| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đến đâu, ấm no đến đó

Thứ Năm 22/10/2015 , 20:09 (GMT+7)

Các hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha đất gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp...

“Phát triển về thủy lợi là sự khác biệt chính làm nên thành tựu về đảm bảo an ninh lương thực của đất nước ta trong 30 năm qua. Với kinh nghiệm ít ỏi của mình, nhưng tôi luôn cảm nhận thấy rất rõ khi thủy lợi đi đến đâu thì đói nghèo ra đi, ấm no và thịnh vượng đến cùng”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh khi nói về những dấu ấn của thủy lợi đối với ngành NN-PTNT.

Hệ thống thủy lợi thuộc loại lớn nhất trên thế giới

GS. TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, dẫn ra nhận xét của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) về hệ thống công trình thuỷ lợi ở Việt Nam: “Việt Nam có một mạng lưới đập và cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, thuộc loại lớn nhất trên thế giới, đứng cạnh Trung Quốc và Mỹ”.

Thực vậy, từ chỗ chỉ có 13 hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho 324.900 ha, tiêu 77.000 ha năm 1945, đến nay cả nước đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống công trình thủy lợi với 6.886 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới, tiêu lớn, 234.000km kênh mương, 25.960 km đê các loại.

Các hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha đất gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp, nâng dần mức bảo đảm phòng, chống lũ bảo vệ các khu đô thị, khu dân cư và phục vụ SX.

Ngành thủy lợi đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, phát triển nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn ODA và nguồn vốn khác hệ thống thủy lợi trên địa bàn cả nước đã được rà soát, đầu tư và nhiều hệ thống công trình thủy lợi rất lớn của đất nước đã được đầu tư hoàn chỉnh.

Các công trình tiêu biểu như hệ thống Cửa Đạt, hệ thống Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hệ thống Bản Mồng - Tả Trạch, cống Đò Điệm, cải tạo các hệ thống thủy lợi sông Tích, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải…

Ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đầu tư hàng loạt công trình lớn, tiêu biểu như hệ thống Nước Trong để tiếp nước, hệ thống Bình Định - Vân Phong, các hệ thống công trình thủy lợi lớn trong khu vực miền Trung.

Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa và trong vòng hơn 10 năm, chúng ta đã đầu tư 12.000 tỷ đồng để sửa chữa trên 600 hồ chứa các loại, trong đó chủ yếu là các hồ chứa lớn đã được áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của thế giới.

Phát triển thủy lợi đã hình thành nền tảng phát triển nông nghiệp trong quá trình đổi mới, đóng góp quan trọng vào kết quả đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu SX, phòng chống thiên tai lũ lụt, bảo vệ an toàn cho SX và đời sống toàn dân.

Thủy lợi không những có đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành thuỷ lợi đã và đang tạo dựng cho đất nước một hệ thống đồ sộ các công trình thủy lợi, với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao, làm nền tảng để phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Với những thành tích kể trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành thủy lợi đã góp phần bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Tái cơ cấu thủy lợi hướng đến sự bền vững

Ngành thủy lợi đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thử thách to lớn. Toàn ngành NN-PTNT đang nỗ lực triển khai thực hiện 2 chương trình đầy tham vọng, đó là tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng NTM.

 Việc triển khai thực hiện 2 chương trình này đang tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Sự chuyển biến đó cũng đòi hỏi phải có sự phát triển mới trong ngành thủy lợi.

Trước hết, thủy lợi phải định hướng rõ hơn để phát huy các lợi thế so sánh của đất nước, phát triển các loại nông sản hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Mặt khác, công tác thủy lợi phải đáp ứng sát hơn các yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu được dự báo là thách thức lớn nhất của nhân loại và trước hết là của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Để làm được điều này, ngành thủy lợi phải điều chỉnh kết cấu hạ tầng xây dựng đáp ứng sát mục tiêu phát triển nông nghiệp, thủy sản và các ngành kinh tế - xã hội khác theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây trồng cạn, cây công nghiệp và rau hoa.

Ngành thủy lợi cũng cần ứng dụng KHCN, sử dụng nước, công trình thủy lợi có hiệu quả.

“Thủy lợi luôn phải đứng trước thách thức về thiên tai. Ngay giờ phút này, ngành thủy lợi trực 24/24 kiểm soát tất cả những vấn đề về thiên tai trên toàn quốc. Rất nhiều lo lắng khi từng công trình đang trong giai đoạn thi công, xây lắp và cả trong quản lý vận hành lúc nào cũng đầy những mối lo về an toàn hồ đập, về hạn hán…”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết.

Thách thức là to lớn nhưng với truyền thống tốt đẹp, với bề dày kinh nghiệm được tích lũy, với đội ngũ tâm huyết, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ngành Thủy lợi sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, tiếp tục đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành NN-PTNT và của đất nước.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm