| Hotline: 0983.970.780

Thương hiệu: Điểm yếu trong xuất khẩu gạo Việt Nam

Thứ Tư 21/10/2015 , 09:15 (GMT+7)

Đó là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị Triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, được tổ chức sáng 20/10 tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.

16-14-54_1-thu-truong-bo-nn-ptnt-trn-thnh-nn-v-thu-truong-bo-kh-cn-nguyen-viet-thnh-dong-chu-tri-hoi-nghi
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh đồng chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT vừa thành lập đoàn đi Đức để tìm hiểu thị trường nông nghiệp tại Hội chợ Nông nghiệp do nước này tổ chức, hoàn toàn không có thương hiệu gạo nào của Việt Nam.

“Điều đáng buồn là gạo Việt Nam có tại mặt thị trường này nhưng lại mang thương hiệu của nước khác. Các doanh nghiệp ở đây đều mù tịt về các thương hiệu nông sản của Việt Nam, kể cả các sản phẩm chúng ta có thế mạnh như gạo, chè…”, ông Nam chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ. Hàng năm xuất khẩu từ 6 - 8 triệu tấn gạo, mang về nguồn ngoại tệ từ 3 - 3,7 tỷ USD.

Có được thành công đó là nhờ chúng ta đã có những chính sách phù hợp; giải pháp chiến lược về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại; đặc biệt là sự cố gắng vượt bậc của hàng triệu nông dân và các doanh nghiệp…

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức SX, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản không đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn SX, giá trị gia tăng thấp.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, cần có những điểm nhấn tạo cốt lõi nhằm đảm bảo xây dựng thương hiệu gạo thành công. Trong đó, 2 vấn đề chính là định hướng thị trường và đảm bảo năng lực SX thương mại.

Mấy chục năm xuất khẩu gạo, chúng ta tập trung chạy theo sản lượng mà quên đi vấn đề chất lượng. Trong khâu tổ chức SX cũng vậy, nông dân đã quen với tập quán thâm canh tăng vụ, cần năng suất hơn là chất lượng. Về thị trường, chúng ta lệ thuộc nhiều vào thị trường tập trung, nhu cầu gạo chất lượng thấp.

Bây giờ thị trường thay đổi, buộc ta phải thay đổi theo. Thời gian qua thị trường gạo trắng chúng ta đang mất dần, nhưng gạo thơm lại phát triển và là loại gạo mà Việt Nam có lợi thế sản xuất.

Theo ông Huệ, bây giờ chúng ta mới bàn tính tới chuyện xây dựng thương hiệu gạo là quá chậm và con đường phía trước còn rất dài, nhưng chúng ta có cố gắng đi thì mới tới được.

Trước hết là tổ chức liên kết SX, khép kín chuỗi giá trị của hạt gạo từ đầu vào đến đầu ra, để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cần có quy định nhằm tăng cường quản lý chất lượng sau thu hoạch, tránh tình trạng đấu trộn làm giảm giá trị…

Tương tự, ông Phạm Thái Bình, GĐ Cty TNHH Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, chúng ta là nước SX lúa gạo lớn nhưng văn hóa bán gạo của Việt Nam rất kém. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá để chiếm lĩnh thị trường, làm mất giá và xuất khẩu cũng không còn thương hiệu.

Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu gạo hiện nay là rất cấp bách. Với kinh nghiệm 19 năm kinh doanh lúa gạo, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều loại gạo tốt phục vụ tiêu dùng của người dân cũng như xuất khẩu. Nhiều giống lúa của Việt Nam chất lượng gạo rất tốt nhưng khi tham gia xuất khẩu lại phải mang thương hiệu của nước khác.


Là nước sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo lớn 3 thế giới nhưng gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu

Ông Bình đề nghị: “Xây dựng thương hiệu gạo phải từ cánh đồng, làm cánh đồng lớn. Trước hết phải có chính sách khuyến khích phát triển, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển giống lúa, quản lý khâu sử dụng phân, thuốc, bảo quản sau thu hoạch, chế biến… Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chính nhưng phải liên kết với nông dân để cùng thực hiện”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST nổi tiếng vùng ĐBSCL nhấn mạnh: “Muốn xây dựng thương hiệu gạo thì trước hết phải đảm bảo tốt khâu giống, nhất là về quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay ở ĐBSCL đang có thực trạng là sử dụng khá tự do về giống lúa, dẫn đến thoái hóa và giảm chất lượng. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì sẽ phá vỡ toàn bộ dự án chúng ta đang làm”.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, chúng ta xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ vì mục đích thương mại mà còn vì lòng tự trọng. Không thể một nước xuất khẩu gạo đứng trong tốp đầu thế giới mà cứ phải mượn thương hiệu, bao bì của nước khác để bán.

“Mục tiêu Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; đến năm 2030, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần thành lập ban chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Đồng thời, chọn ra từng nhóm gạo để xây dựng thương hiệu và xây dựng tiêu chuẩn về từng loại gạo. Trong từng nhóm gạo, doanh nghiệp chọn giống để xây dựng thương hiệu cho riêng mình, và khi đạt chuẩn sẽ được sử dụng thương hiệu quốc gia trên bao bì.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh cho biết, tham gia đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì về đăng kí sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong việc đăng ký, phát triển thương hiệu gạo trong nước và trên thị trường quốc tế.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu gạo, các doanh nghiệp cần xác định rõ phân khúc thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu gạo chất lượng và phải đăng kí sở hữu trí tuệ. Nhà nước sẽ hỗ trợ, quảng bá giới thiệu thương hiệu gạo trên thị trường Việt Nam và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường mới…

Về giống, ưu tiên chọn ra 3 nhóm giống gồm: lúa thơm, lúa đặc sản địa phương và nếp đặc sản để xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, xây dựng thương hiệu gạo doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chủ chốt, tích cực tham gia quản lí và sử dụng khai thác.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất