| Hotline: 0983.970.780

Thuốc trừ cỏ Paraquat: Cấm hay không?

Thứ Sáu 06/06/2014 , 09:15 (GMT+7)

Thực tế, dù đây là thuốc độc nhưng sử dụng Paraquat giúp giảm chi phí SX, công lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường và tăng năng suất cho cây trồng.

Lợi ích to lớn trong sử dụng thuốc trừ cỏ Paraquat (PRQ) đã được khẳng định tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, nhưng kèm theo đó tình hình ngộ độc gây chết người (chủ yếu là vì tự tử) cũng khiến công luận bức xúc. Đã có những ý kiến trái chiều về triển vọng sử dụng PRQ ở nước ta.

08-34-26_dsc_5391
Nhiều ý kiến cho rằng PRQ là thuốc BVTV kinh doanh và sử dụng có điều kiện

Lợi ích lớn

Tại hội thảo “Hiện trạng và triển vọng sử dụng thuốc trừ cỏ PRQ ở VN” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trương Quốc Tùng, Hội KHKT Bảo vệ thực vật VN cho biết: "Năm 2013, PRQ đã được sử dụng ở trên 100 quốc gia của tất cả các châu lục với khoảng 75 triệu nông dân.

Riêng VN, PRQ được trên 40 DN BVTV đăng ký dưới 46 tên thương mại trong Danh mục thuốc BVTV. Ước khoảng 100.000 ha trên lúa, ngô, chè, mía, cây ăn quả, cây công nghiệp, cả đất không trồng trọt… sử dụng hoạt chất này".

Ở VN, đánh giá tính hiệu quả từ sử dụng PRQ cho thấy: "Năng suất tăng ở ngô là 18%, ở chè là 13%. Tiết kiệm 40 - 60% ngày công/ha so với cách làm truyền thống. Khảo sát sử dụng PRQ trên cây ngô ở Đồng Nai nhiều năm cho thấy tiết kiệm chi phí từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha so với làm cỏ tay.

Đặc biệt, đây là hoạt chất khá thân thiện với môi trường. Do thuốc chỉ tác dụng vào phần xanh của cây (trên mặt đất) nên vẫn duy trì bộ rễ của cỏ, giữ tốt cấu tượng đất, chống xói mòn rửa trôi, không những không gây hại cho hệ vi sinh vật của đất mà còn bị hệ vi sinh vật trong đất phân giải dẫn đến tăng độ phì nhiêu.

Điều này hết sức quan trọng ở vùng đồi núi, trong canh tác đất dốc, đặc biệt là ngô - một cây lương thực quan trọng. PRQ không gây độc hại với thuỷ sản…

Với việc sử dụng PRQ, nhiều nước trồng lúa cấy truyền thống ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… có thể chuyển sang chế độ canh tác gieo thẳng, không làm đất với nhiều lợi ích. Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã dành 5 năm (2008 - 2012) để nghiên cứu triển vọng phát triển của thuốc trừ cỏ PRQ tại Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai.

Ông Lưu Ngọc Quý, Phó Viện trưởng NOMAFSI cho biết: “Thay vì cào dọn, đốt sạch tàn dư thực vật trước khi gieo trồng như cách làm thông thường của nông dân, khi sử dụng thuốc trừ cỏ Gramoxone và không làm đất, lượng đất xói mòn đã giảm trung bình khoảng 60%”.

Tại đồng đất Hải Dương, kết quả đánh giá mô hình canh tác lúa không làm đất của Chi cục BVTV Hải Dương cho thấy, mô hình đã tiết kiệm được toàn bộ chi phí khâu làm đất, tuy nhiên đã phát sinh 2 lần xử lý thuốc trừ lúa chét (gốc rạ) và cỏ dại; tổng chi là 105.000 đ/sào, trong khi chi phí làm đất truyền thống tổng chi phí phát sinh là 203.000 đ/sào (chênh lệch 98.000 đ/sào).

Có nên cấm?

Sử dụng PRQ đã đem lại lợi ích to lớn cho SX nông nghiệp, nhưng xét về độc tính, nó thuộc nhóm độc II. Những năm gần đây, hoạt chất này đã gây ngộ độc, nhất là lạm dụng tự đầu độc (tự tử), tạo nên sự bức xúc trong xã hội bởi tác dụng gây độc nhanh và hầu như chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.


Sử dụng PRQ đem lại lợi ích to lớn cho SX nông nghiệp

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp SXKD thuốc BVTV VN:

"Cần phải coi PRQ cũng như một số loại thuốc BVTV thuộc nhóm II là loại thuốc BVTV kinh doanh và sử dụng có điều kiện. Phải tăng cường công tác quản lý sử dụng loại thuốc này. Riêng PRQ cần có những quy định đặc biệt hơn theo hướng hạn chế sử dụng ở mức cần thiết, bao gồm cả khoanh vùng sử dụng và không sử dụng tràn lan.

Tất cả các Cty SX thành phẩm PRQ phải tuân thủ yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia về đưa các chất cảnh báo an toàn vào thành phẩm thuốc, bao gồm chất tạo mùi khó chịu, chất tạo màu và chất gây nôn để hạn chế tối đa thuốc được sử dụng qua đường uống, nhằm mục đích tự tử.

Đồng thời, các DN phải trích lợi nhuận để tổ chức chương trình tập huấn cũng như có biện pháp quản lý sản phẩm, giúp nông dân sử dụng thuốc đúng mục đích, hiệu quả, tránh gây những hậu quả không mong muốn".

Ở mức nhiễm trung bình, tỷ lệ tử vong 30 - 40%, ở mức nhiễm độc nặng tỷ lệ tử vong cao, từ 70 - 90%. Đáng chú ý là hầu hết các ca nhiễm độc ở VN gây tử vong do PRQ đều không phải vì sử dụng thuốc trong nông nghiệp mà vì tự tử.

Vậy VN có nên cấm hẳn PRQ hay vẫn tiếp tục sử dụng PRQ nhưng với những biện pháp chặt chẽ hơn để phòng ngừa ngộ độc? PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) cho rằng, trên thế giới cũng như VN, sử dụng thuốc trừ cỏ gần như là một xu thế tất yếu trong SX nông nghiệp.

Tuy nhiên, rất nhiều người còn mơ hồ kiến thức về thuốc trừ cỏ. Thậm chí, không ít lãnh đạo cứ nghe thấy thuốc trừ cỏ là liên tưởng đến bệnh ung thư hay chất độc hoá học dioxin. Nhưng thực tế nó không gây hậu quả nghiêm trọng như nhiều người vẫn nghĩ.

“Đã là thuốc BVTV thì không một quốc gia nào mong muốn sử dụng nhiều, nhưng có những hoạt chất không thể cấm triệt để được mà phải có một lộ trình giảm dần. Đối với PRQ, nếu muốn cấm thì phải có một loại thuốc trừ cỏ khác vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa có giá trị KHKT tốt hơn thay thế”, ông Sơn nói.

Bà Võ Mai, Phó Chủ tịch TW Hội Làm vườn VN đặt câu hỏi, tại sao người ta lại “khoái” tự tử bằng PRQ và ở đâu cũng xài được, rồi tự trả lời rằng: “Nó đơn thuần là vì PRQ được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi và dễ kiếm. Đã là thuốc BVTV thì tất nhiên phải độc mới diệt được sinh vật có hại cho cây trồng.

Con người cũng là một loại sinh vật, nếu uống vào người với liêu lượng cao thì đương nhiên rất nguy hiểm. Hiệu quả của PRQ đã được thực tiễn kiểm chứng hơn 50 năm. Ở VN cứ vấn đề gì không quản lý được là cấm cấm và cấm, dở ẹc”.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân VN, cho biết: "Đến nay Hội Nông dân chưa nhận được đơn kiến nghị nào của nông dân về tình hình sử dụng PRQ nhưng lại nhận được rất nhiều thư phàn nàn về thu nhập thấp từ nông nghiệp. Nhiều nơi nông dân còn khổ lắm, nếu tính chi li gieo cấy cả một vụ lúa chỉ lãi 100.000 đồng/sào nên không ngạc nhiên khi họ bỏ ruộng.

Thực tế, sử dụng PRQ là phương thức giảm chi phí SX, công lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường và tăng năng suất cho cây trồng. Vì thế các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cấm hay không cấm.

Là người trực tiếp sử dụng PRQ trên đồng đất của gia đình, ông Nguyễn Sỹ Hạo, nông dân xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Chủ trương của Nhà nước là đảm bảo cho nông dân trồng lúa có lãi ít nhất 30%, nhưng nếu canh tác lúa theo phương thức truyền thống thì rất khó đạt. Ở xã tôi người dân đã bỏ mấy chục mẫu ruộng vì trồng trọt không sinh lãi.

Từ khi tôi chuyển sang mô hình cấy lúa không làm đất thì giảm được rất nhiều công lao động và chi phí SX lúa rất thấp, đảm bảo lãi trên 30%. Nhưng mô hình này bắt buộc phải có thuốc trừ cỏ như PRQ thì mới làm được”.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất