| Hotline: 0983.970.780

Thượng đẳng nhân sâm trên đỉnh Núi Bà

Thứ Ba 22/01/2013 , 09:07 (GMT+7)

Thật không uổng công đêm hôm lặn lội từ TP.HCM lên Đà Lạt, anh bạn tôi thốt lên: “Sâm Việt Nam mà giống y chang sâm Hàn Quốc”.

Được một người bạn cho biết, lần đầu tiên ở Việt Nam trồng thành công cây thượng đẳng nhân sâm, loại dược liệu quý hiếm tại khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, ngay trong đêm chúng tôi lên xe vượt gần 400 km đường đèo dốc tới đây để tìm hiểu.

Ông Trần Minh Châu, Trưởng phòng Công nghệ & sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang hỗ trợ Cty Cao Lâm quy trình SX VietGAP, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và tới đây tiếp tục hướng dẫn quy trình GlobalGAP để XK dược liệu quý này qua thị trường nước ngoài.

TRỒNG SÂM TRÊN ĐỈNH BIDUP

6 giờ sáng chúng tôi bước xuống xe, trong cái se se lạnh của Đà Lạt, ngoài trời sương vẫn còn rơi trên những hàng cây, mỗi góc phố. Anh bạn tôi, lần đầu tiên lên Đà Lạt, chưa quen khí hậu, lạnh quá hai hàm răng cứ đánh vào nhau run lên bần bật. Vừa bước vào văn phòng Cty Cao Lâm, đã thấy những củ thượng đẳng nhân sâm vừa thu hoạch, trắng nõn đang nằm xếp hàng ngay ngắn trong những cái khay bằng nhựa. Thoạt nhìn cứ tưởng những con búp bê làm đồ chơi cho em bé.

Thật không uổng công đêm hôm lặn lội từ TP.HCM lên Đà Lạt, anh bạn tôi thốt lên: “Sâm Việt Nam mà giống y chang sâm Hàn Quốc”. Được tận mắt ngắm nhìn những củ sâm ngâm trong bình rượu, sờ vào từng cái rễ, từng củ sâm trắng ngần vừa được thu hoạch từ nông trại, mới thấy được sự tinh túy và ý tưởng độc đáo của chủ nhân.

Không khí trở lên ấm dần lên khi người phụ nữ chừng 45 tuổi, có nước da trắng, hai má núm đồng tiền luôn nở nụ cười, bước ra vui vẻ nói: Các anh thông cảm, sâm vừa thu hoạch về chiều tối hôm qua, củ sâm mới qua sơ chế, một lát nữa qua công đoạn đóng gói, hút chân không để xuất đi các siêu thị ở Sài Gòn, nhà cửa lại thoáng đãng ngay.

Qua trò chuyện được biết chị tên là Huỳnh Thị Bích Thu, Giám đốc điều hành Cty Cao Lâm, là đơn vị đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng thành công trong việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, thông qua việc trồng và nhân giống cây thượng đẳng nhân sâm.


Công nhân công ty Cao Lâm đang làm cỏ cho cây sâm

Tôi đang thấp thỏm vì củ sâm thì thấy rồi, nhưng không biết trồng như thế nào mà lại cho sản phẩm đẹp đến thế. Như biết được suy nghĩ của tôi, chị Thu nói: “Các anh cứ yên tâm, tý nữa có xe của Cty chở các anh vào thăm trang trại”.

Vừa nói chị Thu vừa bê ra mỗi người một tô cháo bồ câu hầm thượng đẳng nhân sâm đang còn bốc khói nghi ngút, chỉ nghe cái tên thôi đã đủ tứa nước miếng rồi. Ăn sáng xong, chúng tôi lên xe đi vào thăm trang trại, từ trung tâm thành phố Đà Lạt, chúng tôi phải vượt qua 50 km đường đèo dốc, dọc quốc lộ 723 (hướng Đà Lạt - Nha Trang).

Xe vừa dừng lại trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt qua làn sương mỏng đã thấy những luống sâm dài hun hút, trên mặt có phủ màng nilon để ngăn ngừa cỏ dại, cũng như các côn trùng khác. Xa xa, mấy người công nhân đang lúi húi căng dây, đào hố, bón phân lót, hạ cây giống để cho kịp thời vụ.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan chị Thu vừa giới thiệu, nông trại của Cty nằm ngay sát Vườn quốc gia Bidup - Núi Bà, có độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển. Khu vực này luôn có sương mù bao phủ, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 17 - 20 độ C. Với khí hậu vùng núi cao và môi trường hầu như còn nguyên sinh đã giúp cây sâm phát triển tốt và hàm lượng Saponin đạt khá cao.

BẢO TỒN NGUỒN GEN QUÝ HIẾM

Chị Thu cho biết, thượng đẳng nhân sâm là một cây thuốc quý bị săn lùng ráo riết nên nguồn sâm ngoài thiên nhiên ngày càng bị cạn kiệt. Chính vì vậy, việc bảo tồn và nhân giống loại cây này là rất cần thiết. Thượng đẳng nhân sâm là một trong 40 loại cây nằm trong danh mục cây thuốc quý cần được bảo tồn và phát triển của Bộ Y tế.

 
Củ thượng đẳng nhân sâm 3 năm tuổi của công ty Cao Lâm

Vì thế, chị Thu khoe: Vừa qua Trung tâm sâm, Viện Dược liệu và Cty Cao Lâm đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu bảo tồn, nhân giống và phát triển cây thượng đẳng nhân sâm do Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng chủ trì.

Ngồi nhớ lại ngày đầu mới thành lập Cty, chị Thu cho hay: Trước đây Cty chủ yếu trồng trọt, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như hoa, rau, củ, quả đơn thuần. Trong một lần đi thu mua nông sản ở xã Đạ Chay, một xã vùng sâu vùng xa của huyện Lạc Dương, tình cờ chị bắt gặp một vài cây thuốc lạ nằm rải rác trong các khu rừng nguyên sinh. Đồng bào dân tộc ở đây cho biết đó là cây thuốc quý.

Bán tín bán nghi, chị mang cây thuốc về Viện Dược liệu nhờ các nhà khoa học phân tích và được biết đây là cây thượng đẳng nhân sâm (tên khác là phòng đẳng sâm). Sau lần đó, nhiều đêm chị cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Tại sao bên Hàn Quốc họ trồng được, mình lại không trồng được, trong khi mình vẫn phải nhập khẩu của họ giá thành cao ngất ngưởng?

Hơn nữa Đà Lạt có độ cao tương đối, khí hậu mát mẻ quanh năm, rất phù hợp với loại cây này. Thế là chị cứ âm thầm mày mò nghiên cứu cùng người chồng rất giỏi về địa lý, địa chất, am hiểu thổ nhưỡng đất đai của từng vùng.

“Lúc đầu trồng thử trong chậu, trồng trước sân nhà, cây phát triển kém, trồng mãi chẳng thấy củ đâu. Hai vợ chồng lại rủ nhau “cõng” thượng đẳng nhân sâm vào rẫy, cây được về với thiên nhiên, tắm nước khe suối, được hấp thu đầy đủ tinh hoa của đất trời, cây được phục hồi nhanh chóng và phát triển tốt”, chị Thu hồi tưởng.

PGS.TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm & dược liệu TP. HCM cho biết, Cty Cao Lâm là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam trồng thành công cây thượng đẳng nhân sâm, đây cũng là cây thuốc quý có tiếng trong nền y học cổ truyền. Từ xa xưa người dân đã biết dùng sâm để chữa một số bệnh, đặc biệt bồi bổ cho sức khỏe cngười già. Đặc biệt, giá thượng đẳng nhân sâm khá “mềm”, chỉ từ 500.000 - 1.500.000 đồng/kg nên từ người thu nhập trung bình tới người giàu đều có thể dùng nhân sâm để bồi bổ cho sức khỏe.

Sau khi khảo sát về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước, năm 2009 chị quyết định mua 30 ha đất ngay dưới VQG Bidup - Núi Bà để xây dựng nông trại, trồng thử nghiệm giống cây dược liệu quý hiếm này. Không ngờ cây thượng đẳng nhân sâm rất phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu, cây phát triển tốt, củ to, chất lượng không thua kém củ nhân sâm tươi của Hàn Quốc.

Từ 1 sào giống ban đầu, đến nay Cty đã trồng được 6 ha và đã bắt đầu cho thu hoạch. Bước đầu năng suất chưa cao lắm, mới chỉ đạt 2 tấn/ha. Điều đáng mừng, thượng đẳng nhân sâm có hình dáng rất đẹp, đặc biệt là cây có đầy đủ các dược lý, dược tính cần thiết, có tác dụng chữa một số bệnh, bồi bổ rất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm sâm tươi 1 năm tuổi được kiểm nghiệm tại Trung tâm Sâm & Dược liệu TPHCM cho thấy hàm lượng Saponin khá cao, đạt 6,37%.

Hiện nay, sản phẩm thượng đẳng nhân sâm tươi của Cao Lâm đã được Sở Y tế, Chi cục ATVSTP Lâm Đồng chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và chất lượng tốt vì làm theo quy trình VietGAP. Sản phẩm thượng đẳng nhân sâm tươi cũng đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ và có mặt trong các hệ thống siêu thị như: Citi mart, Vinatex, Maximart, Sài Gòn tiếp thị.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.