| Hotline: 0983.970.780

Thượng đỉnh Trump - Kim: Có thể tuyên bố kết thúc chiến tranh?

Thứ Năm 28/02/2019 , 07:15 (GMT+7)

Trump có thể sẽ đồng ý tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 như một cách để đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách đạt được một thỏa thuận hạt nhân với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 ở Hà Nội, giới quan sát, đặc biệt là những người ở Seoul, đang tìm hiểu về số phận của mối liên minh quân sự đã tồn tại hàng thập kỷ qua giữa Mỹ và Hàn Quốc, theo AP.

nh155731873
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi năm 2017. Ảnh: Reuters.

Các  mối lo âu này chủ yếu bắt nguồn từ những lời phàn nàn liên tiếp từ Tổng thống Trump rằng Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Hàn Quốc là quá tốn kém cũng như việc ông bất ngờ hủy hàng loạt cuộc tập trận với Seoul như một cách để thể hiện sự nhượng bộ trước Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6 năm ngoái. Thêm vào đó, những tiếng nói chỉ trích còn cho rằng chính sách của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang ngả quá nhiều về phía Triều Tiên và ông sẵn sàng đánh đổi bằng liên minh quân sự Mỹ - Hàn.

Các vấn đề liên quan đến liên minh Mỹ - Hàn sẽ không xuất hiện trên bàn thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá với tình thế hiện nay, không có gì là đảm bảo cho tương lai lâu dài của nó và Tổng thống Trump có thể rút 28.500 quân Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước bất kỳ lúc nào.

“Liên minh Mỹ - Hàn đang gặp rắc rối nghiêm trọng”, Kim Taewoo, cựu lãnh đạo Viên Thống nhất Quốc gia Triều Tiên ở Hàn Quốc, cho biết trong một bài phát biểu gần đây.

Dù vậy, giới chức Mỹ - Hàn nói mọi chuyện vẫn ổn. Sau khi đồng ý tăng phần đóng góp vào chi phí duy trì hiện diện quân sự của Mỹ trong năm nay, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuần trước cho hay Washington đã khẳng định họ không có kế hoạch thay đổi số lượng quân đồn trú. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Moon hôm 19/2, Tổng thống Trump nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ - Hàn chưa bao giờ tốt đẹp hơn, theo thông báo từ Nhà Xanh.

Trump hồi đầu tháng cho hay ông không có ý định rút quân nhưng trước đó, Tổng thống Mỹ từng đe dọa rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản nếu hai nước này từ chối chi thêm tiền đóng góp vào liên minh. Sau thượng đỉnh tại Singapore, Trump cũng phát biểu trước báo giới: “Tôi muốn đưa các binh sĩ của chúng tôi (ở Hàn Quốc) về nước. Trong lúc thông báo về việc sẽ hủy một cuộc tập trận lớn mùa hè, Trump gọi các cuộc tập trận Mỹ - Hàn là “rất khiêu khích” và “cực kỳ tốn kém”.

Các quan chức quốc phòng Mỹ hiện không lên kế hoạch giảm quân nhưng nhiều người tiết lộ họ sẽ không thấy bất ngờ hay ngạc nhiên nếu Tổng thống Trump đưa vấn đề rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc lên bàn thảo luận với Kim.

Những khả năng khác khiến Seoul lo lắng còn bao gồm việc Trump sẽ hoãn hoặc giảm đáng kể quy mô những cuộc tập trận quan trọng sẽ diễn ra mùa xuân này hay ông có thể đồng ý với một thỏa thuận mà theo đó, Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa tầm xa nhắm vào Mỹ nhưng không đề cập đến những tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đang ngắm mục tiêu vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việc ngừng huấn luyện toàn diện giữa các đồng minh có thể làm suy yếu năng lực chiến đấu của quân đội. “Sức mạnh chiến đấu của binh sĩ đến từ huấn luyện. Nếu không tiến hành bất kỳ cuộc tập trận (lớn) nào trong một năm, chúng ta sẽ chỉ có những binh sĩ Mỹ thiếu kinh nghiệm”, Moon Seong-mook, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, trụ sở ở Seoul, bình luận.

Có thông tin nói rằng Trump có thể sẽ đồng ý tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 như một cách để đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến cách đây gần 7 thập kỷ chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Với tuyên bố như vậy, Trump sẽ giúp Bình Nhưỡng có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy lời kêu gọi Washington rút quân về nước.

“Nếu an ninh bất ổn, đầu tư nước ngoài sẽ giảm và giá cổ phiếu sẽ giảm mạnh”, nhà phân tích Moon, người từng tham gia nhiều cuộc đàm phán quân sự với Triều Tiên, đánh giá.

Hôm 20/2, tại một khu dân cư ở trung tâm thủ đô Seoul, những tấm bảng ghi các câu khẩu hiệu “Hãy bảo vệ liên minh Mỹ - Hàn, huyết mạch của chúng ta, bằng mạng sống của chúng ta!” được dựng lên cùng với khoảng 20 lá cờ cả Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng bên cạnh đó, khoảng hơn chục người đang tuần hành bên cạnh một tấm biểu ngữ kêu gọi Washington không đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng ta là thuộc địa của Mỹ ư?”, một người biểu tình hô lớn.

Cảnh tượng trên cho thấy một thực tế rằng việc Mỹ đồn trú quân ở Hàn Quốc thậm chí gây tranh cãi ngay bên trong lòng nước này.

Kể từ sau cuộc chiến, Mỹ đã đồn trú một lượng lớn binh sĩ ở Hàn Quốc để bảo vệ trước những cuộc tấn công từ Triều Tiên. Trong khi đó, Hàn Quốc từng bước vươn lên trở thành một đồng minh trung thành, giàu có của Mỹ. Dù vậy, số lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc đã giảm dần qua các năm.

Sau khi tổng thống Mỹ Richard Nixon hồi năm 1971 rút khoảng 1/3 trong 60.000 quân khỏi Hàn Quốc, tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee lúc bấy giờ đã ra lệnh cho các quan chức ngầm theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, kế hoạch trên bị hủy vì Seoul lo sợ những biện pháp trừng phạt từ Washington.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng có ý định đem 40.000 quân trở lại Hàn Quốc. Song bị các cố vấn phản đối, cuối cùng, ông chỉ tăng quân số lên thêm khoảng 3.000.

Việc chỉ vài nghìn binh sĩ ra đi cũng có thể khiến vị thế quân sự của Mỹ trong khu vực bị suy yếu. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tác động không nhỏ tới nỗ lực chống lại sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc, chuyên gia nhận định.

“Nếu (Trump) rút quân chỉ vì vấn đề tiền bạc... ông ấy sẽ mất nhiều hơn là được”, nhà phân tích Kim Dong-yeop tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, bình luận. “Dưới góc độ khuôn khổ an ninh Mỹ - Trung, tôi cho rằng những bình luận về việc rút quân của Trump chỉ là những lời nói mang tính chất cảnh cáo”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất