| Hotline: 0983.970.780

Thượng Thôn nỗ lực thoát nghèo

Thứ Ba 27/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

Thượng Thôn (Hà Quảng) là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

09-59-16_thuong_thon_1
Trồng gừng trâu tại xã Thượng Thôn bước đầu đem lại thu nhâp ổn định.

Với nỗ lực giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Xã có 15 xóm, 516 hộ, đa phần là đồng bào dân tộc Nùng, Mông. Toàn xã còn 62% hộ nghèo. Với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, dân cư phân bố rải rác, chủ yếu trồng ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó việc tiếp cận nguồn vốn và các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp khó khăn nhất định.

Đây là những nguyên nhân và cũng là rào cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với quyết tâm vươn lên giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, xã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp là mũi nhọn, trong đó chọn trồng gừng trâu và vỗ béo trâu, bò là hướng đi chính để giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2017, một doanh nghiệp có tên là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm gừng trâu tại xã. Người dân được tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, giám sát quá trình sinh trưởng phát triển của cây; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích, đúng thời điểm, chú ý các loại dịch bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng theo yêu cầu.

Năm 2018, xã có hơn 200 hộ trồng hơn 8 ha gừng trâu, năng suất đạt 15 - 18 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 120 tấn; tổng thu hơn 700 triệu đồng, nhiều hộ thu nhập 20 - 30 triệu đồng nhờ trồng gừng, giá trị cây gừng cao gấp 2 - 3 lần so với cây ngô. Vụ 2019, xã trồng 12 ha gừng trâu, hiện đang phát triển tốt.

Ngoài mở rộng diện tích trồng gừng trâu, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Từ nguồn vốn chương trình 30a đã hộ trợ cho 21 hộ mua bò cái sinh sản.

Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn vay thông qua các tổ chức hội đoàn thể với chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện, nhiều hộ dân đã tập trung chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò trung bình mỗi năm từ 2 - 3 lứa, cho thu nhập trung bình từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu/hộ, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Toàn xã hiện có hơn 1.300 con trâu, bò; hơn 2.400 con lợn. Anh Hoàng Văn Sỹ, xóm Chàng Đỉ chia sẻ: Trước đây gia đình tôi có hoàn cảnh rất khó khăn. Quanh năm chỉ trồng một ít diện tích ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2017 tôi bắt đầu thử chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Thấy hiệu quả, hiện nay tôi vỗ béo 2 - 3 lứa trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định từ vỗ béo trâu, bò, gia đình đã có đủ tiền để chuẩn bị dựng nhà mới. Từ năm 2018 tôi trồng thêm hơn 500m2 gừng trâu...

09-59-16_thuong_thon_2
Người dân chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.

Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ nguồn vốn các chương trình, xã được đầu tư hàng tỷ đồng mở mới, làm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường bê tông tại các xóm với tổng chiều dài hơn 8km như các tuyến: Lũng Rị - Chàng Đỉ dài 1,6 km; Nặm Giạt - Lũng Hỏa dài 1,8 km; Lũng Hóng - Rài Tổng dài 4 km; Tăm Poóng - Tổng Cáng dài gần 800 m… để người dân đi lại, thuận lợi giao lưu buôn bán.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Lã Thị Trang cho biết: Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, đời sống người dân dần được nâng lên, nhiều hộ có điều kiện mua sắm xe máy, máy cày bừa cùng nhiều vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Năm 2018, xã giảm được 3,5% số hộ nghèo, còn 330 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Năm 2019, xã tiếp tục vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tập trung tận dụng nguồn vốn vay hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình vỗ béo, trâu, bò và mở rộng diện tích trồng gừng trâu.

"Mục tiêu hết năm 2019 sẽ giảm khoảng 5% số hộ nghèo, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 20 triệu đồng/người/năm", bà Lã Thị Trang.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm