Cái tên Mã Lục là do người dân truyền tai nhau, hiệu quả không loại nào bằng, đánh vào rau vừa sạch sâu vừa xanh rậm.

Mỗi sào rau dùng 3 lọ Mã Lục, mỗi lọ 9 ngàn hòa được một bình phun. Nếu cộng thêm hai loại thuốc có độ độc cao khác là Marshal và FM-TOX nữa thì không loại sâu nào có thể sống sót. Mặc dù không dám mở lọ ra xem vì mùi hôi nồng nặc, nhưng từ mấy năm nay, vụ rau nào ông Thành cũng dùng Mã Lục, như chính ông thừa nhận, không chỉ bản thân ông mà nông dân Thư Phú rất khen loại thuốc cực độc này.

Tất nhiên là chẳng có đại lý nào ở Thư Phú công khai bán loại thuốc lậu cực độc ấy cả. “Loại thuốc này nhà nước nghiêm cấm sử dụng. Không đại lý nào dám bán công khai, nhưng nếu mình quen thì mua rất dễ. Các chủ đại lý thường không giấu thuốc ở nhà mình mà cất giữ ở một nơi bí mật nào đó. Dân mua bao nhiêu thì báo số lượng, chỉ cần một cuộc điện thoại là có người đem Mã Lục đến cho”, ông Thành tiết lộ.

Cũng theo lời ông nông dân này, số thuốc Trung Quốc mà gia đình ông và nhiều hộ dân ở Thư Phú đang sử dụng là của một người tên Nam ở thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo). Tôi ngỏ ý nhờ ông bắt mối, nhưng không được: Loại thuốc này người lạ không thể mua.

Thực trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV cực độc ở vùng RAT Thư Phú đang được xem như một chuyện hết sức bình thường. Tết vừa rồi, một đại lý ở thôn Vĩnh Lộc phải đền cho 4 hộ dân trong vùng 30-40 triệu đồng vì bán nhằm thuốc lởm làm su hào cháy sạch. Đáng lo ngại hơn nữa, phần lớn rau ở vùng này đều được tuồn lên nội thành Hà Nội với mác rau an toàn. “Các đại lý trên Hà Nội chỉ cần gọi điện là có. Họ cũng có máy kiểm tra gì đó nhưng dân phun thuốc gì làm sao mà biết được”, ông Thành nói thế.

Nghe mà kinh hãi. Vậy nhưng vẫn có những người cảm thấy bình thường. Bà Trần Ánh Tuyết, cán bộ BVTV xã Thư Phú thản nhiên: Những lúc đi kiểm tra chúng tôi thấy dân sử dụng thuốc BVTV chấp hành những khuyến cáo sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Có những cán bộ BVTV phụ trách địa bàn như thế, chả trách cánh đồng rau Thư Phú đầy rẫy chất độc. Toàn xã có gần chục cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, họ bán gì chắc bà Tuyết cũng không hề hay biết.

Thuốc càng độc bán càng chạy

Rời cánh đồng Thư Phú, chúng tôi lân la tìm hiểu ở các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở huyện Thường Tín để phần nào nắm bắt tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV độc hại ở địa phương này.

C.C là một trong những đại lý lâu năm và lớn nhất gần chân một cầu vượt. Không chỉ cung ứng trực tiếp cho các xã lân cận, C.C còn có 15 đại lý con rải đều ở các xã khác trong huyện. Bà C, chủ đại lý này nói với tôi rằng, số lượng thuốc BVTV hóa học có độ độc cao mà đại lý này bán cho dân chỉ có khoảng 20%, còn lại 80% là thuốc sinh học. Rằng những người buôn bán như bà luôn khuyến khích nông dân trong vùng sử dụng thuốc BVTV sinh học để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chỉ cần quan sát bằng mắt thường thôi cũng có thể khẳng định rằng tỷ lệ % không thể chênh lệch như thế. Và tất nhiên những lời trên cũng không thật.

12-03-52_anh4
Những sản phẩm bán chạy ở đại lý C.C đều là thuốc hóa học cực độc

Một ông nông dân ở Ba Lăng chạy lên kêu bà C xem thử có loại thuốc nào diệt ốc bươu vàng không? Người đàn bà này vào trong một lúc rồi mang ra loại thuốc có tên là New Bayoc in vạch màu vàng, hiệu cá sấu của Cty TNHH Nam Nông Phát. “New Bayoc, diệt ốc thần tốc. 4 nghìn một gói. Một sào chỉ cần 2 gói là ốc chết nổi phèo luôn. Bầy ốc tan tác luôn”, bà C quảng cáo. Có lẽ thật, vì khi cầm những loại thuốc ấy, bà chủ đại lý C.C không quên lấy bao nilon bọc tay lại.

Đến lúc này bà C mới thành thật nói rằng: Hai sản phẩm mà đại lý C.C bán chạy nhất đều là thuốc hóa học có độ độc cao. Marshal và Peran. Mỗi ngày ít nhất cũng vài nghìn gói. “Tôi nghe phong thanh người ta nói cấm sử dụng thuốc BVTV độc hại. Cấm hay không thì cũng phải sau 5 năm nữa mới biết được. Như vùng rau, vùng lúa này, sâu, giun đều ở dưới lòng đất. Dùng thuốc sinh học có mà hàng tạ cũng chưa chắc diệt được. Chỉ có thuốc hóa học mới đủ độ độc. Ví dụ như sâu đất, 3 gói Marshal với Peran một bình phun chết hết, giun dế cũng chết hết. Tối đi bơm, sáng hôm sau sâu đất to bằng đốt ngón tay chết, giun nằm sâu đến mấy cũng nổi lềnh bềnh. Không loại thuốc sinh học nào có thể thay thế được. Giả sử có khuyến cáo người dân dùng sang thuốc khác họ cũng không chịu”, bà C khẳng định chắc nịch.

Một sản phẩm thuốc hóa học mà bà C bảo là nông dân rất khen và bán chạy là thuốc trừ sâu Cóc chúa của Cty Cổ phần công nghệ hóa chất Nhật Bản. Bên cạnh lời khuyến cáo “Nguy hiểm” ghi khá to và vạch vàng chỉ độ độc hại là câu quảng cáo: Cóc chúa tới đâu sạch sâu tới đó. Cũng theo bà C, hiện có rất nhiều vùng rau an toàn ở Thường Tín xem Cóc chúa là lựa chọn hàng đầu.

Theo quan sát của chúng tôi, trên bao bì các sản phẩm thuốc BVTV độc hại đều ghi thành phần một hai hoạt chất gì đó với số lượng rất ít. Phần lớn còn lại được gọi chung chung là phụ gia đặc biệt. Ví dụ như sản phẩm Cóc chúa, thành phần gồm Emamactin Benzoate 148g/kg. Matrine 2g/kg. Phụ gia đặc biệt 550g/kg.

Xã Thư Phú vẫn đang trên đường hoàn thiện vùng rau an toàn. Hiện tại có một DN tư nhân thâu tóm phần lớn rau trong vùng cung cấp cho các cửa hàng, đại lý RAT ở nội thành TP Hà Nội. Với thực trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV độc hại vô tội vạ thì chắc chắn RAT Thư Phú không thể nào an toàn được.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm